Nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng glucose máu mạn tính. Bệnh tiến triển trong thời gian dài gây nên những tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim mạch, thận, mắt, thần kinh. Trong đó, tổn thương tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với ĐTĐ type 1 cũng như ĐTĐ type 2.

1. Biến chứng tim mạch ở bệnh ĐTĐ là do đâu?
ĐTĐ và xơ vữa mạch máu có chung yếu tố di truyền và nguy cơ, gây nên biến chứng nguy hiểm, trong đó bao gồm: bệnh mạch vành, đột quỵ và tổn thương mạch máu ngoại biên. Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ là do tình trạng xơ vữa động mạch đi kèm hậu quả của nó.

2. Yếu tố nguy cơ gia tăng biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ?
Song song với sự gia tăng tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ, những yếu tố sau đây góp phần làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.
– Yếu tố không thay đổi được:
+ Tuổi tác: tuổi càng lớn nguy cơ càng cao
+ Tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu
– Yếu tố thay đổi được:
+ Thừa cân, béo phì
+ Lối sống tĩnh tại, ít vận động
+ Chế độ ăn uống không hợp lý
+ Sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá

3. Tổn thương tim mạch ở ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2 có gì khác nhau?
3.1. Tổn thương tim mạch ở ĐTĐ type 1
ĐTĐ type 1 dù khởi bệnh ở độ tuổi nào, tổn thương tim mạch cũng thường bắt đầu ở cuối tuổi 30 và ở tuổi 40, sau đó tỉ lệ tăng nhanh. ĐTĐ type 1, ở tuổi 55 kể cả 2 giới sẽ có 35% bệnh nhân chết vì bệnh lý tim mạch, so với 8% ở những người không mắc ĐTĐ. Tổn thương thận ở ĐTĐ type 1 càng làm tăng nguy cơ và tỷ lệ biến chứng tim mạch.

3.2. Tổn thương tim mạch ở ĐTĐ type 2
Nguy cơ tổn thương tim mạch ở ĐTĐ type 2 tăng gấp 2 đến 4 lần so với người bình thường, nguy cơ cao hơn ở giới nữ, các yếu tố bảo vệ chống lại xơ vữa sẽ mất hoàn toàn ở người ĐTĐ. Ngoài những yếu tố nguy cơ ở trên, bệnh nhân ĐTĐ còn có thêm những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như sự kháng insulin, tăng insulin, tăng glucose máu.

4. Tăng huyết áp liên quan như thế nào đến biến chứng tim mạch?
Tăng huyết áp là một bệnh kèm thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ, là yếu tố nguy cơ chính cho cả bệnh lý tim mạch xơ vữa và biến chứng vi mạch, ảnh hưởng lên diễn biến và tiên lượng bệnh ĐTĐ như tử vong sớm, bệnh tim mạch (bệnh tim và đột quỵ), biến chứng vi mạch (tổn thương mắt, thận), điều trị kiểm soát tốt huyết áp sẽ cải thiện các diễn biến xấu này. Ở ĐTĐ type 1, tăng huyết áp thường gặp sau bệnh thận ĐTĐ, ở ĐTĐ type 2, THA có thể gặp sau tổn thương thận như type 1, nhưng có thể gặp cùng lúc và có thể có trước cả ĐTĐ cùng với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Có sự tương quan chặt chẽ giữa mức độ tăng huyết áp và các biến chứng của ĐTĐ, tuy nhiên với ngưỡng huyết áp nào vẫn chưa rõ.

5. Làm thế nào để nhận biết bệnh mạch vành?

Bệnh mạch vành bao gồm: Cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim
– Triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ngực với đặc điểm sau:
+ Vị trí: Sau xương ức.
+ Hướng lan: Xuống mặt trong cánh tay ngón tay trái, tuy nhiên nó có thể lan lên vai ra sau lưng, lên xương hàm, răng, lên cổ.
+ Tính chất đau: Có thể mơ hồ kiểu như có gì chẹn ngực, co thắt hoặc như là có vật gì nặng đè ép lên ngực.
+ Thời gian: Đau ngắn và kéo dài không quá vài phút.
+ Cơn đau thường khởi phát sau gắng sức, giảm và mất khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn vành. Lạnh cũng là yếu tố dễ gây khởi phát cơn đau thắt ngực.
– Trong cơn có thể không có triệu chứng gì, tuy nhiên có thể tăng tần số tim và trị số huyết áp.

6. Ngoài bệnh mạch vành, ở bệnh nhân ĐTĐ còn có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch nào khác?
Bệnh cơ tim ĐTĐ là một loại bệnh cơ tim đặc hiệu với rối loạn chức năng tâm thu và tâm trương, không liên quan trực tiếp đến cơ tim thiếu máu cục bộ nhưng tăng huyết áp, bệnh lý thần kinh tự động, cường hoặc kháng insulin, rối loạn chuyển hóa góp phần làm tổn thương chức năng cơ tim. Bệnh nhân ĐTĐ bị rối loạn chức năng cơ tim tiền lâm sàng nhưng bệnh lý cơ tim ĐTĐ có thể tiến triển đến suy tim mạn tính.

7. Làm sao nhận biết suy tim để kịp thời thăm khám?
Các triệu chứng suy tim thường gặp:
– Suy tim trái: Có 2 triệu chứng chính là khó thở và ho. Khó thở là triệu chứng thường gặp nhất. Lúc đầu khó thở khi gắng sức, về sau từng cơn, có khi khó thở đột ngột, có khi khó thở tăng dần. Ho thường xảy ra vào ban đêm khi bệnh nhân gắng sức, ho khan, có khi có đàm lẫn máu.
Suy tim phải: Khó thở nhiều hay ít tùy theo mức độ suy tim, khó thở thường xuyên, nhưng không có cơn khó thở kịch phát như suy tim trái. Xanh tím nhiều hay ít tùy nguyên nhân và mức độ của suy tim phải.
– Suy tim toàn bộ: Khó thở thường xuyên, phù toàn thân, tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên, áp lực tĩnh mạch tăng cao, gan to nhiều,…

8. Một số cận lâm sàng cần làm để kiểm tra biến chứng tim mạch?
– Xét nghiệm đường máu, mỡ máu, công thức máu, chức năng thận, màng lọc cầu thận,…, các xét nghiệm cần thiết khác theo chỉ định của bác sĩ.
– Đo điện tâm đồ
– Siêu âm tim
– Siêu âm động mạch cảnh
– Một số cận lâm sàng chuyên sâu khác như: Holter điện tim 24h, chụp CT động mạch vành, chụp can thiệp DSA (kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền trong tim mạch),…

9. Làm thế nào để dự phòng biến chứng tim mạch?
– Tuân thủ chế độ dùng thuốc của bác sỹ
– Kiểm soát đường máu, mỡ máu, huyết áp
– Chế độ ăn hợp lý:
Khẩu phần ăn như dưới đây giúp bạn xây dựng các bữa ăn chính và phụ có cả đạm và chất bột đường:
+ Chất béo, thực phẩm ngọt và rượu (dùng số lượng ít): thực phẩm nhóm này cung cấp nhiều năng lượng, lựa chọn tốt nhất là dầu thực vật. Một khẩu phần chất béo tương đương 1 thìa cà phê. Tránh các thực phẩm nhiều đường như mứt kẹo, chocolate, nước ngọt có gaz, thức ăn nhanh, chiên rán, nhiều dầu mỡ….
+ Sữa và sữa chua (2 đến 3 khẩu phẩn/ngày): một khẩu phần tương đương 1 ly sữa, hoặc 1 hủ sữa chua. Các loại tốt cho người bệnh ĐTĐ là sữa, sữa chua không béo hoặc ít béo, không đường.
+ Cá, thịt, trứng, đậu hủ,…(đạm – 2 đến 3 khẩu phần/ ngày): một khẩu phần tương đương 60 – 90 gam thịt nạc, hoặc 1 quả trứng, 120g đậu hủ, 2 con cá trung bình.
+ Thịt nạc có ít chất béo nhất và ít năng lượng nhất: thịt nạc đỏ (bò, heo), thịt trắng như gà, vịt (bỏ da).
+ Các loại cá như cá hồi, cá trích trứng, cá hồng, cá thu đao, cá ngừ hoặc cá đồng,..
+ Đậu hủ, phô mai không béo hay ít béo.
+ Trái cây (2 đến 4 khẩu phần/ ngày): nên ăn trái cây có chỉ số đường thấp: ổi, bơ, lê, táo, bưởi, cam. hạn chế ăn trái cây ngọt, chỉ số đường cao: mít, chuối, dưa hấu,
xoài, mía….(một khẩu phần tương đương 1 trái táo, ổi hay cam).
+ Rau quả (3 đến 5 khẩu phần/ ngày): một khẩu phần tương đương 1/2 chén rau quả chín, hoặc 1 chén rau quả sống. Các loại tốt cho người bệnh ĐTĐ: rau quả tươi hay đông lạnh không có nước sốt, bơ hay Margarine.
+ Ngũ cốc, đậu và củ quả có tinh bột (6 khẩu phần/ ngày hoặc nhiều hơn tùy theo nhu cầu và thể trạng): một khẩu phần tương đương 1/3 chén cơm, hoặc 1/2 chén bún, 1 lát bánh mì. Các loại tốt cho người bệnh ĐTĐ: bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, gạo chưa chà kỹ, bắp, đậu váng, khoai, bí,..
+ Nên ăn giảm muối: khoảng 5g/ ngày (tương đương 1 thìa cà phê), không sử dụng thêm các loại nước chấm, các món kho rim hoặc muối chua (cải muối, dưa muối,..)
– Chế độ luyện tập thể dục:
Tập thể dục hàng ngày có thể hạ thấp mức đường huyết, giúp cơ thể kiểm tra tốt trọng lượng và cải thiện tuần hoàn máu, huyết áp và sức khỏe tim mạch. Nó còn giúp bạn có nhiều năng lượng hơn, khỏe mạnh hơn và giảm stress.
+ Nguyên tắc tập thể dục:
+ Tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh, bệnh lý tim mạch, mắt, thận kèm theo.
+ Chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lên chương trình tập và kiểm tra huyết áp, mạch, đường máu trước khi tập.
+ Cá nhân hóa trong chế độ luyện tập thể dục.
+ Thời điểm luyện tập: để tránh các nguy cơ như hạ đường máu, tăng huyết áp phản ứng, thời điểm luyện tập được khuyến cáo là buổi chiều – tối (tập vận động và luyện sức cơ) và tập nhẹ nhàng sau các bữa ăn (đi bộ nhẹ nhàng).
+ Khởi động luyện tập: Nếu bạn chưa quen với việc tập thể dục, đầu tiên nên tập 5- 10 phút mỗi ngày, 3 ngày/ tuần. Khi đã cảm thấy quen hơn, có thể tập lâu hơn và thường xuyên hơn, tổng thời gian cần đạt 30 phút/ ngày.
+ Chọn lựa phương pháp tập luyện thích hợp:
+ Bệnh nhân béo phì trẻ tuổi không có biến chứng, không có tổn thương cơ xương khớp: có chế độ luyện tập giảm năng lượng như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, tennis, cầu lông, bóng bàn,…
+ Bệnh nhân có vấn đề cơ xương khớp: cân nhắc lựa chọn các hình thức như bơi lội, đạp xe đạp, yoga, khí công, thái cực dưỡng sinh.
+ Bệnh nhân trung niên hoặc cao tuổi có bệnh lý tim mạch: có chế độ luyện tập để dưỡng sinh như yoga, thái cực dưỡng sinh.
+ Bệnh nhân có tổn thương thần kinh ngoại biên ( bàn chân đái tháo đường. viêm đa dây thần kinh…), sử dụng các phương pháp như bơi lội, yoga, khí công, thể dục nhịp điệu (không khuyến cáo ở bệnh nhân tổn thương thần kinh ngoại biên nặng).
+ Nếu có biến chứng thần kinh tự động, tim mạch, hạ huyết áp tư thế thường xuyên, khuyến cáo không nên tập thể dục những động tác liên quan đến tư thế như thể dục nhịp điệu, chạy bộ, bơi lội. Nên chơi các môn thể thao như yoga, khí công, thái cực dưỡng sinh.
+ Tóm lại có nhiều phương pháp tập thể dục cho bệnh nhân đái tháo đường, tuy nhiên tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh lý, các biến chứng đi kèm…có thể lựa chọn một số môn phù hợp như: đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội đặc biệt là yoga dưỡng sinh, khí công dưỡng sinh, thái cực trường sinh…
– Đối với người cơ địa thừa cân, béo phì cần tham khảo ý kiến bác sỹ để lên kế hoạch giảm cân hợp lý
– Không sử dụng các chất kích thích, bỏ hoàn toàn thuốc lá, ngủ đủ giấc.

Tài liệu tham khảo:
– GS.TS. Thái Hồng Quang và các cộng sự (2018), Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị bệnh Đái tháo đường, nhà xuất bản Y học.
– Bộ Y Tế, Đái tháo đường và biến chứng tim mạch, https://moh.gov.vn/chuong- trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/-ai-thao-uong- va-bien-chung-tim-mach?inheritRedirect=false