1. Bệnh tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu trong lòng động mạch khi tim bơm máu cung cấp cho các mô trong cơ thể. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Bệnh tăng huyết áp tiến triển âm thầm trong nhiều năm, người bệnh sẽ không phát hiện ra triệu chứng của bệnh. Thậm chí dù không có biểu hiện nào, nhưng tăng huyết áp vẫn liên tục gây tổn thương mạch máu, cơ quan, nhất là não, tim, võng mạc mắt và thận.
Khi tăng huyết áp diễn tiến nặng, chúng ta có xu hướng quan tâm đến các tai biến ở mạch máu não, biến cố tim mạch nhiều hơn mà quên mất tổn thương các vùng mạch máu nhỏ hơn như vùng mạch máu ở mắt. Tổn thương vùng mạch máu ở mắt gây ra biến chứng võng mạc, một biến chứng phổ biến của bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến mù lòa.
2. Tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt như thế nào?
Khi huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu toàn thân và đặc biệt là những mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc mắt, khiến chúng bị giãn, nứt vỡ, xuất hiện cục máu đông gây ra các biến chứng:
Tắc động mạch trung tâm võng mạc: người bệnh thường có biểu hiện mắt bị mờ đột ngột, thậm chí mù một mắt hoàn toàn nhưng không thấy đau hay đỏ mắt. Thời gian vàng để cấp cứu khôi phục thị lực là trong vòng 2 giờ đầu, mức độ cải thiện sẽ giảm dần trong vòng 6 giờ đồng hồ sau đó.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: biến chứng gây phù nề võng mạc khiến thị lực giảm dần trong vài ngày, nhìn như có lớp sương mù trước mắt hoặc có những điểm tối vùng trung tâm. Tùy mức độ bệnh mà thị lực sẽ giảm ít hay nhiều, do vậy ngay khi phát hiện có dấu hiệu nhìn mờ, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín.
Xuất huyết dịch kính: biến chứng máu tràn vào dịch kính khi mạch máu nứt vỡ làm chắn đường truyền của tia sáng, khiến người bệnh nhìn thấy lớp khói đỏ, màng che màu đỏ di động. Tình trạng này có thể hết sau một vài ngày, tuy nhiên cũng có thể phát triển nặng hơn gây đục dịch kính khó điều trị.
Hiện tượng ruồi bay: gặp phải biến chứng này, người bệnh sẽ cảm giác có rất nhiều đốm đen bay trước mắt. Nguyên nhân là do khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc, trên võng mạc có thể xuất hiện những mạch máu mới. Những mạch máu mới này rất dễ vỡ và khi vỡ chúng gây chảy máu ở bên trong mắt tạo nên hiện tượng ruồi bay.
Tổn thương dây thần kinh thị giác: một lượng máu, dịch thoát ra từ lòng mạch sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác khiến người bệnh mất thị lực nhanh chóng và không thể hồi phục.
3. Dấu hiệu của bệnh Võng mạc do Tăng huyết áp
Đa số các trường hợp tổn thương võng mạc do tăng huyết áp diễn tiến nhanh, bạn sẽ không có bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi đột ngột giảm thị giác hoặc có xuất huyết ở võng mạc, đồng nghĩa với việc bạn đã bước sang giai đoạn 3 và 4 của biến chứng.
Vì vậy khi bạn đã được chẩn đoán tăng huyết áp (cao huyết áp), thông thường các bác sĩ sẽ thăm khám, theo dõi các tổn thương mắt định kỳ cho bạn. Các xét nghiệm thường được chỉ định để kiểm tra tổn thương mắt bao gồm:
• Chụp ảnh màu đáy mắt/ soi đáy mắt đánh giá tổn thương: đây là phương pháp đơn giản và giá thành rẻ, được chỉ định ở hầu hết các trường hợp.
• Chụp mạch huỳnh quang: được sử dụng để đánh giá vùng thiếu máu, rò mạch… Bệnh nhân sẽ được sử dụng một chất phát quang để đánh giá, thông thường thuốc sẽ được tiêm tại mạch máu. Tuy nhiên chỉ định này có chi phí cao và điều kiện thực hiện khá khó khăn.
• Chụp cắt lớp quang học võng mạc: để chẩn đoán và đánh giá tổn hại hoàng điểm, bong võng mạc xuất tiết. Đây là phương pháp tiên tiến thường được chỉ định khi có các tai nạn va chạm tổn thương ở vùng mắt nhiều hơn là chỉ kiểm tra tổn thương mắt định kỳ.
4. Giải pháp giảm tổn thương mắt khi tăng huyết áp
Việc kiểm soát bệnh võng mạc do tăng huyết áp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bạn nên thực hiện kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn của Bác sỹ điều trị kết hợp với theo dõi và tái khám thường xuyên để phát hiện sớm, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, thực hiện một lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp ổn định huyết áp và giảm tổn thương mắt, như các hướng dẫn sau:
– Ăn nhạt, tránh các thực phẩm chế biến sẵn, đông lạnh.
– Hạn chế hoặc kiêng rượu bia.
– Không hút thuốc lá.
– Ăn nhiều rau quả và trái cây tươi chưa nhiều vitamin, chất xơ như: cam, chanh, quýt, bưởi, rau cải, rau ngót…
– Sử dụng sản phẩm bổ mắt có chứa Alpha lipoic acid, Quercetin, Lutein, Zeaxanthin để bảo vệ võng mạc tránh tổn thương.
– Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
– Ngủ sớm, tránh thức khuya.
– Đeo kính bảo vệ mắt.
– Hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại, ti vi…
Những tổn thương trên mắt do tăng huyết áp tiến triển qua nhiều giai đoạn, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh võng mạc do biến chứng tăng huyết áp có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục. Chỉ có kiểm soát tốt huyết áp mới phòng ngừa được các tổn thương mạch máu của mắt, cũng như các cơ quan khác như tim, thận và não. Đồng thời, người bệnh tăng huyết áp nên kiểm tra mắt thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi được mức độ nặng của huyết áp để có biện pháp phòng ngừa, điều trị tích cực.
Thông tin chuyên môn của bài viết được cung cấp bởi:
ThS.BS Nguyễn Thị Xuân
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family
Tài liệu tham khảo:
- VNHA, Định nghĩa và phân độ tăng huyết áp
http://vnha.org.vn/detail.asp?id=250 - Nguyễn Hữu Ngọc (2021), Biến chứng võng mạc do Tăng huyết áp có thể gây mù lòa
https://ngaydautien.vn/tang-huyet-ap/6888-bien-chung-vong-mac-do-tang-huyet-ap-co-the-gay-mu-loa - Đỗ Minh Lâm, Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng tới mắt như thế nào?
https://www.matsaigon.com/benh-tang-huyet-ap-anh-huong-den-mat-nhu-the-nao/