Vừa qua, tại Hội nghị khoa học Bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ XI năm 2022 được tổ chức bởi Hội nội tiết Đái tháo đường Việt Nam. Đại diện Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family, Bác sỹ Tư vấn chuyên nghiệp Lê Thanh Nhàn đã báo cáo đề tài nghiên cứu về “Lo âu, căng thẳng, buồn phiền ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú trong đại dịch COVID- 19 bằng thang điểm SAVE- 6 và DDS- 2”
Hội nghị khoa học Bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ XI năm 2022 với sự tham gia của 1.100 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trường đại học y dược trong cả nước. Là sự kiện khoa học phong phú, cập nhật nhiều vấn đề mới với những thành tựu cũng như thách thức trong lĩnh vực nội tiết và chuyển hóa. Trong hội nghị đã có hơn 150 bài tổng quan và đề tài nghiên cứu khoa học được trình bày bởi các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chuyên gia đầu ngành về bệnh lý nội tiết chuyển hoá. Tham gia Hội nghị lần này, Bác sỹ Tư vấn chuyên nghiệp Lê Thanh Nhàn đã báo cáo đề tài nghiên cứu về “Lo âu, căng thẳng, buồn phiền ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú trong đại dịch COVID- 19 bằng thang điểm SAVE- 6 và DDS- 2”
BS TVCN Lê Thanh Nhàn báo cáo tại Hội nghị
Đái tháo đường là bệnh lý không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) năm 2019, toàn thế giới có 463 triệu người mắc, tỉ lệ hiện mắc là 8,3%; dự kiến 2030 số người mắc bệnh tăng lên hơn 578 triệu người. Trong đó, bệnh ĐTĐ type 2 là phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% tổng số bệnh nhân.
Điều trị ĐTĐ type 2 là một quá trình kéo dài, bên cạnh sử dụng thuốc, các biện pháp can thiệp lối sống, dinh dưỡng, tự theo dõi đóng vai trò quan trọng. Những yếu tố này có thể tác động đến chất lượng cuộc sống và cảm xúc, tâm lý của người bệnh. Đại dịch Covid 19 diễn ra, gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến đời sống kinh tế – xã hội và sức khỏe, tính mạng con người; đặc biệt đối với người ĐTĐ. Người mắc ĐTĐ nhiễm Covid có tỷ lệ biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn so với người bình thường. Ở người ĐTĐ không mắc COVID-19, các nghiên cứu cũng cho thấy thói quen ăn uống, hoạt động, lối sống và tâm lý của người bệnh bị ảnh hưởng. Các rối loạn tâm lý lo âu, stress và trầm cảm là trạng thái cảm xúc tiêu cực mà người bệnh ĐTĐ trải qua trong dại dịch Covid. Những yếu tố này tác động làm ảnh hưởng thậm chí thay đổi hiệu quả điều trị bệnh.
Để có cái nhìn toàn diện, rõ ràng hơn về tình trạng này, Bác sỹ Tư vấn chuyên nghiệp Lê Thanh Nhàn, Trung tâm Nội tiết Đái tháo đường Family đã thực hiện đề tài nghiên cứu về “Lo âu, căng thẳng, buồn phiền ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú trong đại dịch COVID- 19 bằng thang điểm SAVE- 6 và DDS- 2”. Đề tài được thực hiện trong khoảng tháng 08-12/2021, thời điểm dịch Covid bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Thông qua thang điểm SAVE- 6 và DDS- 2, cho thấy tình trạng lo âu, căng thẳng do đại dịch chỉ gặp ở khoảng ¼ số người mắc ĐTĐ. Trong khi đó, tình trạng buồn phiền do ĐTĐ tăng lên đến 63% so với trước đây.
Tại Hội nghị, đề tài đã nhận được rất nhiều ý kiến, đóng góp tích cực từ các chuyên gia, bác sỹ trong lĩnh vực nội tiết, chuyển hoá. Đây là tiền đề để bác sỹ tiếp tục phát triển nghiên cứu, mang đến những giải pháp thiết thực hơn giúp giảm thiểu tình trạng lo âu, căng thẳng, tạo điều kiện cho người bệnh duy trì những thói quen tích cực, cải thiện được cảm xúc, tâm trạng và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.