11 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng tăng glucose huyết tương (đường máu) được phát hiện lần đầu trong khi có thai. ĐTĐTK được phân loại thành 2 nhóm:
– Đái tháo đường mang thai (còn gọi là ĐTĐ rõ): có mức đường máu cao, đạt mức chẩn đoán ĐTĐ thực sự.
– Đái tháo đường thai kỳ: có mức đường máu tăng bất thường, nhưng thấp hơn mức chẩn đoán ĐTĐ thực sự.

2. Ai có nguy cơ mắc Đái tháo đường thai kỳ?
Tỷ lệ mắc của ĐTĐTK ngày càng tăng, đặc biệt khi tỷ lệ béo phì của phụ nữ mang thai ngày càng cao. Bất kỳ ai khi mang thai đều có nguy cơ mắc ĐTĐTK, tuy nhiên có một số người có thể dễ mắc hơn:
– Béo phì hoặc tăng cân nhanh trong thai kỳ
– Gia đình có bố/ mẹ/ anh/ chị/ em ruột mắc ĐTĐ
– Từng sinh con to ≥ 4000 gam
– Từng bị ĐTĐTK hoặc bất thường về đường máu trước đây
– Mắc hội chứng buồng trứng đa nang
– Có tiền sử sản khoa bất thường
– Mang thai khi lớn tuổi (sau 35 tuổi)
– Chủng tộc (người châu Á có nguy cơ mắc cao)

3. Làm thế nào để phát hiện Đái tháo đường thai kỳ?
Thời điểm kiểm tra thường quy để phát hiện ĐTĐTK vào tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên, hãy nói với bác sĩ trong lần khám thai ở quý đầu tiên của thai kỳ để được kiểm tra sớm.
Bạn sẽ thực hiện một xét nghiệm có tên là Nghiệm pháp dung nạp đường. Cách thức tiến hành như sau:
– Ba ngày trước khi tiến hành nghiệm pháp chẩn đoán, không ăn chế độ ăn có quá nhiều đường/ tinh bột cũng như không ăn kiêng nhằm tránh ảnh hưởng nghiệm pháp.
– Nhịn đói qua đêm (8 – 12 giờ), sau đó được lấy máu để làm xét nghiệm.
– Uống một ly nước được hòa 75 gam đường glucose.
– Xét nghiệm máu lại vào thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau khi uống nước đường.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

4. Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
– Đối với mẹ
+ Tăng huyết áp
+ Sinh non
+ Đa ối
+ Sẩy thai/ thai lưu
+ Nhiễm khuẩn niệu
+ Nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 sau này
– Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
+ Tăng trưởng quá mức và thai to
+ Hạ đường máu sau sinh
+ Tử vong ngay sau sinh
+ Vàng da sơ sinh
+ Nguy cơ mắc béo phì, ĐTĐ type 2

5. Nếu mắc đái tháo đường thai kỳ, tôi nên làm gì?
Nếu mắc ĐTĐTK, bạn sẽ được tư vấn, điều trị và theo dõi trong suốt thời gian mang thai đến lúc sinh và sau sinh, bởi đội ngũ chăm sóc sức khỏe bao gồm: BS sản khoa, BS nội tiết, BS dinh dưỡng, điều dưỡng chăm sóc. Bạn phải phối hợp và liên lạc với nhóm chăm sóc sức khỏe để đảm bảo được thai kỳ khỏe mạnh.
– Ăn uống lành mạnh
Điều quan trong nhất là có một kế hoạch ăn uống phù hợp. Mục tiêu là giúp đường máu không tăng quá cao sau bữa ăn, tránh bị đói xa bữa ăn và duy trì được mức tăng cân phù hợp của mẹ và thai nhi.

Bảng tăng cân hợp lý cho phụ nữ mang thai

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên dinh dưỡng phù hợp và cung cấp một thực đơn cá nhân trong trường hợp cần thiết để giúp kiểm soát đường máu tối ưu.
– Tập thể dục
Duy trì hoạt động thể chất ít nhất 30 phút/ngày, tránh lối sống tĩnh tại để giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ kiểm soát đường máu tốt hơn. Đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập tay 10 – 15 phút sau bữa ăn giúp kiểm soát đường máu.
Bạn có thể gặp khó khăn hoặc một số nguy cơ khi tham gia hoạt động thể chất. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
– Theo dõi lượng đường trong máu
Theo dõi đường máu cho biết liệu bạn có đang làm tốt hay không. Việc theo dõi đường máu không chỉ được thực hiện ở bệnh viện, bạn có thể tự kiểm tra đường máu của mình bằng cách sử dụng Máy đo đường huyết mao mạch hoặc Máy đo đường huyết liên tục CGM.
Đường máu thay đổi liên tục trong ngày, do đó đường máu đo tại một thời điểm không thể hiện được toàn bộ tình trạng của bạn. Vì vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tự theo dõi đường tại nhà vào những thời điểm nhất định. Từ kết quả của những lần đo này, kết hợp với tình hình dinh dưỡng và vận động, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên và điều trị phù hợp nhất.

Duy trì mục tiêu đường máu

Tự theo dõi đường máu cũng giúp bạn biết được tình trạng của mình và điều chỉnh ăn uống, hoạt động một cách hợp lý.
– Theo dõi thai nhi
Đếm và theo dõi cử động thai.
Theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi bằng siêu âm.
– Kế hoạch theo dõi sức khỏe và sinh nở
Trong suốt thai kỳ, nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ cung cấp thông tin và lời khuyên cần thiết.
Lập kế hoạch sinh, bao gồm thời gian sinh, hình thức sinh, những vấn đề liên quan đến dùng thuốc trước, trong và sau khi sinh.
Chăm sóc sau sinh, những vấn đề thường gặp, những điều nên làm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé.

6. Tôi có cần dùng thuốc không?
– Một số phụ nữ mắc ĐTĐTK cần sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu. Bác sĩ sẽ tư vấn những trường hợp nào cần sử dụng và hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi thích hợp.
– Thuốc sử dụng là Insulin, một loại hormone kiểm soát đường máu. Bạn sẽ được hướng dẫn cách tự tiêm thuốc, số lần tiêm, cách thử đường máu và xử trí những vấn đề có thể gặp trong quá trình dùng thuốc.

7. Tôi sẽ sinh em bé như thế nào?
– Đến cuối thai kỳ, bạn cần thảo luận với BS sản khoa và BS nội tiết để được tư vấn kế hoạch sinh phù hợp. Bạn có thể sinh tự nhiên hoặc sinh mổ theo kế hoạch, tùy theo tình trạng của mẹ và thai nhi.
– Căn cứ trên tình hình sức khỏe của mẹ và em bé, cân nhắc các nguy cơ và lợi ích, bác sĩ sẽ chỉ định sinh tại các thời điểm ở tuần 40 – 41 hoặc sớm hơn vào tuần 38 hoặc 36.

8. Điều gì sẽ xảy ra trong lúc chuyển dạ?
Mức đường máu phải được kiểm soát trong quá trình chuyển dạ. Bác sĩ sẽ giám sát và điều chỉnh mức đường máu bằng các biện pháp khác nhau để đảm bảo duy trì ở mức ổn định.

9. Điều gì sẽ xảy ra sau khi em bé chào đời?
– Em bé sẽ được ở lại với mẹ trừ những trường hợp phải chăm sóc đặc biệt.
– Em bé được kiểm tra mức đường huyết vài giờ sau khi sinh để kiểm soát tình trạng hạ đường máu.
– ĐTĐTK thường biến mất sau khi sinh, do đó bác sĩ sẽ dừng hoặc giảm liều thuốc Insulin ngay sau khi sinh con. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra đường máu của bạn và đảm bảo mức ổn định trước khi bạn về nhà.
– Tầm soát ĐTĐ type 2 sau khoảng 4 – 12 tuần sau khi sinh. Nếu kết quả bình thường, khám định kỳ 1 năm/lần.
– Tuân thủ chế độ dinh dưỡng và lối sống để dự phòng nguy cơ mắc ĐTĐ type 2.

10. Tôi có cho con bú được không?
– Có thể cho con bú. Bạn sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ trong việc cho con bú hiệu quả.
– Cho bé bú ngay sau khi sinh và mỗi 2 – 3 giờ một lần để duy trì đường máu ổn định cho bé. Có thể vắt sữa nếu khó cho bú trực tiếp.
– Báo cho bác sĩ những vấn đề lo lắng hoặc những khó khăn khi cho con bú để được hỗ trợ.

11. Nếu tôi muốn mang thai lần sau, cần lưu ý điều gì?
– Duy trì ăn uống cân bằng, cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn trước khi mang thai sẽ giảm nguy cơ phát triển ĐTĐTK.
– Khi phát hiện mang thai, báo với bác sĩ về tiền sử ĐTĐTK để được tầm soát sớm trong quý đầu tiên của thai kỳ.
– Nếu mắc ĐTĐTK một lần nữa, tuân thủ theo những lời khuyên và điều trị mới của bác sĩ, không tự ý áp dụng những phương thức điều trị của lần mang thai trước.

Hãy trở thành một bà mẹ thông thái để chung sống tốt với đái tháo đường thai kỳ!

Tài liệu tham khảo
1. Hướng dẫn Quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ (2018). Ban hành kèm theo Quyết định số 6173/ QĐ-BYT.
2. Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam (2021), Đái tháo đường và mang thai.
3. American Diabetes Association; 14. Management of Diabetes in Pregnancy: Standards of Medical Care in Diabetes—2021. Diabetes Care 1 January 2021; 44 (Supplement_1): S200–S210. doi.org/10.2337/dc21-S014