7 nghề nghiệp dễ bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

Suy tĩnh mạch mặc dù có thể xảy ra ở bất kỳ vùng tĩnh mạch nào trên cơ thể,…tuy nhiên là bệnh thường xảy ra nhất là ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch ở vị trí này dài, cấu tạo phức tạp và thường phải chịu áp lực lớn.

Theo thống kê tại các bệnh viện lớn trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới chiếm đến 70% trong tổng số người mắc bệnh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thường là người có cân nặng lớn, công việc phải đứng và đi lại nhiều hoặc phải làm việc lâu dài trong môi trường nóng bức. 

Dưới đây là 7 nghề nghiệp dễ bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nhất:

1. Công nhân đứng ca, công nhân trong các nhà máy xí nghiệp 

Đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân cao nhất hiện tại bởi tính chất công việc cần phải làm việc liên tục trong nhiều giờ và ít di chuyển như: công nhân may, công nhân giày da, công nhân thủy sản,… Nhất là đối với những công nhân làm việc theo ca từ 8 tiếng đến 10 tiếng, phải đứng hay ngồi liên tục suốt ca khiến chân dễ bị phù nề, tê bì và rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch.

 2. Bác sĩ phẫu thuật

Tại sao bác sĩ lại là đối tượng dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân? Điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng…
Một ca mổ kéo dài đến vài tiếng là chuyện bình thường. Một ngày trung bình bác sỹ phẫu thuật tham gia khoảng 3 ca mổ, sẽ phải đứng từ 6 tiếng đến 10 tiếng; nếu gặp ca khó, cấp cứu nặng thì bác sĩ phẫu thuật có thể phải đứng liên tục 6 giờ liền ở các phòng mổ trong bệnh viện…chính vì thế nguy cơ suy tĩnh mạch của bác sỹ phẫu thuật chỉ đứng thứ hai sau công nhân đứng ca.

3. Giáo viên

Giáo viên là người phải đứng giảng nhiều giờ, phải nói liên tục mỗi ngày và cũng là nghề nghiệp dễ bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Do đó, trong khi giảng nên cố gắng tự tạo cho mình cơ hội đi lại trong lớp học để tăng vận động bắp chân. Ngoài ra, cần vận động bằng cách tập thể dục thêm khi về nhà để hạn chế tối đa nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân.

4. Nhân viên văn phòng

Đối tượng này có nguy cơ cao bị mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân vì phải ngồi suốt ngày bên máy vi tính. Đây là hình ảnh thường gặp của nhân viên văn phòng, từ giám đốc, tới trưởng phòng và các nhân viên văn phòng đều có nguy cơ suy tĩnh mạch do tính chất công việc gây ra.

5. Công an, cảnh sát giao thông, cảnh vệ, bảo vệ

Cảnh sát giao thông, công an hay cảnh vệ, bảo vệ,…với yêu cầu công việc phải đứng trong suốt ca trực và gần như không có cơ hội ngồi nghỉ. Chính vì vậy đây cũng là đối tượng nguy cơ cao của suy giãn tĩnh mạch.

6. Tài xế

Đây là đối tượng luôn phải ngồi sau tay lái, dù là tài xế chạy xe đường dài hay tài xế taxi nội thành… đôi chân ít vận động cộng thêm việc tập trung quan sát, suy nghĩ, và xử lý tình huống khiến tài xế không tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh.

7. Những nghề tiếp xúc với môi trường nóng

Đứng lò rèn, đứng lò tráng bánh, đi trên cát,…sẽ làm nóng đôi chân của bạn. Hơi nóng đó làm cho tĩnh mạch bị dãn và làm suy van tĩnh mạch. Vì vậy, bạn nên làm mát đôi chân bằng nước mỗi khi có thể hoặc dùng vật cách nhiệt che chắn để ngăn chặn ảnh hưởng của hơi nóng.

Những người thuộc nhóm bảy nghề nghiệp trên trong khoảng thời gian kéo dài, từ năm này qua năm nọ, thậm chí cả đời… là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch. Cùng với quá trình lão hóa làm giảm khối lượng cơ bắp chân, nhão cơ, teo cơ… làm cho bệnh phát triển theo thời gian.

Để giảm tác động này, cần duy trì cân nặng ở mức ổn định, kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện tăng cường tuần hoàn máu, ngưng hút thuốc, ngưng uống rượu bia, hạn chế đi giày cao gót và có thể cân nhắc dùng vớ y khoa để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

  1. http://benhvienvietduc.org/nhung-ai-co-nguy-co-mac-suy-gian-tinh-mach-chi-duoi.html
  2. https://nld.com.vn/suc-khoe/bac-si-diem-danh-nhung-nghe-de-mac-benh-suy-gian-tinh-mach-chi-20201128155132234.htm
  3. Chủ Thị Ngọc Mai (2018), Những nghề nghiệp dễ bị mắc bệnh suy dãn tĩnh mạch chân
    https://duocchilong.com.vn/blogs/benh-gian-tinh-mach/11-nghe-nghiep-de-bi-mac-benh-suy-gian-tinh-mach-chan