Chăm sóc, theo dõi tại nhà cho bệnh nhân tăng huyết áp trong thai kì

Tăng huyết áp là vấn đề nội khoa thường gặp nhất trong thai kì. Hiện nay, có khoảng 15% phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp, trong đó có 25% trường hợp sinh non do bệnh.Tăng huyết áp thai kì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong cho sản phụ và cả thai nhi. Vì vậy cần được phát hiện, kiểm soát và điều trị kịp thời.

1. Tăng huyết áp thai kì là gì?
– Định nghĩa tăng huyết áp trong thai kì dựa vào trị số huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg, phân loại thành mức độ nhẹ (140-159/90-109 mmHg) hoặc nặng (≥160/110 mmHg).
– Các thể lâm sàng của tăng huyết áp trong thai kì gồm:
+ Tăng huyết áp mạn tính: xuất hiện trước thai kỳ hoặc trước tuần 20 của thai kì và tình trạng này kéo dài hơn 42 ngày sau khi sinh.
+ Tăng huyết áp thai kì: xuất hiện sau tuần 20 của thai kì và thường hồi phục trong vòng 42 ngày sau sinh và không kèm theo tiểu đạm.
+ Tiền sản giật và sản giật: tăng huyết áp được phát hiện tại tuần thứ 20 của thai kì và kéo dài hơn 42 ngày sau sinh đi kèm theo với tiểu đạm ý nghĩa [>0,3g/24 giờ hoặc tỉ số albumin: creatinin niệu (ACR) ≥ 30mg/mmol].
+ Tăng huyết áp mạn tính cộng với tăng huyết áp thai kì kèm tiểu đạm.
+ Tăng huyết áp không phân loại được trước sinh: thuật ngữ này được sử dụng khi huyết áp được đo lần đầu sau tuần 20 của thai kỳ và tăng huyết áp được chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần được đánh giá lại sau 42 ngày hậu sản.

2. Biến chứng của tăng huyết áp thai kì
Tăng huyết áp thai kì có thể gây những biến chứng nặng nề đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
– Đối với mẹ: rau bong non trong thai kì, suy thận, suy chức năng gan, các chức năng đông máu, suy đa tạng hoặc thậm chí gây tử vong mẹ.
– Đối với thai nhi: chậm phát triển trong buồng tử cung, thai non tháng, thai lưu trên các bệnh nhân tiền sản giật.

3. Những yếu tố nguy cơ tiền sản giật
– Nguy cơ cao tiền sản giật bao gồm bất kỳ yếu tố sau:
+ Tiền sử tăng huyết áp trong lần mang thai trước đây
+ Tiền sử tiền sản giật trong lần mang thai trước đây
+Tăng huyết áp mạn tính
+ Bệnh thận mạn, đái tháo đường
+Bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống hoặc hội chứng kháng phospholipid
– Nguy cơ trung bình tiền sản giật gồm nhiều hơn một trong các yếu tố sau:
+ Mang thai lần đầu
+ Tuổi mang thai quá trẻ hoặc quá lớn
+ Khoảng cách mang thai > 10 năm
+ Tiền sử gia đình có tiền sản giật
+ Đa thai, thai trứng
+Béo phì, BMI > 30kg/m²
+ Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản
+Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

4. Kế hoạch chăm sóc và theo dõi tại nhà cho thai phụ
4.1. Trong thời gian mang thai
– Theo dõi các triệu chứng gợi ý tăng huyết áp như
(Các thai phụ thường phát hiện tăng huyết áp khi đo sinh hiệu tại phòng khám mà không có triệu chứng, một số khác có triệu chứng gợi ý.)
+ Đau đầu
+ Phù
+ Tăng cân đột ngột
+Chóng mặt, hoa mắt
+ Buồn nôn hoặc nôn
+ Đau thượng vị hoặc hạ sườn phải
+ Đi tiểu ít
– Sản phụ cần đi khám thai định kì: để được đo huyết áp, tầm soát các yếu tố nguy cơ. Ngay khi tình cờ đo huyết áp phát hiện huyết áp cao, hoặc xuất hiện các triệu chứng kể trên thì sản phụ cần đến gặp bác sĩ Sản khoa và Tim mạch để đánh giá tình trạng thai nhi và sức khỏe của mẹ để được bác sĩ lên kế hoạch tiến hành các cận lâm sàng kiểm tra cần thiết. Các xét nghiệm cơ bản bao gồm xét nghiệm máu (công thức máu, men gan, creatinine, acid urid,…), xét nghiệm nước tiểu (nước tiểu 10 thông số, protein niệu,…) siêu âm tim, điện tim,…hoặc các cận lâm sàng khác như siêu âm tuyến thượng thận, siêu âm Doppler động mạch tử cung.
– Chuẩn bị một máy đo huyết áp tại nhà là rất quan trọng
+Theo dõi huyết áp hằng ngày, ngày 2 lần sáng – tối hoặc khi có biểu hiện bất thường như đau đầu, chóng mặt,…
+ Liên hệ với bs hoặc sđt hotline Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường (0944225115) để gửi kết quả huyết áp tại nhà (3 ngày/ lần hoặc khi huyết áp tăng ≥150/100 mmHg)
– Tuân thủ liệu trình dùng thuốc của bác sĩ (nếu có), báo lại khi có một số bất thường: có thể do tác dụng phụ của thuốc huyết áp như hạ huyết áp tư thế gây chóng mặt, choáng váng hoặc dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa,…
– Dưới đây là một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp được dùng cho phụ nữ mang thai (vì các thành phần của chúng đều an toàn, không gây tác dụng phụ cho thai phụ và thai nhi):
+ Methyldopa (aldomet) nhóm ức chế giao cảm: là loại thuốc cao huyết áp tác động lên hệ thần kinh trung ương, được chỉ định điều trị cao huyết áp cho phụ nữ mang thai vì không tác động tiêu cực lên sự phân bố mạch máu tử cung – nhau thai và phôi thai.
+ Labetalol (trandate) : là thuốc cao huyết áp chẹn và ức chế thụ thể ở mạch ngoại vi, giúp làm giảm sức cản ngoại vi, làm hạ huyết áp.
+ Nhóm chẹn kênh calci: làm hạ huyết áp nhanh nên có những tác dụng phụ như chóng mặt, choáng, mệt mỏi, huyết áp thấp.
+ Hydralazin (Apresoline): là thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi, có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt ở những thai phụ bị cao huyết áp nặng và tiền sản giật. Ở phụ nữ mang thai nên dùng thuốc Hydralazin trị cao huyết áp dưới dạng tiêm qua đường tĩnh mạch.
– Các loại thuốc cao huyết áp thuộc các nhóm dưới đây được khuyến cáo không sử dụng để điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai:
Nguyên nhân vì các thuốc này khi vào cơ thể sẽ qua nhau thai gây hại cho thai nhi như gây hạ huyết áp, suy thận, vô niệu,…thậm chí dị tật bẩm sinh hay tử vong thai.
+ Nhóm thuốc lợi tiểu (furosemid, hydroclorothiazid)
+Nhóm chẹn beta (atenolol)
+ Nhóm ức chế men chuyển (captopril, lisinopril, enalapril)
+ Nhóm đối kháng với thụ thể angiotensin II (telmisartan, losartan,…)
– Phụ nữ có nguy cơ cao hoặc trung bình tiền sản giật nên được tư vấn sử dụng Aspirin: liều dùng100-150mg mỗi ngày từ tuần 12 đến đến tuần thứ 36-37. Chưa có bằng chứng cho thấy có tác hại nào từ việc sử dụng Aspirin liều thấp hàng ngày ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cũng như đối với bất kì loại thuốc nào khác, trước khi sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày các thai phụ cần tham vấn và được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
– Tuân chủ chế độ ăn, vận động đã được bác sĩ dinh dưỡng hướng dẫn:
+ Hạn chế hoạt động thể lực, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập yoga cho mẹ bâu, ngồi thiền hoặc làm các công việc nhà vừa phải,…tránh lo lắng, căng thẳng, thức khuya.
+ Chế độ ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, không cần hạn chế muối, đặc biệt thai phụ sắp sinh vì giảm muối có thể gây giảm thể tích lòng mạch
+ Cung cấp canxi từ 1500 – 2000mg/ ngày
+ Dầu cá, vitamin không có vai trò trong phòng ngừa THA ở phụ nữ có thai
+ Tránh khói thuốc lá, không sử dụng rượu bia, chất kích thích.
– Theo dõi cân nặng hằng tuần, tình trạng phù của thai phụ:
+ Không khuyến cáo giảm cân trong khi mang thai kể cả người béo phì vì có thể giảm cân nặng ở thai nhi và chậm phát triển ở trẻ sau này.
+ Tăng cân đủ tiêu chuẩn, phụ nữ béo phì được khuyến cáo tránh tăng quá 6.8 kg trong thai kì
4.2 . Sau khi sinh
Tăng huyết áp thai kì có thể tiếp diễn sau sinh và phục hồi trong vòng 42 ngày sau sinh vì vậy thai phụ vẫn nên theo dõi và tiếp tục liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
– Tiếp tục theo dõi huyết áp tại nhà 2 lần sáng – tối hoặc khi có những biểu hiện bất thường
– Liên hệ với bác sĩ hoặc sđt hotline Trung tâm Nội tiết – ĐTĐ để gửi kết quả đo huyết áp tại nhà
– Tuân thủ liệu trình dùng thuốc của bác sĩ nếu có:
+ Methyldopa nên được tránh sử dụng vì nguy cơ trầm cảm sau sinh
+ Tất cả các thuốc hạ áp được sử dụng ở mẹ được bài tiết qua sữa. Phần lớn các thuốc hạ áp hiện diện với nồng độ rất thấp, ngoại trừ propranolol và nifedipine có nồng độ trong sữa mẹ tương tự trong huyết thanh mẹ.
– Điều chỉnh lối sống được chỉ định chủ yếu để tránh biến chứng trong thai kỳ tiếp theo và giảm nguy cơ tim mạch cho mẹ trong tương lai. Do đó, bệnh nhân được khuyến cáo khám bệnh hàng năm với bác sĩ chăm sóc ban đầu để kiểm tra huyết áp và các yếu tố chuyển hóa.

Trung tâm Nội tiết- đái tháo đường Family