Sự gia tăng tỷ lệ bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên toàn cầu mang đến sự gia tăng các biến chứng của bệnh. Việc không tuân thủ điều trị và điều trị không hiệu quả đồng nghĩa với các biến chứng trên bệnh nhân ĐTĐ sẽ để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Bệnh ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng và để lại di chứng ở nhiều cơ quan: tim, não, thận, mắt. Trong đó, bệnh lý bàn chân đái tháo đường là biến chứng thường gặp và ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến gánh nặng kinh tế và sức khỏe cộng đồng, gánh nặng cho gia đình, xã hội cũng như ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh.
Tỉ lệ xuất hiện loét chân trong suốt cuộc đời của bệnh nhân ĐTĐ lên đến 25%, nghĩa là nếu có 4 bệnh nhân ĐTĐ, sẽ có 1 bệnh nhân bị loét bàn chân. Nguy cơ bị đoạn chi (cắt cụt chi) ở bệnh nhân ĐTĐ tăng gấp 15 đến 40 lần so với người không mắc ĐTĐ. Những tổn thương dù rất nhỏ cũng có thể tiền triển nặng nề vì môi trường đường máu cao là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và chậm lành vết thương. Chính vì thế, dự phòng ngay từ đầu luôn là vấn đề ưu tiên và ngày càng được quan tâm và triển khai trong công tác quản lý tại nhà cho bệnh nhân ĐTĐ.
1. Định nghĩa
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) , bàn chân đái tháo đường được định nghĩa là bàn chân của người bệnh đái tháo đường với loét, nhiễm trùng, và/hoặc phá hủy mô sâu, kết hợp với bất thường thần kinh và các mức độ khác nhau của bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.
2. Cơ chế bệnh sinh
Bàn chân đái tháo đường là hậu quả của một quá trình tăng glucose máu mạn tính kéo dài. Tăng glucose máu kéo dài sẽ gây nên các biến chứng thần kinh và mạch máu. Đây chính là tiền đề cho việc xuất hiện biến chứng bàn chân đái tháo đường nhất là khi có yếu tố nhiễm trùng kèm theo.
2.1. Bệnh lý thần kinh do ĐTĐ
Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường thường biểu hiện dưới dạng các tổn thương về cảm giác, vận động và tự chủ.
Bệnh lý thần kinh đái tháo đường có thể dẫn đến phân bố áp lực bất thường ở lòng bàn chân dẫn đến các biến dạng bàn chân Charcot. Đồng thời với biến dạng bàn chân, các vết chai cũng xuất hiện dưới áp lực tỳ đè kéo dài gây ra tình trạng viêm nhiễm, chấn thương mô mạn tính, hình thành các vết nứt nhỏ trên nên mô chai. Các áp xe bên dưới các mô chai rất dễ xuất hiện và gây nên các vết loét bàn chân đái tháo đường.
Cảm giác bảo vệ bàn chân (cảm giác đau) cũng suy giảm do biến chứng thần kinh cảm giác và do đó bệnh nhân đái tháo đường càng ít quan tâm đến việc chăm sóc bàn chân. Biến chứng thần kinh đái tháo đường còn ảnh hưởng đến sự lành vết thương dễ tạo thành các vết loét lỗ đáo.
2.2. Biến chứng mạch máu
Biến chứng mạch máu ngoại biên làm giảm tưới máu mô đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bàn chân đái tháo đường. Bệnh lý mạch máu ngoại biên có thể biều hiện ở nhiều mức độ lâm sàng khác nhau; từ không có triệu chứng lâm sàng, đi cách hồi cho đến viêm tắc động mạch chi dưới hay hoại tử khô.
2.3. Yếu tố nhiễm trùng
Đái tháo đường là cơ địa dễ bị nhiễm trùng. Glucose máu tăng cao mạn tính là giảm tính hóa ứng động của bạch cầu, làm suy giảm khả năng tự miễn nội tại của bệnh nhân. Dưới tác động của môi trường glucose tăng cao, các vi khuẩn gây bệnh dễ dàng tạo lớp vỏ bọc biofilm bảo vệ nhờ các chất polysaccharides và lipid thặng dư. Màng bảo vệ này giúp vi khuẩn đề kháng với kháng sinh và chống chọi lại các đại thực bào một cách rất hiệu quả.
2.4. Các yếu tố khác
Ngoài ba yếu tố chính vừa kể trên, nhiều yếu tố khác cũng góp phần trong cơ chế bệnh sinh hình thành biến chứng bàn chân đái tháo đường. Hiện tượng glycat hóa các gân gấp bàn chân và tổn thương thần kinh làm co rút các cơ gian cốt gây biến dạng bàn chân hình búa. Các điểm biến dạng sẽ là các vị trí thuận lợi cho sự hình thành các vết chai và từ đó gây nên các vết loét chân lâu lành.
Các bóng nước hình thành do cọ xát giữa giày, dép hay vớ (tất) cũng có thể vỡ ra và tạo thành các vết loét chân trên bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài dạng bóng nước do cọ xát cơ học, còn một dạng bóng nước tự phát có thể xuất hiện trên bệnh nhân đái tháo đường lâu năm với nhiều biến chứng mạn tính khác như mắt, thận, thần kinh. Dạng bóng nước này (bullosis diabeticorum) cũng có thể vỡ và bội nhiễm nếu không được săn sóc cẩn thận.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao bệnh lý động mạch ngoại biên. Ngay cả khi không mắc bệnh đái tháo đường, người hút thuốc lá cũng tăng nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn như mạch máu não, mạch vành và mạch máu ngoại biên chi dưới. Tương tự, rối loạn chuyển hóa lipid với tăng LDL-cholesterol cũng được đánh giá là yếu tố nguy cơ cao của bệnh lý động mạch ngoại biên và còn được xếp trên cả tình trạng tăng glucose huyết mạn tính.
3. Biểu hiện
Một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân:
– Đau cách hồi ở bắp chân hoặc bàn chân. Đau khi nghỉ, đặc biệt về đêm.
– Cảm giác: Nóng rát, châm chích, đau, dị cảm, lạnh chân.
– Thay đổi hình dáng bàn chân cấp tính hoặc mạn tính, kèm phù và không có tiền sử chấn thương.
– Vết thương rất đau hoặc không đau.
– Vết thương không lành hoặc lành chậm, hoại tử.
– Thay đổi màu sắc da (xanh tím, đỏ).
– Chân bong vảy, ngứa hoặc khô.
– Nhiễm trùng nhiều lần.
4. Chăm sóc và dự phòng
Việc quản lý bàn chân cho bệnh nhân ĐTĐ đòi hỏi sự hỗ trợ liên ngành từ bác sỹ chuyên khoa bàn chân, bác sỹ nội tiết, dịch vụ chăm sóc ban đầu, bác sỹ tư vấn dinh dưỡng & vận động, điều dưỡng chăm sóc. Giáo dục bệnh nhân là điều cần thiết để ngăn ngừa loét bàn chân do đái tháo đường và sự chậm trễ trong chăm sóc có thể góp phần gây ra các biến chứng như viêm tủy xương và cắt cụt chi.
Chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: Chăm sóc bàn chân tại nhà và chăm sóc loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường.
4.1. Chăm sóc bàn chân tại nhà
4.1.1. Vệ sinh bàn chân
a. Kiểm tra bàn chân
– Cần kiểm tra kĩ lưỡng bàn chân hằng ngày để phát hiện những đấu hiệu bất thường. Nên chọn một thời điểm cố định trong ngày để dễ nhớ và chọn nơi có ánh sáng tốt.
– Tiến hành kiểm tra bàn chân theo các bước sau:
• Quan sát bằng mắt:
Quan sát lần lượt tất cả các vùng của bàn chân: cổ chân, mu bàn chân, lòng bàn chân, mắt cá, các kẽ ngón chân kết hợp với việc quan sát sự phát triển của móng chân. Sử dụng một chiếc gương soi để soi vùng lòng bàn chân và các kẽ móng chân.
Tìm tất cả các bất thường của bàn chân như: vết trầy xước, vết chai chân, bỏng nước, vết sưng đỏ, móng chân có bị cụp vào phía trong không?
Quan sát màu sắc của bàn chân xem có vùng nào sưng đỏ hay bầm tím không?
• Sờ:
Dùng tay sờ lần lượt tất cả các vùng của bàn chân: cổ chân, mu bàn chân, lòng bàn chân, kẽ ngón chân xem có cảm nhận được cảm giác không đồng thời sờ để kiểm tra nhiệt độ của bàn chân xem có vùng nào nóng hơn hay lạnh hơn không.
b. Cắt móng chân
– Mỗi bệnh nhân ĐTĐ nên trang bị cho mình một dụng cụ cắt móng chân riêng và dùng cồn sát khuẩn trước và sau khi cắt móng chân.
– Không để móng chân quá dài, cắt móng chân trung bình khoảng 1-2 lần/tuần. Nên cắt móng thẳng ngang, tránh cắt quá sát phần da và không cắt vào khóe móng.
– Tuyệt đối không tự ý cắt bỏ bất cứ vết chai chân hay vết bỏng nước trên bàn chân dù là nhỏ nhất mà cần được bác sỹ tư vấn trực tiếp.
c. Rửa chân
– Bệnh nhân ĐTĐ nên tiến hành việc rửa bàn chân hằng ngày, thường xuyên và rửa bằng nước ấm.
– Nhiệt độ của nước tốt nhất nên là 37 độ C. Luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tiền hành việc rửa chân, có thể kiểm tra bằng mu bàn tay hoặc sử dụng nhiệt kế.
– Sử dụng các loại xà phòng nhẹ có tính chất trung tính để vệ sinh, tránh sử dụng các loại sữa tắm có nhiều tác nhân hóa học và chất gây lột da. Vệ sinh tất cả các vị trí của bàn chân đặc biệt là kẽ chân nhưng không cọ sát quá mạnh.
– Dùng khăn lông mềm lau khô đặc biệt là vùng kẽ ngón chân sau khi tắm rửa đồng thời kết hợp massage bàn chân để tăng lưu thông máu.
– Đối với những vùng da bị khô thì có thể dùng kem dưỡng ẩm nhưng hạn chế ở vùng kẽ ngón chân.
*Lưu ý: Quá trình vệ sinh bàn chân đối với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc thị lực kém thì nên có sự hỗ trợ từ người thân.
4.1.2. Lựa chọn giày
Một số nguyên tắc khi chọn giày cho bệnh nhân ĐTĐ:
– Chọn giày ở tư thế đứng và vào buổi chiều
– Giày không quá chất và không quá rộng
– Bề ngang nên bằng chiều rộng bàn chân ở khớp bàn ngón
– Miếng lót đế giày mềm, hấp thu chấn động
– Không mang dép xỏ ngón.
Bệnh nhân ĐTĐ có thể tự đóng giày riêng cho bản thân áp dụng các quy tắc sau:
• Chiều dài bên trong của giày dép phải dài hơn chiều dài bàn chân 1–2 cm được đo từ gót chân đến ngón chân dài nhất khi một người đứng.
• Độ sâu phải giúp các ngón chân có thể di chuyển tự do mà không gây ra áp lực lên các ngón chân.
• Chiều cao giày có thể thấp, cao đến mắt cá chân hoặc cao hơn mắt cá chân. Giày cao mang lại sự chắc chắn, ổn định hơn và giảm chuyển động của khớp. Trục của giày dép cao cũng góp phần giảm áp lực bàn chân trước.
• Cao su, nhựa và da đều có thể được sử dụng để làm mặt ngoài giày dép, nhưng mặt ngoài bằng cao su được cho là ưu việt hơn cả. Đế ngoài có thể dẻo dai, cứng cáp. Giày không được mềm hơn bàn chân, nếu không ma sát giữa chân và giày sẽ phát triển trong quá trình đi lại.
• Sự chênh lệch giữa gót giày và mũi giày nên chệnh lệnh từ 1.5-2 cm và không được quá 3cm.
• Giày nên có dây buộc để hỗ trợ trong quá trình di chuyển.
* Lựa chọn tất đi kèm với giày
– Tất làm bằng chất liệu mềm, thoáng (coton, bông sợi)
– Tất không quá gối
– Nên mang đường may ra ngoài. Tốt nhất là chọn tất không có đường may.
* Lưu ý:
– Không đi chân trần.
– Bệnh nhân ĐTĐ bất cứ khi nào mang giày dép đều phải kiểm tra bên trong giày dép.
4.1.3. Chế độ ăn uống và luyện tập
– Để kiểm soát tốt đường máu và tổn thương thần kinh cần tăng cường vitamin nhóm B, đặc biệt là B1, B6, B12 và vitamin E, A, omega 3 có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường acid folic, giảm chất béo động vât… Một số thực phẩm giàu nhóm B có nhiều trong thịt gà, trứng, súp lơ, nấm, dâu, đậu bắp….
– Không nên ngồi bắt chân chéo trong thời gian lâu. Tập vận động bàn chân để lưu thông máu ở bàn chân như: đi bộ, đạp xe… Kê cao chân khoảng 10 – 25 cm so với mặt giường, làm như thế sẽ giảm ứ máu tĩnh mạch khi ngủ.
– Tập thể dục là tốt cho lưu thông kém. Nó kích thích lưu lượng máu ở chân và bàn chân. Đi bộ trong giày chắc chắn, phù hợp, thoải mái, nhưng không đi bộ khi bạn có vết loét mở.
– Không hút thuốc lá.
4.1.4. Đề phòng té ngã
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, mắt kém và có vấn đề về cơ xương khớp nên có người bên cạnh chăm sóc, theo dõi hoặc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ như: nạng, gậy trong quá trình đi lại để hạn chế tối đa nguy cơ té ngã.
4.1.5. Điều trị và kiểm soát tốt đường máu
– Kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng chế độ ăn.
– Luôn vận động, tập thể dục, đi bộ mỗi ngày.
– Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu, uống thuốc và tái khám định kỳ.
– Bỏ thuốc lá.
– Kiểm tra và chăm sóc bàn chân đúng cách mỗi ngày. Bảo vệ chân bằng vớ, giày, dép phù hợp.
4.2. Chăm sóc vết loét bàn chân đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh đồng thời có thể gây tàn phế suốt đời. Người bệnh phải thật sự quan tâm và biết cách tự chăm sóc để chủ động ngăn ngừa biến chứng.