Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) 2019 có tới 50 – 80% bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp, đây cũng chính là 2 bệnh nền phổ biến tại Việt Nam. Không những gây ra nhiều biến chứng trên tất cả các cơ quan trong cơ thể, đái tháo đường, tăng huyết áp còn làm tăng tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân mắc COVID – 19. Đại dịch COVID- 19 đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong việc tiếp cận y tế của bệnh nhân. Việc giảm số lần đi khám, khó khăn để mua thuốc cũng như cản trở trong sinh hoạt, ăn uống và tập thể dục là những yếu tố bất lợi, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của người bệnh.
Một nghiên cứu ở Brazil cho thấy, hơn 90% bệnh nhân đái tháo đường vẫn duy trì thuốc tuy nhiên chỉ có 25% duy trì tập thể dục, 60% tự theo dõi đường máu tại nhà.
Nghiên cứu ở miền bắc Ấn Độ ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, 23% bệnh nhân tăng số lần ăn vặt và tăng tiêu thụ chất đường bột, 19% bệnh nhân tăng cân. Khoảng 87% có căng thẳng về tinh thần.
Một khảo sát đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính ở các nước thu nhập thấp và trung bình: 47% giảm tập thể dục; 50% có thay đổi trong việc tiếp cận thực phẩm; khoảng 30% cho biết chất lượng giấc ngủ bị giảm.
Qua đó, cho thấy được vấn đề quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tại nhà trong thời kỳ COVID – 19.
1. Nguyên tắc chăm sóc tại nhà
Trong khi việc tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn, bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường cần phải tự chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc sau:
– Tuân thủ chế độ điều trị:
Tất cả bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp đều được sử dụng nhiều loại thuốc phối hợp và đã được bác sỹ kê với liều lượng thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất và tác dụng phụ ít nhất. Không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều thuốc khi chưa có ý kiến bác sỹ điều trị, vì sẽ làm bệnh phức tạp và diễn tiến xấu hơn như: bị tai biến mạch máu não, hạ đường máu, hôn mê,…; không dùng thêm thực phẩm chức năng; theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
– Theo dõi đường máu và huyết áp thường xuyên theo tư vấn của nhân viên y tế.
– Tuân thủ chế độ dinh dưỡng.
– Tuân thủ chế độ luyện tập.
– Từ bỏ các thói quen xấu: Giảm rượu bia, thuốc lá sẽ giúp kiểm soát huyết áp và đường máu tốt hơn.
– Tuân thủ 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.
– Tiêm phòng vaccine COVID – 19.
– Nên trữ sẵn 2 – 4 tuần thuốc: Bệnh nhân đái tháo đường cần được sử dụng thuốc hằng ngày, thường xuyên và liên tục, trong đó có một số loại thuốc khó mua như insulin cần bảo quản lạnh. Trong tình hình mùa dịch, chúng ta có thể chuyển từ vùng xanh sang vùng đỏ bất chợt, tình trạng lockdown diễn ra khiến vấn đề mua thuốc trở nên khó khăn, vì vậy khuyến cáo nên trữ thuốc từ 2 – 4 tuần thuốc.
2. Cần phải nhận diện các dấu hiệu cảnh báo – xử trí
2.1. Trên bệnh nhân đái tháo đường
2.1.1. Dấu hiệu tăng đường máu
– Trường hợp bệnh nhân có đường máu không ổn định, tăng đường máu sẽ có biểu hiện như: khát nhiều, khô môi, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, đói, ăn nhiều nhưng sụt cân và kèm theo các dấu hiệu khác như mệt mỏi và vết thương lâu lành. Khi có các dấu hiệu này thì cần phải thử đường máu và báo bác sỹ điều trị.
– Trường hợp không có máy thử đường thì cần phải báo cho bác sỹ điều trị để được hướng dẫn.
2.1.2. Dấu hiệu hạ đường máu
– Dấu hiệu cảnh báo:
+ Vã mồ hôi, run, hồi hộp, lo lắng.
+ Đói, buồn nôn, đau đầu, cảm giác châm chích, mệt mỏi, chóng mặt, khó tập trung.
+ Thay đổi thị giác, buồn ngủ, nói khó, lơ mơ, hôn mê.
– Xử trí: Quy tắc 15 – 15. Khi có các dấu hiện trên, hãy uống ngay 2-3 muỗng mật ong (15 ml), 150 ml nước ngọt, hoặc pha 2-3 muỗng đường uống với nước. Chờ 15 phút và kiểm tra lại đường máu.
+ Nếu đường máu <4 mmol/L: Lặp lại các bước trên.
+ Nếu đường máu > 4 mmol/L và sắp tới bữa ăn (trong 1 giờ): Nghỉ ngơi.
+ Nếu đường máu >4 mmol/L và còn xa bữa ăn (>1 giờ): Ăn một bữa nhẹ.
– Trường hợp hạ đường máu mức độ nặng bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ hôn mê. Lúc này, không nên cho bệnh nhân uống nước đường hay bất cứ gì (để tránh sặc vào đường thở) mà nên ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
2.1.3. Các biện pháp phòng tránh
– Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sỹ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức, bỏ ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác,…
– Thường xuyên kiểm tra đường máu, có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
– Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sỹ điều trị để đảm bảo sức khoẻ.
– Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường,… trong túi, để lúc xảy ra hạ đường máu là có thể dùng ngay.
2.2. Trên bệnh nhân tăng huyết áp
– Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sỹ, không tự ý dừng thuốc và phải đi tái khám đúng hẹn.
– Người bệnh nên được đo huyết áp hàng ngày, nhập vào trang tính excell hoặc ghi vào sổ để theo dõi.
– Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi và nặng hơn sẽ có đái máu: Cần đo huyết áp ngay lập tức:
+ Nếu huyết áp ≥140/90 mmHg báo bác sỹ điều trị.
+ Trường hợp ≥180/120 trở lên thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
– Mục tiêu huyết áp thì tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, nhưng trên tổng quan chúng ta thường phân theo độ tuổi cụ thể là:
+ Người < 65 tuổi: Mục tiêu: 130/85 mmHg, lý tưởng 120/85 mmHg.
+ Người ≥ 65 tuổi: Mục tiêu: 150/95 mmHg, lý tưởng: 140/90 mmHg.
+ Lưu ý đối với bệnh nhân ĐTĐ và THA có suy thận: HA ≤ 130/80mmHg.
– Cần nhấn mạnh cho bệnh nhân biết: khi được chẩn đoán tăng huyết áp tức là phải điều trị thường xuyên, liên tục và suốt đời. Trong quá trình điều trị, huyết áp được kiểm soát, nếu ngừng thuốc đột ngột, huyết áp tăng mạnh và nguy cơ xảy ra biến chứng.
* Bệnh nhân cần nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ BEFAST:
+ B (BALANCE): Chóng mặt, mất thăng bằng.
+ E (EYES): Thay đổi thị lực.
+ F (FACE): Méo, sụp một bên mặt khi cười hoặc mất cảm giác một bên.
+ A (ARM): Yếu liệt hoặc mất cảm giác một tay.
+ S (SPEECH): Nói khó, phát âm không rõ, không có nghĩa, không có khả năng lặp lại câu đơn giản.
+ T (TIME): Nếu có một trong các dấu hiệu trên hãy gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
2.3. Trên bệnh nhân hạ huyết áp
– Ở những người lớn tuổi bị đái tháo đường, tăng huyết áp có bệnh kèm như Parkinson,… thì dễ bị tình trạng hạ huyết áp tư thế. Tại Trung tâm Nội Tiết ở những bệnh nhân có nguy cơ như: ĐTĐ lâu năm, THA lâu năm, bệnh nhân dùng một số thuốc ảnh hưởng đến huyết áp tư thế thì bệnh nhân sẽ được kiểm tra huyết áp tư thế thường xuyên mỗi khi đi tái khám.
– Hạ huyết áp tư thế khi huyết áp tâm thu ≥ 20 mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 10 mmHg. Và một số người sẽ có triệu chứng kèm theo như: hoa mắt, chóng mặt khi nằm xuống đứng dậy, thường kéo dài 1 phút, nhìn mờ, có thể ngất.
– Cần đo huyết áp thường xuyên => Ghi vào bảng theo dõi => Báo bác sỹ điều trị.
Bên cạnh đó cần:
– Từ từ trong việc thay đổi thế, ví dụ khi nằm tại giường thì đầu tiên ngồi dậy, ngồi ở bên giường, sau đó đứng lên. Hoặc khi ngồi xuống và đứng lên thì nên dành thời gian từ từ không nên đứng lên đột ngột.
– Nên ngồi xuống khi rửa, tắm, mặc quần áo.
– Không đi bộ nếu bệnh nhân cảm thấy chóng mặt.
2.4. Dự phòng té ngã
– Càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ bị té ngã do cơ thể yếu đi cùng với các bệnh tật đi kèm hoặc các loại thuốc đang dùng điều trị bệnh cũng có thể có tác dụng phụ làm mất thăng bằng và dễ gây té ngã. Cần dự phòng té ngã ở người lớn tuổi bằng cách:
– Thiết kế phòng ốc đơn giản, đủ sáng, nhà vệ sinh trong phòng.
– Thiết kế các tay vịn trên đường di chuyển.
– Chú ý sử dụng dép đi trong nhà có độ bám tốt, nhà tắm nên lót xốp chống trơn.
– Nên có người bên cạnh.
– Lắp đặt hệ thống camera hoặc smart watch tự động báo cáo.
3. Theo dõi huyết áp và đường máu từ xa
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường có thể thay đổi thói quen sinh hoạt và tiếp cận y tế.
Các thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị từ đó ảnh hưởng đến huyết áp cũng như chỉ số đường máu và gây ra các biến cố nặng nề như: cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, hôn mê tăng đường máu hoặc hạ đường máu,…
Chính vì vậy, người bệnh nên theo dõi chỉ số huyết áp, đường máu của mình thường xuyên và trao đổi các thông tin với nhân viên y tế ngay tại thời điểm thử đường hay đo huyết áp tại nhà, không nên trì hoãn đến thời điểm đi khám mới trao đổi.
3.1. Một số lưu ý khi đo huyết áp
– Nghỉ 15 phút, không dùng chất kích thích.
– Đo cả 2 tay, 2 lần đo trên 1 tay cách nhau ít nhất 1 phút.
– Băng quấn tay hợp kích cỡ: Băng quấn quá chặt làm tăng huyết áp 2 – 10 mmHg.
– Quấn vào tay trần: Quần áo chèn vào băng quấn làm tăng 5 – 50 mmHg.
– Đỡ cánh tay: Cánh tay không có chỗ tựa làm tăng 10 mmHg.
– Không bắt chéo chân: Khi bắt chéo chân huyết áp tăng 2 – 8 mmHg.
– Đỡ lưng/chân: Lưng/chân không có điểm tựa làm tăng huyết áp 6,5 mmHg.
– Không nói chuyện: Mất tập trung và nói chuyện làm tăng 10 mmHg.
3.2. Một số lưu ý khi thử đường tại nhà
Để đạt được hiệu quả tốt nhất ta cần phải nắm được một số lưu ý sau:
– Máy đo và que thử phải khớp mã vạch. Liên hệ điểm bán để được tư vấn nếu không khớp.
– Không đo liên tục trên cùng một ngón, đo luân phiên ở các đầu ngón tay khác nhau.
– Không tiến hành lấy máu nếu cảm thấy đau nhức ở đầu ngón tay.
– Không tái sử dụng các loại que thử, kim lấy máu vì việc này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng hoặc làm sai lệch kết quả đo.
– Một số trường hợp kết quả đo đường huyết không đúng do ảnh hưởng của một số yếu tố như tay không sạch, que thử hết hạn sử dụng, cho không đủ máu vào que thử, máy không được định chuẩn,…Vì vậy nên hết sức lưu ý.
Test đường mao mạch từ 3 – 4 lần hoặc từ 2 – 3 tuần/ lần đối với trường hợp:
– Người đang tiêm Insuline, dùng thuốc uống có tác dụng hạ đường máu.
– Phụ nữ đang có thai mắc đái tháo đường thai kỳ.
– Đường máu của bệnh nhân chưa ổn định.
– Người lớn tuổi.
Test đường mao mạch từ 1-2 lần/ Tuần: Nếu đường máu người bệnh ổn định.
– Để hỗ trợ bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất không những là trong tình hình dịch bệnh. Theo phương châm “ Nếu bạn ngại tới bệnh viện, Family sẽ tới nhà”.
– Trung tâm Nội Tiết đang áp dụng hình thức như tư vấn sức khỏe online, giao thuốc tại nhà, thăm khám online cho những bệnh nhân cần được theo dõi đường máu và huyết áp thường xuyên.
Quản lý bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp qua kênh được cập nhật online. Bệnh nhân có thể cập nhập được tình trạng đường máu, huyết áp tại nhà trực tiếp và biết được tình trạng đường máu của mình có nằm trong mục tiêu điều trị hay không, tình hình sức khỏe của bệnh nhân như thế nào. Đồng thời bác sỹ có thể theo dõi ngay tại thời điểm bệnh nhân nhập kết quả và can thiệp kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Minh hoạ trường hợp theo dõi đường máu đối với BN đái tháo đường thai kỳ:
– Khi bệnh nhân thử đường máu tại nhà => nhập kết quả vào trang tính, kết quả sẽ tự chuyển màu. Bệnh nhân có thể biết được đường máu của mình có nằm trong ngưỡng mục tiêu điều trị hay không.
– Bên cạnh việc ghi chỉ số đường máu, bệnh nhân sẽ ghi thêm số lượng và loại thức ăn vào ô bên cạnh. Nêu ý kiến bệnh nhân: Ngày hôm đó bệnh nhân cảm thấy tình hình sức khỏe như thế nào? Bữa ăn như vậy có khiến có bệnh nhân bị đói và ăn thêm bữa phụ hay không? Bác sỹ tư vấn sẽ nhập thông tin vào ô bên cạnh.
– Khi tổng số lần thử đường tại nhà của bệnh nhân vượt quá mục tiêu điều trị từ 30% trở lên thì tỷ lệ phần trăm sẽ chuyển sang màu đỏ để cảnh báo với điều dưỡng chăm sóc và bác sỹ. Từ đó sẽ nắm được hiệu quả kiểm soát đường máu, tuân thủ điều trị, chế độ ăn uống, tình hình sức khỏe của bệnh nhân như thế nào? Để có các biện pháp can thiệp về điều trị, dinh dưỡng và vận động hợp lý và cá thế hóa cho từng bệnh nhân.
Theo dõi đường máu đối với bệnh nhân ≥ 65 tuổi:
– Tương tự: Đối với bệnh nhân ≥ 65 tuổi. Khi bệnh nhân thử đường máu tại nhà => nhập kết quả vào trang tính. Kết quả sẽ tự chuyển màu. Bệnh nhân có thể biết được đường máu của mình có nằm trong ngưỡng mục tiêu điều trị hay không.
Theo dõi đường máu đối với bệnh nhân ≤ 65 tuổi:
– Đối với bệnh nhân ≤ 65 tuổi. Khi bệnh nhân thử đường máu tại nhà => nhập kết quả vào trang tính. Kết quả sẽ tự chuyển màu. Bệnh nhân có thể biết được đường máu của mình có nằm trong ngưỡng mục tiêu điều trị hay không.
Trường hợp theo dõi huyết áp tại nhà:
– Khi bệnh nhân theo dõi huyết áp tại nhà => nhập kết quả vào trang tính. Kết quả sẽ tự chuyển màu. Bệnh nhân có thể biết được huyết áp của mình có nằm trong ngưỡng mục tiêu điều trị hay không.
4. Chăm sóc về sức khỏe tinh thần
– Theo CDC thì sức khỏe tinh thần nằm trong danh sách ưu tiên của việc quản lý đái tháo đường, sức khỏe tinh thần ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày, cách suy nghĩ và cảm nhận, xử lý căng thẳng, quan hệ với người khác và đưa ra sự lựa chọn.
– Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị lo lắng vào một thời điểm nào đó trong đời cao hơn 20% so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Kiểm soát một tình trạng lâu dài như bệnh tiểu đường là một nguyên nhân chính gây lo lắng cho một số người.
BN có thể giảm căng thẳng và lo lắng bằng cách:
– Vận động: ngay cả khi đi bộ nhanh cũng có thể giúp bạn xoa dịu và hiệu quả có thể kéo dài hàng giờ. Thực hiện một số bài tập thư giãn, như thiền hoặc yoga.
– Gọi điện hoặc nhắn tin chia sẽ cho một người bạn hiểu mình.
– Dành thời gian chăm sóc cho bản thân và giải trí như: đọc sách, xem phim, chơi cờ, …
– Hạn chế rượu và caffein, ăn thức ăn lành mạnh và ngủ đủ giấc.
Từ việc quản lý bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp đem lại hiệu quả tương tác hai chiều, sẽ giúp bệnh nhân có thể kiểm soát đường máu và huyết áp tốt hơn, và sẽ có cảm giác vững tin hơn vì luôn có nhân viên y tế cùng đồng hành cùng mình dù là trong tình hình dịch COVID – 19 hay không từ đó nâng cao khả năng tuân thủ điều trị, nâng cao kiến thức về bệnh. Đồng thời nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Hãy theo dõi và chăm sóc sức khỏe như câu slogan của ngày đái tháo đường thế giới năm 2021 “IF NOT NOW, WHEN”.
Tài liệu tham khảo:
1. ADA 2020; Standards of Medical Care in Diabetes – 2020. Diabetes Care 2020;43(Suppl. 1):S14-S31
2. American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes – 2017. Diabetes Care 2017;40 (Suppl. 1); DOI 10.2337/dc17-S001.
3. Bộ Y Tế, Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não, 2020.
4. CDC, Centers for Disease Control and Prevention, Diabetes Mental Health, 2021.