Nhồi máu cơ tim

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Tim là cơ quan có vai trò bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim được nuôi dưỡng từ 2 nhánh mạch máu chính là ĐM vành phải và ĐM vành trái.

Nhồi máu cơ tim (NMCT) xảy ra khi đột ngột tắc hoàn toàn hoặc 1 phần một trong hai nhánh mạch máu này hoặc cả hai nhánh.

Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện và tử vong hiện nay trên thế giới. Hơn 50% bệnh nhân NMCT cấp tử vong trong vòng một giờ đầu trước khi được đưa đến bệnh viện. 1/3 các trường hợp nhập viện trong bệnh cảnh hội chứng vành cấp là NMCT cấp có ST chênh lên. Nếu không được điều trị, 30% bệnh nhân sẽ tử vong nhưng nếu được điều trị, tỉ lệ tử vong giảm còn 6 – 10%; nếu có biến chứng cơ học thì tỉ lệ tử vong lên đến hơn 90%. Do đó, NMCT cấp là một bệnh cảnh cấp cứu cần được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, kịp thời.

2. Nguyên nhân:

NMCT cấp xảy ra khi có tình trạng giảm hoặc ngưng dòng chảy trong lòng động mạch vành một cách đột ngột do có huyết khối trong động mạch vành. Huyết khối này đa phần hình thành trên nền mảng xơ vữa trong lòng mạch vành hoặc hiếm khi từ nơi khác đến (huyết khối từ buồng tim). Khi mảng xơ vữa của động mạch vành trở nên mất ổn định (lớp vỏ bao bị rạn nứt, bị loét), tiểu cầu đang lưu thông trong máu sẽ đến bám dính vào lớp nội mạc bị tổn thương bên dưới mảng xơ vữa. Sau đó, qua quá trình kết tập tiểu cầu, hình thành cục huyết khối tiểu cầu gây hẹp nặng hơn nữa lòng mạch vành. Cuối cùng, sự tạo lập huyết khối đỏ giàu fibrin sẽ gây tắc hẳn động mạch vành thượng tâm mạc dẫn đến nhồi máu cơ tim xuyên thành.

Một số trường hợp khác gây tắc động mạch vành như: bất thường động mạch vành bẩm sinh, viêm động mạch vành, co thắt động mạch vành, tắc lỗ xuất phát của động mạch vành trong bệnh cảnh bóc tách gốc động mạch chủ.

3. Yếu tố nguy cơ và đối tượng nào dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim?

Yếu tố có thể thay đổi được:

  • Tuổi: Nguy cơ biến cố tim mạch tăng lên khi tuổi đời bạn cao hơn, hơn nửa số người bị đột quỵ có tuổi cao hơn 65t. Tất nhiên là bạn không thể giảm bớt tuổi đời của mình được nhưng việc ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý có thể làm chậm lại quá trình thoái hóa do tuổi gây nên.
  • Giới: Nam cao hơn nữ, tuy nhiên nữ giới tuổi cao, sau mãn kinh cũng có nguy cơ cao như nam giới
  • Yếu tố di truyền: Gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm (Nam trước 55t, nữ trước 65t)

Yếu tố không thể thay đổi được

  • Tăng huyết áp: Là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất. Tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng và là nguy cơ mạnh nhất gây các biến cố tim mạch.
  • Đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là ĐTĐ type 2 có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Những người ĐTĐ type 2 thường có nồng độ insulin trong máu cao và kèm theo tình trạng kháng insulin. ĐTĐ và đề kháng insulin làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng lắng đọng cholesterol vào mảng xơ vữa động mạch, thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.
  • Rối loạn lipid máu, tăng cholesterol, tăng triglycerid máu: Tăng hàm lượng các chất lipid trong máu rất thường gặp và là một trong những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được quan trọng bậc nhất của bệnh tim mạch.
  • Thừa cân, béo phì: béo phi càng nhiều thì khả năng xuất hiện các yếu tố tiền đề cho xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đtđ cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Ngoài chỉ số BMI (Tính dựa trên chiều cao và cân nặng) thì vòng bụng cũng là chỉ số quan trọng. Tốt nhất bạn nên giữ VB < 90cm (Nam giới), <75cm (nữ giới)
  • Hút thuốc lá: Là một yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quy, bệnh mạch máu ngoại vi, các bệnh về phổi như ung thư phổi và các bệnh lý khác. Hãy không hút thuốc lá khi bạn chưa hút và bỏ ngay nếu bạn đang hút.
  • Người ít vận động: Lối sống tĩnh tại được coi là nguy cơ của các nguy cơ tim mạch. Người ta chứng minh răng việc tập luyện thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim
  • Uống nhiều bia rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan và biến chứng thần kinh trung ương, rối loạn về tim mạch
  • Tai biến mạch máu não
  • Tiền sử tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh thận mạn hoặc tiền căn bệnh tự miễn

4. Triệu chứng nhồi máu cơ tim:

  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Đau thắt ngực: mức độ dao động từ nhẹ như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến nặng hơn là đau dữ dội giống dao đâm. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay, thời gian trên 20 phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, đỡ khi nghỉ ngơi.
  • Khó thở: có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực
  • Vã mồ hôi
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Buồn nôn và nôn
  • Tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp
  • Tay chân lạnh, ẩm
  • Kích thích, lo lắng, hoảng sợ
  • Ngất
  • Đột tử

5. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim

ABCDE: Các bước phòng ngừa bệnh lý tim mạch- nhồi máu cơ tim

  • Tuân thủ chế độ ăn và tập luyện thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa bệnh tim mạch.
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế bia rượu
  • Giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý
  • Kiểm soát được huyết áp, đường máu, mỡ máu
  • Khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn.

Tóm lại, nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong và là một tình trạng cấp cứu. Nếu được chẩn đoán sớm sẽ giúp cứu sống vùng cơ tim vị thiếu máu nuôi kịp thời, đồng thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và biến chứng lâu dài sau này. Do đó, hãy đến ngay với bác sĩ chuyên khoa khi có những dấu hiệu bệnh lý để được điều trị nhồi máu cơ tim tối ưu nhất.