Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, tiến triển kéo dài, nếu không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề thậm chí gây ra tử vong.
Việc chăm sóc và điều trị bệnh tăng huyết áp không chỉ một sớm một chiều, mà cần phải duy trì việc sử dụng thuốc, kết hợp với thay đổi lối sống trong thời gian dài. Dưới đây là một số hướng dẫn chăm sóc cho người bệnh tăng huyết áp

1. Lối sống cho người bệnh tăng huyết áp
1.1. Xây dựng thực đơn phù hợp
Thực hiện chế độ ăn có lợi cho sức khỏe tim mạch: chế độ DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension), đây là chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát huyết áp theo nguyên tắc cơ bản như sau:
+ Tăng cường: các loại rau quả, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc, cá (cá hồi, cá trích trứng, cá thu đao, cá ngừ,…), thịt gia cầm (gà, vịt bỏ da), sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.
+ Hạn chế: thực phẩm giàu chất béo bão hòa (chất béo từ mỡ động vật), cholesterol, chất béo chuyển hóa (có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn như bánh quy giòn, bơ thực vật, khoai tây chiên, gà rán,…), đồ ngọt, muối và thịt đỏ.
+ Hạn chế ăn mặn: vì muối kích thích cơ thể giữ nước, từ đó làm huyết áp tăng cao. Người bệnh tăng huyết áp nên ăn không quá 5-6 gram muối ăn mỗi ngày.
+ Bổ sung Kali: ưu tiên thức ăn giàu Kali (các thực phẩm làm từ sữa,…), ngoại trừ trường hợp người mắc bệnh thận, tăng Kali máu, hoặc có dùng các thuốc giữ Kali.

1.2. Hạn chế uống rượu
– Không uống quá 30ml ethanol/ ngày. Tương đương với 720ml bia, 300 ml rượu vang, 60 ml whisky đối với nam giới.
– Đối với nữ giới và nam nhẹ cân chỉ nên uống một lượng bằng ½ so với định mức của nam giới.

1.3. Hạn chế chất kích thích, thuốc lá
– Nguyên nhân là vì thuốc lá, các chất kích thích bao gồm rượu bia, các thức uống
có cồn hoặc chứa chất caffein, cocain sẽ làm hệ giao cảm của cơ thể tăng cường hoạt động. Từ đó dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim và tăng huyết áp.

1.4. Kiểm soát cân nặng
– Người thừa cân, béo phì rất dễ bị tăng huyết áp. Chính vì vậy việc kiểm soát tốt cân nặng sẽ góp phần ổn định huyết áp, đồng thời giảm nguy cơ mắc xơ vữa mạch cũng như các bệnh mạch vành.
– Nên duy trì cân nặng sao cho mức BMI của cơ thể nằm trong khoảng 18.5 đến 23.

1.5. Duy trì thói quen tập luyện thể dục
– Các chuyên gia khuyến khích người bệnh tăng huyết áp nên duy trì thói quen tập luyện phù hợp, luyện tập vừa phải, không quá sức.
– Nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 05 ngày mỗi tuần.

1.6. Giữ cho tinh thần thoải mái
– Cần thiết xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho bệnh nhân tăng huyết áp.
– Nên giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, tuyệt đối không làm việc quá sức.
– Hạn chế tối đa những thay đổi lớn về cả tâm lý và thể chất.

2. Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà
2.1. Theo dõi huyết áp
2.1.1. Tầm quan trọng của theo dõi huyết áp tại nhà?
– Tất cả bệnh nhân bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp cần phải theo dõi huyết áp tại nhà, đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân nguy cơ cao hoặc phụ nữ đang mang thai.
Mục tiêu để:
✔ Đánh giá tăng huyết áp áo choàng trắng (huyết áp đo tại bệnh viện, phòng khám luôn ở mức cao nhưng khi về nhà, huyết áp lại trở về mức bình thường) và chẩn đoán tăng huyết áp không kiểm soát.
✔ Đánh giá tăng huyết áp ẩn giấu và tăng huyết áp kháng trị.
✔ Cải thiện sự tuân thủ điều trị dài hạn và tỷ lệ kiểm soát huyết áp.

2.1.2. Hướng dẫn đo huyết áp tại nhà

– Người bệnh có thể tự đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc đo nhiều lần hơn nếu cảm thấy những dấu hiệu bất thường (đau đầu, chóng mặt, xây xẩm, tim đập nhanh,…)
– Kết quả đo huyết áp nên được ghi vào giấy hoặc file theo dõi của Trung tâm và thông báo với bác sỹ để kiểm tra, tư vấn kết quả.

2.2. Theo dõi tình trạng tổn thương các cơ quan đích
– Nguy hiểm nhất của bệnh tăng huyết áp là phá huỷ các cơ quan đích như: tim mạch, não, thận, mạch máu, mắt,…
– Để dự phòng và ngăn ngừa biến chứng của tăng huyết áp người bệnh cần:
+ Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ hoặc kiểm tra các biến chứng ít nhất mỗi năm 1 lần.
+ Một số cận lâm sàng cần thực hiện: tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, bilan lipid máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI,… hoặc theo sự tư vấn của bác sỹ sau khi thăm khám.

2.3. Theo dõi tác dụng phụ của thuốc
Theo dõi một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị tăng huyết áp và thông báo với bác sỹ để xử trí kịp thời:
– Thuốc ức chế men chuyển:
+ Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng – pril như captopril, enalapril, lisinopril, perindopril,…
+ Có thể gây ho khan dai dẳng, không thể điều trị bằng các loại thuốc ho thông thường mà chỉ có thể chấm dứt nếu ngừng thuốc.

– Thuốc chẹn thụ thể angiotensin:
+ Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng –sartan như losartan, irbesartan, valsartan, telmisartan.
+ Tác dụng phụ tương tự như thuốc ức chế men chuyển tuy nhiên tình trạng ho và phù mạch sẽ ít hơn.

– Thuốc chẹn beta giao cảm:
+ Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng –lol như atenolol, bisoprolol, nebivolol, carvedilol, metoprolol,…
+ Thuốc không thích hợp cho người bị hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng như người có bệnh liên quan tới mạch máu ngoài tim vì có thể làm triệu chứng bệnh nặng hơn.
+ Thuốc còn có thể gây mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim chậm, phát ban, tay chân lạnh do làm giảm lượng máu tới chân, tay.
+ Ngoài ra, thuốc cũng che dấu các dấu hiệu của tụt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường phải điều trị bằng insulin.

– Thuốc chẹn kênh canxi:
+ Điển hình là amlodipine, nifedipine, nicardipine, felodipine, diltiazem, verapamil có thể gây đau đầu, mặt đỏ bừng, buồn nôn, phù chân, rối
loạn nhịp tim, táo bón.

– Thuốc lợi tiểu:
+ Thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide, indapamide, chlorthalidone có tác dụng làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể (do tăng cường đào thải nước và muối qua nước tiểu) từ đó làm giảm huyết áp. Chính vì vậy thuốc có thể làm tăng số lần đi tiểu tiện.
+ Do làm giảm kali, natri máu và giảm lượng nước trong cơ thể, người bệnh có thể có triệu chứng mệt mỏi, đau yếu cơ, chuột rút, rối loạn nhịp tim khi sử dụng thuốc.
+ Các tác dụng phụ khác gồm rối loạn cương dương, gây cơn gút cấp. Tuy nhiên, nhìn chung ở mức liều thấp dùng để điều trị tăng huyết áp, các tác dụng phụ thường ít khi xảy ra.

3. Xử trí cơn tăng huyết áp tại nhà
3.1. Các dấu hiệu cần chú ý
– Khi huyết áp tâm thu ≥ 140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hoặc có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, phừng mặt… cần báo cho bác sỹ điều trị để được tư vấn xử trí.

3.2. Xử trí cơn tăng huyết áp tại nhà
– Cơn tăng huyết áp thường khởi phát một cách đột ngột, không báo trước nhưng sẽ để lại hậu quả nặng nề. Khi có những dấu hiệu: hoa mắt, chóng mặt, mặt nóng đỏ, buồn nôn,…. Lúc này người bệnh nên được đo huyết áp ngay lập tức và xử trí theo hướng dẫn:

3.2.1. Trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp
– Huyết áp đạt ≥180/110 mmHg nhưng chưa có các triệu chứng.
– Tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp có thể là hiện tượng huyết áp tăng đột biến tạm thời. Lúc này, hãy cho người bệnh nghỉ ngơi, đợi năm phút, sau đó đo lại huyết áp.
– Nếu huyết áp vẫn ở mức ≥180/110 mmHg hãy đưa người bệnh đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

3.2.2. Tăng huyết áp cấp cứu
– Huyết áp ≥180/110 mmHg kèm với triệu chứng: đau ngực đau đầu dữ dội, mờ mắt, đau tim,…
– Ngay lập tức tới cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

3.2.3. Những việc không nên làm
– Không dắt hoặc để người bệnh đi lại vì dễ ngất xỉu.
– Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
– Không được tự mua thuốc điều trị khi không có sự chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc.
– Không nên xoa nắn bóp ngực, chân tay.

4. Lưu ý dành cho bệnh tăng huyết áp
✔ Chỉ sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp khi được kê đơn bởi bác sỹ. Để lựa chọn được loại thuốc huyết áp nào ít tác dụng phụ và hiệu quả nhất cho bệnh nhân, bác sĩ phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau như tuổi, giới tính, chủng tộc, mức độ tăng huyết áp, các bệnh mắc kèm. Do vậy một thuốc có thể phù hợp và có lợi với bệnh nhân này nhưng không chắc cũng sẽ tốt cho bệnh nhân khác.
✔ Sử dụng đúng liều lượng đã được kê. Trong trường hợp quên thuốc, uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời gian uống liều tiếp theo, bỏ qua liều bị quên và uống liều kế tiếp như bình thường, không uống gấp đôi để bù lại liều thuốc đã quên.
✔ Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ. Điều trị tăng huyết áp là điều trị “cả đời”, trong suốt quá trình này, nhu cầu về loại thuốc và liều dùng có thể khác nhau tùy từng giai đoạn. Tái khám định kỳ giúp điều chỉnh thuốc phù hợp với diễn biến bệnh cũng như phát hiện sớm các biến chứng của tăng huyết áp và tác dụng phụ của thuốc.
✔ Thông báo kịp thời cho nhân viên y tế khi gặp các tác dụng bất thường trong quá trình dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Tài liệu tham khảo:
1. Hội tim mạch học Việt Nam “Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp”, 2018.
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị THA của Bộ Y Tế Việt Nam 2009, 2018.
3. Chăm sóc bệnh nhân Tăng huyết áp của Bộ Y Tế Việt Nam 2008.