Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể như về thần kinh, tim mạch, mạch máu, thận, mắt…Nhưng chúng ta thường chú ý đến các biến chứng dễ nhận thấy như tim mạch, mạch máu, thận… mà không chú ý đến các biến chứng âm thầm nhưng rất nguy hiểm đó là biến chứng về mắt, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời có thể mất thị lực hoàn toàn.

Vậy làm thế nào để  giảm thiểu tối đa các biến chứng về mắt cũng như nâng cao nhận thức của người bệnh về biến chứng này rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường hiện nay.

1. Võng mạc là gì?

Võng mạc là các lớp sợi thần kinh của mắt, có vai trò tiếp nhận ánh sáng, hình ảnh mắt thu nhận được đến não, và ngược lại truyền hình ảnh mà não phân tích được đến mắt, trong đó hoàng điểm là quan trọng nhất cho hình ảnh tinh tế nhất.

Hình 1. Hình ảnh võng mạc mắt bình thường

2. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường là gì?

Võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là bệnh lý tại võng mạc gây ra do bệnh lý đái tháo đường. Bệnh VMĐTĐ xảy ra hầu hết ở các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm. Theo thống kê, nhìn chung sau 15 năm bị đái tháo đường, 2% bệnh nhân sẽ mù, 10% bệnh nhân thị lực kém.

Tần suất bệnh VMĐTĐ trong IDD (40%) cao hơn trong NIDD (20%). Bệnh VMĐTĐ là nguyên nhân gây mù thường gặp nhất từ 20-65 tuổi.

3. Cơ chế bệnh sinh

Bệnh sinh của bệnh VMĐTĐ là một bệnh lý vi mạch máu ảnh hưởng đến các tiểu động mạch võng mạc trước mao mạch, mao mạch, và các tiểu tĩnh mạch. Có cả 2 nguyên nhân là sự tắc nghẽn vi mạch máu và xuất huyết.

Tổn thương thành mạch võng mạc biểu hiện bằng mất tế bào nội mạch, màng đáy dày lên, các vi phình mạch, thành mạch bị xơ hóa, rối loạn chức năng, tắc mạch gây giảm khả năng tưới máu, thiếu oxy tổ chức, thành mạch có thể vỡ gây xuất huyết, tính thấm thành mạch tăng gây xuất tiết.

Những tắc mạch gây thiếu máu, kích thích tăng sinh các mạch máu mới còn gọi là tân mạch. Các mạch máu mới này rất yếu, dễ dàng vỡ bất cứ lúc nào, gây xuất huyết võng mạc giảm thị lực.

Hình 2: Hình ảnh cơ chế bệnh sinh của bệnh võng mạc đái tháo đường

4. Phân loại bệnh võng mạc đái tháo đường

Phân loại VMĐTĐ thực sự phức tạp và đa dạng, có nhiều phân loại. Phân loại theo ETDRS (Early Treatment Diabetic Retinopathy Study) chia bệnh VMĐTĐ thành các giai đoạn:

  • Bệnh VMĐTĐ giai đoạn nền (Background diabetic retinopathy (BDR)
  • Hoàng điểm ĐTĐ (Diabetic maculopathy)
  • Bệnh VMĐTĐ tiền tăng sinh (Preproliferative diabetic retinopathy (PPDR)
  • Bệnh VMĐTĐ tăng sinh (Proliferative diabetic retinopathy(PRP)
  • Bệnh VMĐTĐ tiến triển nặng (Advanced diabetic)

Bệnh lý VMĐTĐ giai đoạn nền (BDR): vi phình mạch có thể quan sát trên lâm sàng đầu tiên, xuất huyết trong võng mạc, xuất tiết cứng, phù võng mạc. BDR không cần điều trị laser, tái khám hằng năm và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, thiếu máu, suy thận.

Hình 3:(Võng mạc bình thường) (Bệnh VMĐTĐ – giai đoạn nền)

Bệnh lý hoàng điểm (HĐ) ĐTĐ: phù, xuất tiết cứng hố trung tâm, nguyên nhân thường gặp nhất của giảm thị lực ở bệnh nhân tiểu đường

 + Bệnh lý HĐ khu trú: vùng rò rỉ giới hạn rõ kèm xuất tiết cứng

 + Bệnh lý HĐ lan tỏa: phù HĐ dạng nang

 + Bệnh lý HĐ thiếu máu cục bộ giảm thị lực kèm biểu hiện tương đối bình thường của HĐ mặc dù có xuất huyết, xuất tiết nơi khác. Xác định trên chụp mạch huỳnh quang

 + Bệnh lý HĐ hỗn hợp phù HĐ lan tỏa, thiếu máu cục bộ

Hình 4: Hình ảnh Phù hoàng điểm với các xuất tiết cứng quanh hoàng điểm

Bệnh VMĐTĐ tiền tăng sinh (PPDR): tất cả các sang thương gây thiếu máu cục bộ võng mạc, biến đổi tiểu tĩnh mạch dưới dạng chuỗi hạt, các tiểu động mạch thu hẹp và tắc nghẽn, nốt dạng bông, xuất huyết dạng vết, những bất thường vi mạch.

Hình 5: Hình ảnh bệnh VMĐTĐ tiền tăng sinh

Bệnh VMĐTĐ tăng sinh (PDR): tân mạch đĩa thị (NVD), tân mạch nơi khác (NVE), đánh giá tân mạch dựa trên độ trầm trọng (so sánh với đường kính gai thị, đáp ứng điều trị), vị trí (NVE ít xuất huyết hơn NVD), xơ hóa nguy cơ bong võng mạc do co rút.

5. Yếu tố nguy cơ

  • Thời gian bị bệnh ĐTĐ, bệnh càng lâu càng có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường
  • Glucose máu không ổn định đặc biệt HbA1C, một số nghiên cứu cho thấy tăng HbA1C tăng lên 1% sẽ làm nguy cơ bệnh VMĐTĐ lên 18%.
  • Tăng huyết áp
  • Tăng cholesterol máu
  • Có thai
  • Hút thuốc lá

6. Triệu chứng thường gặp của bệnh VMĐTĐ là gì?

Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể không cảm thấy gì bất thường. Khi bệnh tiến triển hơn có thể gặp:

  • Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
  •  Nhìn mờ
  •  Hình ảnh dao động
  •  Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật
  • Mất cảm nhận màu sắc

Do vậy bệnh nhân bị ĐTĐ nên thường xuyên đi kiểm tra mắt định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ điều trị ngăn ngừa sự giảm thị lực.

7. Khi nào bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mù hoặc giảm thị lực?

  • Phù hoàng điểm.
  • Xuất huyết trong thể kính: nếu xuất huyết ít, bệnh nhân có thể thấy đốm đen trước mắt, nếu xuất huyết nhiều có thể gây mù cấp tính. Tuy nhiên, máu có thể sẽ tan sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân có thể nhìn lại được
  •  Bong võng mạc, bong hoàn toàn sẽ gây mù vĩnh viễn
  • Tăng nhãn áp: có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời.

8. Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường như thế nào?

Cần tái khám định kỳ phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.

Tùy theo giai đoạn bệnh VMĐTĐ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như: theo dõi, laser quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh mạch máu (anti-VEGF) hoặc Corticoid chống phù hoàng điểm, phẫu thuật

Điều trị laser quang đông võng mạc

– Tùy theo tổn thương có thể chọn các kỹ thuật laser quang đông như sau: quang đông ổ (focal laser), quang đông lưới (grid laser), quang đông toàn bộ võng mạc (panretinal laser). Độ rộng của quang đông toàn bộ võng mạc tùy thuộc vào độ nặng của bệnh VMĐTĐ tăng sinh.

– Sau laser bệnh nhân có thể có cảm giác chói lóa, thị lực giảm, có dấu hiệu chớp sáng, những triệu chứng này tạm thời và sẽ hết đi.

– Biến chứng: tổn thương hoàng điểm ( phù hoàng điểm, sẹo vùng hố trung tâm..), xuất huyết hắc mạc, ám điểm, xuất huyết dịch kính…

– Bệnh nhân cần phải được tái khám định kỳ, kiểm tra lần đầu 4-8 tuần, sau đó tùy mức độ tổn thương hẹn bệnh nhân khám lại theo dõi sát.

9. Làm gì để ngăn ngừa bệnh VMĐTĐ

Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể kiểm soát được nếu người bệnh tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, theo dõi đường máu và duy lối sống lành mạnh.

9.1. Theo dõi đường máu

Vì đường máu trong người tăng cao làm gây ra các bệnh về mắt nên phải thường xuyên kiểm tra đường máu của mình để có thể kiểm soát đường máu một cách tốt nhất và giảm ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Kiểm soát đường máu bằng hai cách

  • Tái khám định kỳ tại bệnh viện
  • Hoặc thử đường máu tại nhà bằng máy thử đường máu

Theo dõi đường máu tại nhà:

Đường máu đói: 3,9 – 7,2 mmol/l (70 – 130 mg/dL)

Đường máu sau ăn hai giờ: < 10 mmol/L (< 180mg/dL)

9.2. Tái khám định kỳ

Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc ĐTĐ không có triệu chứng do đó các bác sĩ sẽ tầm soát biến chứng này bằng cách:

Đối với những bệnh nhân đã có biến chứng ở mắt cần được tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ.

9.3. Quản lý lối sống

Chế độ ăn: Cần cá nhân hóa theo từng đối tượng tùy thuộc vào (nghề nghiệp, độ tuổi, BMI, bệnh lý đi kèm và thói quen ăn uống…).

+ Ăn một chế độ ăn uống hợp lý để giúp kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol

+ Cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng và áp dụng chế độ ăn với đĩa thức ăn thông minh

+ Ngoài ra nên bổ sung các loại thực phẩm giàu lutein, vitamin C, vitamin E, axit béo omega-3, kẽm, chất chốngoxy hóa như: Cam, cà rốt, ớt chuông dâu tây, sữa chua, sửa tươi không đường, anh đào (cherry)  giúp hạn chế tối đa việc mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thế hay thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra những thực phẩm này còn có lợi cho cơ thể, kích thích tiêu hóa, cải thiện vóc dáng, thúc đẩy tâm trạng…

+ Nội mạc mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường rất nhạy cảm với muối so với người bình thường nên nguy cơ tăng huyết áp tăng cao khi sử dụng nhiều chất muối ngay cả giai đoạn tiền đái tháo đường

Không nên ăn đồ ăn nhanh chứa nhiều muối như mỳ tôm, gà rán, KFC…

Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt muối, cá muối, giò chả, dưa muối…

+ Ăn càng nhiều chất béo làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như làm nặng thêm các tình trạng đề kháng insulin làm tăng đường huyết có thể dẫn đến làm nghiêm trọng biến chứng mắt của bệnh.ngoài vấn đề tập thể dục hằng ngày thì hạn chế sử dụng chất béo bão hòa, nên sử dụng các loại dầu thực vật.

Không nên ăn phủ tạng động vật, bơ và các loại đồ ăn nhanh như xúc xích nướng, khoai tây chiên…..

Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

Chế độ vận động:

+ Tập luyện thể dục tốt cho tất cả mỗi người, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường bị thừa cân. Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần 30 phút/ ngày hoặc 150 phút/ tuần.

+ Hạn chế tập các động tác đối kháng nếu bệnh nhân đã có biến chứng mắt và có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp như: cử tạ, võ, đá bóng, bóng rổ,… Luyện tập nhẹ nhàng bởi các hoạt động thể dục khác nhưđi bộ, các bài tập yoga

+Tránh các bài tập yoga uốn cong quá mức, nên luyện tập các bài tập tăng dẻo dai, sức bền chắc cơ.

+ Tốt nhất là chỉ chọn những môn thể thao không đòi hỏi nhiều thể lực như đi bộ, chạy bộ (chậm), bơi lội, thể dục nhẹ nhàng… Đặc biệt, cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ-xương-khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động.

+ Đối với những bệnh nhân có bệnh lý VMĐTĐ kèm theo bệnh lý tim mạch thì nên chú ý:

  • Đo huyết áp trước khi tập
  • Khởi động kĩ 15 phút trước khi tập
  • Ngưng các hoạt động khi cảm thấy mệt mỏi , khó thở, tức ngực, buồnnôn..
  • Tránh hoạt động thể lực khi thời tiết thay đổi đột ngột
  • Ngưng hoạt động khi huyết áp cao >180/100 mmHg

Bảo vệ đôi mắt

  • Do yêu cầu công việc nên hầu hết chúng ta dành nhiều thời gian trước màn hình máy vi tính hay tivi. Đặc biệt là đối với dân văn phòng, thường xuyên phải ngồi trước màn hình máy tính hàng giờ đồng hồ. Ngồi trước màn hình vi tính quá lâu sẽ khiến đôi mắt khô và đỏ.Kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh về tật khúc xạ.
  • Áp dụng quy tắc 20: Sau Mỗi 20 phút làm việc trên máy tính ta sẽ giành 20 giây nghĩ ngơi bằng cách nhìn vào một vật xa khoảng 20 feet tương đương 6 mét.
  • Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế tiếp xúc với màn hình điện thoại trước khi đi ngủ
  • Nên nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% để giữ ẩm và giữ gìn vệ sinh cho đôi mắt

10. Quy trình khám bệnh võng mạc đái tháo đường

Hiện nay, tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình có gói khám tầm soát mắt:

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường nên được khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh: Quy trình khám bao gồm thử thị lực, tra thuốc giãn đồng tử để soi đáy mắt có hệ thống trên máy sinh hiển vi. Tùy từng giai đoạn của bệnh và tổn thương của võng mạc mà bác sỹ sẽ cho chỉ định điều trị hoặc theo dõi định kỳ.

Quy trình khám bệnh võng mạc đái tháo đường

Bước 1: Đo thị lực

Bước  2:  Khám tổng quát về mắt: đo nhãn áp, khám mi mắt, kết giác mạc, tiền phòng, mống mắt, thủy tinh thể đánh giá chung chức năng của mắt

Bước 3: Tra thuốc giãn đồng tử để khám dịch kính, võng mạc

Bước 4: Chụp hình màu đáy mắt để nhận định các tổn thương giai đoạn sớm

Bước 5: Nếu đã xuất hiện các tổn thương, chụp mạch máu huỳnh quang để phát hiện các tổn thương vi phình mạch, xuất huyết, xuất tiết, thiếu máu, tân mạch rất chính xác. Chụp OCT là một phương pháp cực kỳ hiện đại để đánh giá tình trạng phù hoàng điểm và tổn thương của võng mạc trung tâm. Chụp mạch huỳnh quang và OCT còn để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Tác giả bài viết:

Huỳnh Thị Bích Hoanh – Nguyễn Văn Vy Hậu

Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family Đà Nẵng

SĐT hotline:0944225115

Website/ Fanpage / Youtube

Tài liệu tham khảo:

  1. J. A. van de Kreeke, S. Darma, Jmpl Chan Pin Yin, H. S. Tan, M. D. Abramoff, J. W. R. Twisk, F. D. Verbraak (2020) “The spatial relation of diabetic retinal neurodegeneration with diabetic retinopathy”. PLoS One, 15 (4), e0231552.
  2. D. Garoma, H. Merga, D. Hiko (2020) “Determinants of diabetic retinopathy in Southwest Ethiopia: a facility-based case-control study”. BMC Public Health, 20 (1), 503.
  3. Phác đồ điều trj bệnh viện chợ Rẫy 2013, Nhà xuất bản y học, tr 6.11 – 686.
  4. Basic and clinical science course (2010 – 2011) , American academy of ophthalmology, Section 12, Rentina and vitreous
  5.  Y. H. Li, W. H. Sheu, I. T. Lee (2020) “Influence of Diabetic Retinopathy on the Relationship Between Body Mass Index and Mortality in Patients with Poorly Controlled Type 2 Diabetes”. Diabetes Metab Syndr Obes, 13, 907-914.