6 sai lầm thường gặp khi tự đo đường huyết tại nhà

Đo đường huyết thường xuyên tại nhà giúp bệnh nhân đái tháo đường theo dõi và tránh được những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà nhiều người thường mắc phải khi thực hiện việc này. Sau đây là 6 sai lầm thường gặp khi tự đo đường huyết tại nhà:

1. Sử dụng que thử và k.i.m lấy máu sai cách

Việc tái sử dụng que thử hay k.i.m lấy máu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây ra các bệnh lây qua đường máu. Vì vậy, mỗi que thử và k.i.m lấy máu chỉ nên sử dụng 1 lần duy nhất và không tái sử dụng cho những lần đo sau.

Để có kết quả đo đường huyết chính xác nhất, hãy đảm bảo bạn sử dụng que thử mới, đúng loại, không dính bụi bẩn và kiểm tra ngày hết hạn sử dụng của que thử.

Người bệnh nên bảo quản que thử trong hộp kín, tránh ẩm mốc và giữ trong môi trường không quá 30 độ. Lưu ý vứt bỏ que thử và k.i.m lấy máu đã qua sử dụng bằng các biện pháp an toàn thích hợp.

2. Không vệ sinh tay trước khi đo đường huyết

Rửa tay sạch trước khi tự đo đường huyết là bước không thể thiếu để đảm bảo sự chính xác của kết quả. Vi khuẩn, bụi bẩn hoặc các chất khác trên tay có thể làm ảnh hưởng đến que thử, gây sai số và dẫn đến kết quả không chính xác.

Vậy nên, hãy luôn rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và lau khô tay bằng khăn sạch. Để chắc chắn, người bệnh nên sử dụng cồn để sát khuẩn các đầu ngón tay và để khô tự nhiên trước khi thực hiện quy trình đo đường huyết.

3. Chích đầu ngón tay

Việc chích vào đầu ngón tay không chỉ gây đau đớn hơn mà còn khiến máu ít chảy ra hơn. Đầu ngón tay có các đầu dây thần kinh và là điểm nhạy cảm trên cơ thể con người. Cách tốt nhất là bạn nên lấy ở mặt ngoài 2 bên của đầu các ngón tay, và hạn chế lấy máu ở ngón cái và ngón trỏ.

Thay vì lấy máu ở đầu ngón tay nên lấy ở mặt ngoài 2 bên của đầu các ngón tay, hạn chế lấy máu ở ngón cái và ngón trỏ

4. Cho máu vào que thử không đủ

Một sai lầm phổ biến nhất là không lấy đủ máu trên que thử. Việc không đưa đủ máu có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đo và gây sai lệch trong việc đánh giá mức đường huyết của bạn. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn cung cấp đủ lượng máu cho que thử để có kết quả chính xác.

5. Đo đường huyết quá sớm ngay sau ăn

Nhiều người thường kiểm tra lượng đường trong máu của họ quá sớm sau khi ăn, điều này có thể cho kết quả đường huyết quá cao. Đối với việc kiểm tra lượng đường trong máu, cần chờ khoảng 1-2 giờ sau khi hoàn thành bữa ăn. Lúc này, việc lấy mẫu máu sẽ cho kết quả chính xác hơn so với việc đo sau khi vừa ăn xong.

Nếu kết quả đo đường huyết sau ăn 2 giờ của bạn duy trì ở mức dưới 10mmol/l (180 mg/dl), đó là dấu hiệu tích cực cho thấy sức khỏe của bạn đang ổn định.

6. Không theo dõi kết quả kiểm tra

Một sai lầm đáng tiếc mà nhiều bệnh nhân mắc phải là không rút ra được gì từ kết quả xét nghiệm của mình. Khi hoàn thành bài kiểm tra lượng đường trong máu, người bệnh nên ghi lại kết quả và lưu ý những thứ có thể ảnh hưởng đến chỉ số đường máu của bản thân.

Nếu có hiện tượng hạ đường hay mức độ đường trong máu quá thấp hoặc quá cao, người bệnh nên nhanh chóng nói chuyện với bác sĩ để được xử trí hạ đường kịp thời cũng như xác định những thay đổi, điều chỉnh hợp lý đối với kế hoạch điều trị bệnh đái tháo đường chẳng hạn như tăng cường tập thể dục hoặc thay đổi chế độ ăn uống của chính mình.

Nhớ rằng, việc đo đường huyết tại nhà là một phương pháp hữu ích, nhưng việc thực hiện đúng quy trình sẽ đảm bảo tính chính xác và giúp bạn có cái nhìn đầy đủ về sức khỏe của mình. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ về kết quả đo đường huyết và tuân thủ hướng dẫn để đảm bảo sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bản thân.

Để được tư vấn các vấn đề liên quan, liên hệ ngay Hotline: 0944 225 115 hoặc đến thăm khám trực tiếp tại Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường FAMILY – Tầng 4, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng.