Trầm cảm

  1. Bệnh trầm cảm là gì?

Trầm cảm là bệnh lý rối loạn tâm trạng dẫn đến cảm giác buồn bã và mất mát, gây ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, cách hành xử của người bệnh. Do đó, trầm cảm khiến cho cuộc sống của người mắc phải gặp nhiều khó khăn, thậm chí tạo ra những kết cục rất bi thảm: giết hại người thân, tự tử khi còn rất trẻ với tương lai rộng mở phía trước. 

Trầm cảm là căn bệnh rất phổ biến, các nghiên cứu cho biết có đến 10 – 15% dân số mắc chứng bệnh này vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Đặc biệt, tỉ lệ các đối tượng dưới 20 tuổi mắc trầm cảm đang tăng lên mỗi ngày. Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới.   

Trầm cảm là bệnh, cần phải được điều trị với các bác sỹ khoa tâm thần kinh. Tùy vào thể trạng bệnh nhân, bệnh cần trị liệu trong thời gian dài hoặc ngắn. Vì một cuộc sống tốt hơn, bản thân bệnh nhân và người thân cần có thái độ tích cực khi đối mặt với căn bệnh này.

  1. Dấu hiệu bệnh: 
  • Cảm thấy buồn bã, trống rỗng và tuyệt vọng.
  • Dễ khóc và hay bộc phát cơn tức giận, cáu kỉnh hoặc bực bội, ngay cả về những vấn đề nhỏ nhặt.
  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết các hoạt động bình thường, kể cả chuyện “chăn gối” hay sở thích thể thao…
  • Rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng trầm trọng nên dù là việc nhỏ nhặt nhất, người bị trầm cảm phải nỗ lực hơn người bình thường rất nhiều.
  • Giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn dẫn đến giảm hoặc tăng cân mất kiểm soát.
  • Hay lo lắng, kích động hoặc bồn chồn về cả những điều chưa xảy ra.
  • Suy nghĩ, nói và chuyển động cơ thể chậm lại.
  • Luôn có cảm giác mình là người vô dụng hoặc tự trách bản thân.
  • Luôn bi quan trong mọi việc
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết và có ý nghĩ hoặc cố gắng tự tử.
  • Xuất hiện một số vấn đề về thể chất như đau lưng hoặc đau đầu.

Những triệu chứng này khiến người trầm cảm không thể tiếp tục công việc, ngại đến trường học hoặc tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí né tránh các mối quan hệ xung quanh. Họ sống trong đau khổ và sự bất hạnh mà không thực sự biết lý do là gì.

  1. Tác hại của bệnh trầm cảm:

Trầm cảm gây ra rất nhiều những nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng rất khó lường trước:

  • Người bị bệnh trầm cảm thường xuyên mất ngủ khiến cho sức khỏe giảm sút, tinh thần trí tuệ kém minh mẫn, ảnh hưởng đến công việc và đời sống hằng ngày.
  • Trầm cảm khiến cho người bị bệnh có vấn đề với ăn uống, rối loạn về thèm ăn, lâu dài khiến cho suy nhược cơ thể nghiêm trọng
  • Trầm cảm khiến cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới công danh, sự nghiệp, thậm chí gây ra rạn nứt tình cảm gia đình.
  • Trầm cảm khiến bệnh nhân luôn bị cảm giác bi quan, suy nghĩ thiếu tích cực, mất cảm hứng với các hoạt động cơ bản bao gồm cả công việc tại cơ quan hay công việc gia đình. 
  • Trầm cảm trong diễn biến xấu nhất có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát, hoặc giết người.
  • Trầm cảm là yếu tố khiến cho các bệnh lý khác trở nên trầm trọng, phức tạp, khó điều trị hơn như: tim mạch, dạ dày, tuyến giáp…
  1. Đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm:

Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai và là tình trạng phổ biến ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là từ tuổi vị thành niên đến trung niên.

  • Thanh thiếu niên: Trẻ em trong giai đoạn dậy thì thường có những biến đổi về sinh lý và tâm lý cũng như áp lực từ việc học tập, thi cử kéo dài. Nếu không có sự quan tâm và hướng dẫn của những người xung quanh, trẻ rất dễ mắc bệnh trầm cảm.
  • Người gặp sang chấn tâm lý: Những cú sốc hoặc biến cố đột ngột và nghiêm trọng rất dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm, chẳng hạn như người thân qua đời, phá sản, nợ nần, bị lừa đảo, tình cảm đổ vỡ, li dị, bất đồng với con cái.
  • Phụ nữ sau sinh: Sự thay đổi về hormone, cơ thể, lối sống khiến phụ nữ giai đoạn này trở nên nhạy cảm và làm tăng nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
  • Bệnh nhân: Những người đang điều trị bệnh lý, đặc biệt là những bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến mạng sống như ung thư, tai nạn, tai biến, cắt bỏ các bộ phận rất dễ bị trầm cảm. Một số bệnh lý liên quan đến thẩm mỹ hoặc bệnh “khó nói” như giang mai, lậu cũng khiến người bệnh rơi vào tự ti kéo dài và dẫn đến trầm cảm.
  • Người thường xuyên gặp căng thẳng, áp lực: Việc đối diện thường xuyên với stress trong công việc, cuộc sống, mất cân bằng kinh tế và các mối quan hệ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm. Nhóm đối tượng này ngày càng gia tăng do những áp lực trong cuộc sống hiện đại.
  • Người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích: Đây cũng là nhóm đối tượng dễ mắc trầm cảm nếu sử dụng các chất khiến thần kinh căng thẳng trong thời gian dài.
  1. Phương pháp điều trị trầm cảm

Phương pháp điều trị trầm cảm bao gồm dùng thuốc hoặc dùng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai liệu pháp. Nếu các phương pháp điều trị này không làm giảm các triệu chứng, liệu pháp trị liệu bằng sốc điện (ECT) và các liệu pháp kích thích não khác có thể là một lựa chọn.

– Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc phổ biến bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế monoamine oxidase, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và thuốc chống trầm cảm không điển hình. Liều lượng và thời gian điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

– Điều trị tâm lý: Trị liệu tâm lý là một phương pháp chữa trị trầm cảm được coi là hiệu quả trong xã hội hiện đại. Việc trị liệu tâm lý không chỉ giúp bệnh nhân hồi phục từ trầm cảm và thoát khỏi sự phiền nhiễu, mà còn là một hành trình giúp họ hiểu thêm về bản thân, tăng cường tự tin và thích nghi với cuộc sống. 

Các phương pháp điều trị tâm lý sau đây để điều trị trầm cảm ẩn mang lại hiệu quả cao:

  • Thiền định
  • Yoga
  • Nghe âm thanh từ chuông xoay Tây Tạng
  • Tham gia các lớp học chữa lành
  • Nghe nhạc chữa lành
  • Thư giãn để cải thiện sức khỏe tinh thần.