Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ thông dụng dùng để chỉ tình trạng suy giảm về nhận thức do nguyên nhân thoái hóa não bộ, thường gặp ở người cao tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sa sút trí tuệ nhưng có một số đặc điểm chung có thể giúp nhận biết sớm bệnh lý này.
1. Tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của sa sút trí tuệ là suy giảm trí nhớ, đặc biệt là quên đi các thông tin mới nghe, mới tìm hiểu. Các vấn đề khác bao gồm quên ngày tháng hay sự kiện quan trọng; hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin; phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trí nhớ (điện thoại, giấy ghi chú) hoặc các thành viên gia đình trong những việc mà bình thường có thể tự giải quyết.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi xảy ra tình trạng quên tên hoặc cuộc hẹn, nhưng một lúc sau sẽ nhớ lại được.
2. Gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc quen thuộc ở nhà, tại nơi làm việc hay khi vui chơi
Người bệnh sa sút trí tuệ thường gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc thường ngày. Đôi khi, họ cũng gặp rắc rối khi lái xe đến một địa điểm quen thuộc, quản lý ngân sách ở công ty hay ghi nhớ luật lệ của trò chơi yêu thích.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Thỉnh thoảng cần giúp đỡ để thiết lập các chế độ của lò vi sóng hay thu lại chương trình TV.
3. Gặp khó khăn khi lập kế hoạch hay giải quyết vấn đề
Một vài người có thể biểu hiện những thay đổi về khả năng lập kế hoạch, thực hiện theo kế hoạch hoặc khi làm việc với con số, số liệu. Họ cũng có thể gặp rắc rối khi nấu những món ăn quen thuộc, theo dõi hoá đơn hàng tháng. Họ gặp khó khăn trong việc tập trung và tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc so với trước đây.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Thỉnh thoảng phạm một số lỗi khi quyết toán chi phiếu.
4. Lú lẫn về thời gian hoặc nơi chốn
Người bệnh sa sút trí tuệ có thể không nhớ được ngày tháng, các mùa trong năm và mốc thời gian. Họ gặp khó khăn trong việc hình dung hoặc tưởng tưởng một vấn đề chưa xảy ra. Đôi khi, họ quên mất mình đang ở đâu hay làm sao họ đến được nơi đó.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Cảm thấy mơ hồ về các ngày trong tuần nhưng sẽ nhớ ra sau đó.
5. Gặp khó khăn trong việc hiểu các hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian
Một vài người gặp vấn đề về thị giác. Họ gặp khó khăn khi đọc, phán đoán khoảng cách, xác định màu sắc hay sự tương phản, điều này có thể gây ra sự cố khi lái xe.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Sự thay đổi về thị giác liên quan đến bệnh đục thuỷ tinh thể (cườm mắt).
6. Phát sinh những khó khăn mới về từ ngữ khi nói hoặc viết
Người bệnh sa sút trí tuệ có thể gặp vấn đề khi theo dõi hay tham gia một cuộc trò chuyện. Họ có thể dừng lại giữa cuộc nói chuyện và không biết cách nào để tiếp tục hoặc cứ lặp đi lặp lại. Họ vật lộn với từ vựng, gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ hay gọi sai tên vật dụng. Ví dụ như: gọi “đồng hồ treo tường” là “đồng hồ đeo tay”.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ nhưng sẽ nhớ ra hoặc ghi nhớ đúng sau đó,
7. Đặt đồ vật nhầm chỗ và mất khả năng hồi tưởng lại các bước
Người bệnh sa sút trí tuệ có thể đặt đồ vật ở những nơi không quen thuộc. Họ thường làm mất đồ vật và không thể nhớ cách để tìm lại chúng. Đôi khi, họ nghĩ người khác ăn cắp chúng. Theo thời gian, triệu chứng này có thể xảy ra thường xuyên hơn.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Thỉnh thoảng đặt đồ vật nhầm chỗ nhưng sau đó có thể tìm hoặc nhớ lại được.
8. Giảm khả năng phán đoán hay đánh giá kém
Người bệnh sa sút trí tuệ có thể gặp những thay đổi trong việc phán đoán và ra quyết định. Ví dụ, họ có thể đánh giá kém khi giải quyết vấn đề liên quan đến tiền, trao khoản tiền lớn cho người tiếp thị qua điện thoại. Họ cũng ít chú ý đến việc ăn mặc chỉnh tề hay giữ cho mình sạch sẽ.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi đưa ra quyết định thiếu chính xác.
9. Rút lui khỏi công việc hay các hoạt động xã hội
Người bệnh có thể bắt đầu tự rút lui khỏi các sở thích, hoạt động xã hội, dự án công việc hay các môn thể thao. Họ không theo dõi kịp đội thể thao yêu thích hoặc không nhớ được cách thực hiện một sở thích. Họ cũng tránh tham gia hoạt động xã hội do những thay đổi mà họ gặp phải.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Đôi khi cảm thấy chán nản với công việc, gia đình hay các nghĩa vụ xã hội
10. Tâm trạng và tính cách thay đổi
Tâm trạng và tính cách có thể thay đổi. Họ trở nên bối rối, đa nghi, chán nản, sợ hãi hay lo lắng. Họ có thể dễ dàng bực tức khi ở nhà, tại nơi làm việc, với bạn bè hay ở những nơi mà họ không cảm thấy thoải mái.
So sánh với sự thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác: Tạo dựng cách thức riêng biệt để thực hiện công việc và trở nên cáu kỉnh khi thói quen bị cản trở.
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những vấn đề trên, hoặc có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Hiện tại, Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family đang tổ chức các gói khám Tầm soát sa sút trí tuệ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Để được tư vấn cụ thể, Quý thân chủ có thể liên hệ với:
TRUNG TÂM NỘI TIẾT – ĐÁI THÁO ĐƯỜNG FAMILY
Tầng 4, Bệnh viện Đa Khoa Gia Đình
73 Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng
Hotline: 0944 225 115
Facebook: https://www.facebook.com/NoitietFamily
Website: https://trungtamnoitiet.familyhospital.vn/