Các yếu tố nguy cơ và dự phòng suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới

1. Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là gì?

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể  kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.

Giãn tĩnh mạch chi dưới

Giãn tĩnh mạch (Varice,varicose): Là biến đổi bất thường về giải phẫu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông.

2. Đặc điểm dịch tễ học của bệnh

Bệnh suy tĩnh mạch là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến, theo số liệu từ chương trình nghiên cứu VCP (Vein Consult Program) cho thấy trên thế giới có 80% số bệnh nhân tại phòng khám bị suy tĩnh mạch mạn tính, con số này ở Việt Nam là 62%. Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ chứng giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến hơn 25 triệu người trưởng thành và hơn 6 triệu người mắc bệnh tĩnh mạch tiến triển, ở Pháp có 18 triệu người bị suy tĩnh mạch chi dưới, trong đó có 10 triệu người bị giãn tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch có tỷ lệ phổ biến ước tính từ 5% đến 30% ở dân số trưởng thành, với tỷ lệ nữ: nam chiếm ưu thế 3:1. Bệnh suy tĩnh mạch tạo ra gánh nặng lớn về sức khoẻ và kinh tế cho xã hội. Ở Pháp, ước tính kinh phí điều trị suy tĩnh mạch chiếm khoảng 2,6% tổng chi phí của ngành y tế, tại Hoa Kỳ hàng năm chi phí điều trị cho loét mạn tính do nguyên nhân tĩnh mạch chiếm khoảng 1 tỷ USD.

3. Nguyên nhân gây ra suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới

3.1. Nguyên nhân tiên phát

  • Giãn tĩnh mạch vô căn: do bất thường về mặt di truyền hoặc huyết động của hệ tĩnh mạch nông gây ra.
  • Suy tĩnh mạch sâu tiên phát: do bất thường về giải phẫu như bờ tự do của van quá dài, gây sa van hay giãn vòng van.

3.2. Nguyên nhân thứ phát

  • Hội chứng hậu huyết khối.
  • Dị sản tĩnh mạch: là tình trạng thiếu hụt hoặc thiểu sản van tĩnh mạch (nông hay sâu) bẩm sinh, dị sản tĩnh mạch có hoặc không kèm theo rò động – tĩnh mạch.
  • Do chèn ép như khối u, hội chứng Cockett.
  • Bị chèn ép về huyết động như có thai, chơi thể thao.

4. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch mạn tính chi dưới

Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
  • Giãn tĩnh mạch hoặc tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch.
  • Béo phì.
  • Thai kỳ.
  • Không hoạt động.
  • Hút thuốc.
  • Thời gian đứng hoặc ngồi kéo dài.
  • Giới tính nữ.
  • Tuổi trên 50.

5. Biểu hiện lâm sàng của suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện:

  • Đau chân, nặng chân, đôi khi chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường.
  • Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều.
  • Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
  • Nhiều mạch máu nhỏ li ti ở vùng chân (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân).
    Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua. Tuy nhiên khi suy tĩnh mạch chi dưới tiến triển, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải đến gặp bác sỹ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của suy tĩnh mạch từ giai đoạn sớm. Tình trạng suy tĩnh mạch nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, người bệnh sẽ càng có cơ hội ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Các biểu hiện của suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới bao gồm:

  • Sưng ở cẳng chân và mắt cá chân, đặc biệt là sau khi đứng lâu.
  • Đau hoặc mỏi chân.
  • Suy giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới da.
  • Da chân biến đổi màu sắc, dễ kích ứng.
  • Bong hoặc ngứa da ở chân hoặc bàn chân.
  • Loét ứ (hoặc loét ứ tĩnh mạch).
Loét chân nguồn gốc tĩnh mạch

Nếu suy tĩnh mạch không được điều trị, các mạch máu nhỏ nhất ở chân (mao mạch) vỡ ra. Khi điều này xảy ra, lớp da chân bị sưng tấy và rất dễ bị tổn thương nếu bị va đập hoặc trầy xước.

Các mao mạch vỡ có thể gây viêm mô cục bộ và tổn thương mô bên trong. Nếu tình trạng tổn thương tiến triển nặng sẽ dẫn đến các vết loét hở trên bề mặt da. Những vết loét do ứ trệ tĩnh mạch này thường khó lành và có thể bị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng không được kiểm soát, nó có thể lây lan sang các mô xung quanh, gây ra tình trạng viêm mô tế bào.

Suy tĩnh mạch mạn tính thường gặp biểu hiện giãn tĩnh mạch, là những tĩnh mạch bị xoắn, ngoằn ngoèo phình ra gần với bề mặt da.

6. Các cận lâm sàng chẩn đoán suy tĩnh mạch mạn tính

Trước tiên, bác sỹ sẽ khảo sát tình trạng sức khỏe, bệnh sử và triệu chứng, sau đó thăm khám lâm sàng và các nghiệm pháp để chẩn đoán suy tĩnh mạch sẽ được tiến hành. Bác sỹ có thể dùng dây ga-rô hay dùng tay nhấn trực tiếp vào tĩnh mạch để xem khả năng lấp đầy máu của tĩnh mạch.

Để xác định chẩn đoán giãn tĩnh mạch, bác sỹ có thể chỉ định siêu âm Doppler để đo tốc độ của lưu lượng máu và khảo sát cấu trúc của tĩnh mạch chân. Ngoài việc phát hiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch, siêu âm Doppler còn giúp xác định nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch do các bệnh lý khác ngoài tĩnh mạch.

7. Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch

Các bác sỹ sẽ cân nhắc một số yếu tố trước khi quyết định liệu trình điều trị phù hợp từng đối tượng bệnh nhân. Một số yếu tố này bao gồm nguyên nhân và triệu chứng của suy tĩnh mạch, phân độ suy tĩnh mạch, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người đó.

Hiện nay, các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch mãn tính bao gồm: sử dụng thuốc, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp ít xâm lấn và điều trị phẫu thuật.

7.1. Các nhóm thuốc

Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch như daflon, rutin C, veinamitol,… nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch.

7.2. Các biện pháp hỗ trợ

Người bệnh có thể giảm các triệu chứng của suy tĩnh mạch tại nhà bằng các phương pháp sau:

– Mang tất áp lực: là loại tất đàn hồi đặc biệt có tác dụng tạo áp lực lên cẳng chân và bàn chân. Tất áp lực giúp giảm sưng và cải thiện lưu lượng máu.
– Kê chân cao khi nằm nghỉ: nâng chân cao hơn tim. Điều này giúp làm tăng lưu lượng máu từ chi dưới đổ về tim
– Vệ sinh tốt vùng da chi dưới. Những người bị suy tĩnh mạch có thể mắc các vấn đề về da, chẳng hạn như viêm da, viêm mô tế bào hoặc bệnh teo da. Người bệnh suy tĩnh mạch có thể chăm sóc da bằng các phương pháp sau:
+ Giữ ẩm để da không bị khô hoặc bong tróc.
+ Tẩy tế bào chết thường xuyên để loại bỏ tế bào da chết.
+ Bôi thuốc mỡ tại chỗ theo hướng dẫn của bác sỹ.

7.3. Can thiệp ít xâm lấn

– Tiêm xơ, trong liệu pháp xơ hoá này, bác sỹ sẽ tiêm một chất lỏng hoặc dung dịch bọt vào tĩnh mạch bị tổn thương. Các tĩnh mạch phản ứng với dung dịch và phình ra, sau đó bị phá huỷ.

– Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần: là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra bởi sự ma sát của các ion trong mô nhằm mục đích loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch hiển lớn. Phương pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch độ 2 trở lên theo phân độ CEAP, điều trị nội khoa không cải thiện.

– Liệu pháp laser là một thủ thuật tương đối mới, trong đó bác sỹ sử dụng tia laser để đóng các tĩnh mạch bị tổn thương.

7.4. Điều trị phẫu thuật

Những người bị suy tĩnh mạch nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật. Một số quy trình phẫu thuật điều trị suy tĩnh mạch bao gồm:

  • Sửa chữa các tĩnh mạch hoặc van bị hỏng.
  • Rút hoặc loại bỏ các tĩnh mạch bị hư hỏng.
  • Stent để mở rộng tĩnh mạch.
  • Thắt tĩnh mạch giãn.

8. Các phương pháp phòng bệnh suy tĩnh mạch

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tĩnh mạch có liên quan đến lối sống của người bệnh. Vì vậy để có thể can thiệp, giảm nguy cơ phát triển suy tĩnh mạch biện pháp cần thiết là phải điều chỉnh lối sống bằng các biện pháp:

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh đi giày cao gót.
  • Tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
  • Tránh mặc các loại quần áo chật quá bó sát.
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối.
  • Tránh hút thuốc lá.
Luyện tập thể thao và duy trì cân nặng hợp lý là một trong những biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch

9. Tóm lại

Suy tĩnh mạch là một tình trạng phổ biến. Các triệu chứng ban đầu của suy tĩnh mạch thường mờ nhạt, khó nhận biết như nặng chân, đau nhức chân. Nếu không được điều trị, suy tĩnh mạch có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe trầm trọng, chẳng hạn như viêm da, loét tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch mạn tính.

Điều trị suy tĩnh mạch khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tiền sử bệnh của cá nhân và tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như nguyên nhân của tình trạng này.

Các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Những người đã bị suy tĩnh mạch cần được chăm sóc liên tục ngay cả sau khi điều trị thành công, vì tình trạng này thường xuất hiện trở lại nếu như các yếu tố nguy cơ vẫn còn tồn tại và chưa được quản lý tốt.

ThS.BS. Hoàng Thị Bích Ngọc
Trung tâm Nội Tiết – Đái tháo đường Family

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Eberhardt RT, Raffetto JD (2014). Chronic venous insufficiency. Circulation. 130 (4):333-46.
  2. Matic M, Matic A, Djuran V, Gajinov Z, Prcic S, Golusin Z.(2016) Frequency of Peripheral Arterial Disease in Patients With Chronic Venous Insufficiency. Iran Red Crescent Med J. (1):e20781.
  3. McLafferty RB, Passman MA, Caprini JA, Rooke TW, Markwell SA, Lohr JM, Meissner MH, Eklöf BG, Wakefield TW, Dalsing MC (2008). Increasing awareness about venous disease: the American Venous Forum expands the National Venous Screening Program.J Vasc Surg. ; 48:394–399.
  4. Raffetto J, Eberhardt RT (2010). Chronic venous disorders: general considerations. In: , Cronenwett JL, Johnston KW, eds. Rutheford’s Textbook of Vascular Surgery, 7th Edition. Philadelphia, PA: Saunders-Elsevier; 831–843.