Đái tháo đường và các biến chứng

Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Đa phần người mắc bệnh lý này chỉ phát hiện ra khi xảy ra các biến chứng do đường máu tăng cao kéo dài gây ra tại các cơ quan như: tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu.

Biến chứng đái tháo đường được chia làm hai loại chính: mãn tính và cấp tính.

I. Biến chứng mãn tính

Biến chứng mãn tính do tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt ở những người không kiểm soát tốt đường huyết. Cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo, từ đó làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.

1. Biến chứng ở mắt

Đường huyết cao khiến cho hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Dần dần, thị lực của người mắc đái tháo đường sẽ bị suy giảm hoặc tệ hơn, có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài biến chứng gây tổn thương võng mạc, bệnh đái tháo đường còn gây ra bệnh glaucoma hay còn gọi là tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

2. Biến chứng thận

Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó làm suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận. Điều trị đái tháo đường ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết còn nhằm mục đích làm chậm tiến triển của suy thận. Nếu người bệnh đái tháo đường có kèm theo bệnh tăng huyết áp thì cần phải phối hợp thật tốt trong việc điều trị huyết áp và đái tháo đường vì có một số thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng làm giảm sự tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường.

3. Biến chứng tim mạch

Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường. Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Bệnh đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não 1,5 – 2 lần, gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành từ 2 – 4 lần và tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới 5 – 10 lần.

4. Biến chứng thần kinh

Đây là biến chứng xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của bệnh đái tháo đường, bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi… Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương, và nhiều chức năng khác.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường gần như là một lời “tiên đoán” cho bệnh sa sút trí tuệ, với sự hiện diện của gene APOE4. Thậm chí, các vấn đề về giảm sự chú ý và trí nhớ có thể xảy ra ngay cả ở những người bệnh tiểu đường dưới 50 tuổi.

Các số liệu, thông tin cập nhật nhất liên quan đến tình trạng sa sút trí tuệ đối với bệnh nhân đái tháo đường sẽ được báo cáo và thảo luận tại Hội nghị Nội tiết – Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa miền Trung và Tây Nguyên mở rộng, ngày 27 và 28/4/2018 tại Đà Nẵng.

II. Biến chứng cấp tính

Biến chứng cấp tính của đái tháo đường có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng sau

1. Biến chứng hạ đường huyết

Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường huyết trong máu dưới 3,6mmol/l và hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều bị hạ đường huyết. Kết quả là người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như vã mồ hôi, mệt mỏi, nhịp tim tăng, đói cồn cào, bủn rủn chân tay, choáng… nặng hơn có thể lên cơn co giật và dần mất ý thức.

2. Biến chứng nhiễm toan ceton và hôn mê do nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton là tình trạng nhiễm toan do tăng sản xuất và tích tụ các thể ceton trong máu xảy ra khi có thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối, đi kèm theo tăng đường máu và mất nước. Nhiễm toan ceton nặng dẫn đến hôn mê nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton chủ yếu gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 hơn là đái tháo đường type 2.

3. Biến chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu là tình trạng tăng áp lực thẩm thấu xảy ra do tăng đường máu rất cao kèm theo tình trạng mất nước nặng, không có nhiễm toan ceton hoặc nhiễm toan ceton rất nhẹ. Tăng áp lực thẩm thấu nặng dẫn đến hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu.

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu thường xảy ra nhiều hơn ở đái tháo đường týp 2 so với týp 1 với nồng độ đường huyết có thể lên đến hơn 40mmol/l (720mg/dL). Tình trạng này làm cho lượng nước bị thiếu hụt trầm trọng, từ đó làm gia tăng áp lực thẩm thấu trong máu có thể kèm theo nhiễm toan ceton hoặc là không. Các triệu chứng của bệnh cũng rất nghiêm trọng và đa dạng, có thể diễn tiến chậm dần với các biểu hiện không rõ ràng giống các dấu hiệu khi xuất hiện bệnh tiểu đường, như sút cân nhanh, đái nhiều, … Khi bệnh tiến triển ngày một nặng dần các triệu chứng sẽ trở nên “rầm rộ” hơn, bao gồm mắt lờ đờ, ngủ gà, yếu chi, co giật… nếu nặng có thể dẫn tới hôn mê.