Dưới đây là 10 sai sót thường gặp trong quá trình điều trị mà bệnh nhân đái tháo đường nên tránh để nâng cao chất lượng và hiệu quả hơn.
1. Không nắm được mục tiêu điều trị
Một số bệnh nhân rất lo lắng khi đường máu (trước ăn) lên đến 7mmol / l (126 mg / dl), một số khác lại cho rằng đường máu ở mức 4 mmol / l là rất tốt. Theo Hội Đái tháo đường Mỹ, tiêu chuẩn của các bệnh nhân tiểu đường trước khi ăn là 4,4 – 7,2 mmol / l (80 – 130 mmg / dl), sau ăn 2h là <10mmol / l (180 mg / dl) và HbA1c <7%.
Vì vậy, đường máu 7.2 mmol / l (130mmg / dl) là đạt mục tiêu, ngược lại đường máu 4.0 mmol / l (72mg / dl) không được khuyến cáo vì nó không an toàn do có thể sắp hạ đường máu.
2. Quan điểm chỉ có nhịn ăn mới làm thử nghiệm kiểm tra được
Vào ngày đi khám bệnh, bệnh nhân vẫn uống thuốc có khả năng gây hạ đường máu hoặc tiêm insulin vào buổi sáng nhưng lại nhịn ăn để đến bệnh viện làm xét nghiệm. Vì thế nếu có yếu tố thời gian tác động, thì họ sẽ có nguy cơ cao bị hạ đường máu nặng. Lưu ý là trong đơn thuốc bác sĩ đều ghi rõ là tiêm / uống trước khi ăn 10 hoặc 30 phút, nên chỉ tiêm hoặc uống khi có thức ăn và được phép ăn.
3. Chỉ kiểm tra đường đói
Ứng dụng trên 90% số bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú không hề kiểm tra đường máu sau khi ăn. Rất nhiều người than phiền tại sao đường máu của họ tương đối tốt nhưng vẫn bị nhiều biến chứng. Lý do là vì họ quên kiểm tra đường máu sau ăn mà theo các nghiên cứu, tăng đường máu sau khi ăn có nguy cơ gây biến chứng tim mạch nhiều hơn tăng đường máu lúc đói.
4. Không thử đường máu lúc bị đói
Theo phản xạ thì các bệnh nhân đái tháo đường khi có cảm giác đói sẽ nghĩ ngay đó là do hạ đường máu và ăn ngay. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp đó là hiện tượng “ đói giả tạo”, hay xảy ra ở những người có đường máu cao trong thời gian dài, và khi được điều trị đưa đường máu xuống gần mức bình thường thì họ có cảm giác như bị hạ đường máu thực sự nhưng thường ở mức nhẹ ( đói, cồn cào ). Để phát hiện chính xác trường hợp này thì người bệnh nên đo đường máu trước khi quyết định có cần ăn thêm hay không.
5. Chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà không dùng các loại thuốc khác
Ví dụ nhưng các thuốc huyết áp, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, aspirin,.. vì cho rằng các thuốc này ít quan trọng hơn. Theo các nghiên cứu, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu,… và có tới 70-80% các bệnh nhân bị tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não ) vì vậy nếu chỉ kiểm soát tốt đường máu mà không kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch khác là vô nghĩa.
6. Không mang sổ y bạ hay đơn thuốc đi khám
Bản chất của việc điều trị đái tháo đường là quá trình điều chỉnh liều, nên các bác sỹ khi kê đơn phải dựa trên cơ sở liều lượng các thuốc người bệnh đang dùng trước đó. Đặc biệt là khi người bệnh khám và điều trị tại các cơ sở y tế khác nhau.
7. Hết thuốc nhưng không mua dùng tiếp vì sắp đến ngày khám lại
Nhiều người bệnh quan niệm là hết thuốc vài ba ngày chắc cũng không sao nhưng chỉ cẩn bỏ một liều thuốc đã có thể gây tăng đường máu, hoặc các tình trạng cấp cứu. Đặc biệt nếu không dùng thuốc thường xuyên thì đường máu dao động nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị các biến chứng mạn tính của đái tháo đường. Vì vậy nếu chưa đi khám được thì người bệnh nên mua tiếp và dùng thuốc theo đơn cũ.
8. Dùng mãi một đơn thuốc
Thực tế có rất nhiều bệnh nhân lười đi khám, dùng mãi một đơn thuốc và cho rằng đơn thuốc đó là rất tốt và phù hợp. Thực tế đái tháo đường là bệnh mạn tính và tiến triển liên tục, khả năng tiết insuline nội sinh sẽ giảm dần và đường máu có xu hướng sẽ tăng dần. Một đơn thuốc có thế rất tốt tại thời điểm hiện tại nhưng sẽ không còn phù hợp sau 3 hay 6 tháng sau, vì vậy người bệnh cần đi khám để được điều chỉnh liều trước khi quá muộn.
9. Khi bị ốm thì bỏ luôn các thuốc đái tháo đường
Người bệnh thường nghĩ khi bị ốm, ăn kém thì đường máu sẽ hạ nên cần giảm hoặc ngưng thuốc đái tháo đường hoặc tiêm insuline. Tuy nhiên thực tế thì khi bị ốm thì các tuyến nội tiết đều tăng hoạt động, sản xuất ra nhiều hormone hơn, và tất cả các hormone này đều làm tăng đường máu. Vì vậy khi bị ốm, người bệnh nên báo với bác sỹ điều trị để được phối hợp thuốc một cách an toàn và hiệu quả.
10. Tự chữa các vết loét bàn chân ở nhà
Người bệnh và người nhà thường cho rằng vết thương nhỏ không có gì đáng ngại, nó sẽ tự hồi phục nhanh. Nhưng ở bệnh nhân đái tháo đường, có vết loét ở bàn chân, dù rất nhỏ, nghĩa là họ đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu,… và nếu không được điều trị đồng thời tất cả những biến chứng này thì vết loét sẽ không liền được, nó sẽ lan rất nhanh và làm tăng nguy cơ cắt cụt chân, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy trong trường hợp này bệnh nhân không nên chủ quan.
Hướng tới mục tiêu tầm soát và quản lý toàn diện người bệnh, Trung tâm Nội tiết- Đái tháo đường Family đã xây dựng các gói khám tầm soát cao cấp, chuyên sâu và uy tín cho người bệnh.
Khách hàng có thể đến trực tiếp tầng 4, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng để tầm soát hoặc liên hệ hotline 0944225115 để được hỗ trợ.