Chiến lược tầm soát và quản lý biến chứng của xơ vữa động mạch

1. Vì sao cần phải tầm soát xơ vữa động mạch?
Xơ vữa động mạch là bệnh lý vô cùng nguy hiểm bởi hầu hết những người bị xơ vữa động mạch không biết họ mắc bệnh. Hầu hết các triệu chứng của xơ vữa động mạch không xuất hiện cho đến khi một trong các động mạch của bạn bị tắc nghẽn, chính sự diễn biến âm thầm này là nguyên nhân khiến nhiều người đứng trước nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, cắt cụt chân, tàn tật và thậm chí tử vong.
Một tin vui là bệnh lý mạch máu có thể được chẩn đoán ở những giai đoạn sớm trước khi nó gây triệu chứng hoặc làm tắc nghẽn mạch máu. Việc phát hiện sớm sẽ giúp can thiệp sớm và phòng ngừa các biến cố một cách hiệu quả.

2. Xơ vữa động mạch gây ra những biến chứng nào?
Các biến chứng của xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Chứng phình động mạch
  • Đau thắt ngực
  • Bệnh thận mãn tính
  • Bệnh tim mạch vành hoặc động mạch cảnh
  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim
  • Bệnh động mạch ngoại vi
  • Đột quỵ
  • Nhịp tim bất thường

3. Làm sao để phát hiện sớm tình trạng xơ vữa động mạch?
Xơ vữa động mạch có thể được phát hiện sớm, khám sức khỏe định kỳ kiểm tra các biểu hiện của bệnh cũng như tìm kiếm biểu hiện tổn thương động mạch bằng các xét nghiệm hình ảnh để có thẻ phòng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả.
Bệnh nhân sẽ được khám sức khỏe và đặt câu hỏi về tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình. Qua thăm khám lâm sàng, có thể phát hiện tiếng thổi động mạch (bruit) khi nghe động mạch bằng ống nghe.
Tùy thuộc vào kết quả khám sức khỏe, bác sỹ chuyên khoa có thể đề xuất một hoặc nhiều xét nghiệm, bao gồm:
Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường trong máu và mức cholesterol. Lượng đường trong máu và cholesterol cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) cũng có thể được thực hiện để kiểm tra một loại protein có liên quan đến tình trạng viêm động mạch.

Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Thử nghiệm đơn giản và không đau này ghi lại các tín hiệu điện trong tim bệnh nhân.

Điện tâm đồ gắng sức: Nếu các dấu hiệu và triệu chứng đau ngực của bệnh nhân xảy ra thường xuyên nhất trong khi tập thể dục, bác sỹ có thể đề nghị xét nghiệm này. Bệnh nhân sẽ đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe cố định trong khi kết nối với máy điện tâm đồ. Bởi vì tập thể dục làm cho tim của bơm mạnh hơn và nhanh hơn so với hầu hết các hoạt động hàng ngày, kiểm tra điện tim khi hoạt động gắng sức có thể tiết lộ các vấn đề trong hoạt động điện tim mà có thể bị bỏ sót.

Siêu âm tim: thử nghiệm này sử dụng sóng âm thanh để cho biết máu di chuyển như thế nào khi tim đập và qua các động mạch. Đôi khi siêu âm tim được kết hợp với xét nghiệm điện tâm đồ gắng sức.

Siêu âm Doppler: tiến hành kĩ thuật bằng cách sử dụng một thiết bị siêu âm đặc biệt (siêu âm Doppler) để đo huyết áp tại các điểm khác nhau dọc theo cánh tay hoặc chân. Các phép đo này có thể giúp xác định mức độ tắc nghẽn, cũng như tốc độ lưu thông máu trong động mạch.

Siêu âm phát hiện mảng xơ vữa động mạch cảnh và đo độ dày lớp nội-trung mạc của động mạch này, giúp phát hiện những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà chưa biểu hiện lâm sàng.

Chỉ số mắt cá chân-cánh tay (ABI): xét nghiệm này có thể cho biết mức độ xơ vữa động mạch ở chân. Trong quá trình kiểm tra ABI, bác sĩ sẽ so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay. Sự khác biệt bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh mạch máu ngoại vi, thường là do xơ vữa động mạch.

Thông tim và chụp mạch: xét nghiệm này có thể cho biết động mạch vành của bạn bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn ở mức độ nào, cần can thiệp mạch vành không.
Trong thủ thuật này, ống thông sẽ được đưa vào mạch máu và tim. Thuốc cản quang chảy qua ống thông. Khi thuốc cản quang lấp đầy các động mạch, các động mạch sẽ hiển thị trên X-quang, cho thấy các khu vực bị tắc nghẽn.

Chụp calci mạch vành: còn được gọi là chụp tim, xét nghiệm phổ biến này sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) để tạo ra hình ảnh chi tiết về tim bệnh nhân. Nó có thể cho thấy sự lắng đọng canxi trong thành động mạch. Kết quả của bài kiểm tra được cho dưới dạng điểm số. Khi có sự hiện diện của canxi, điểm số này càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

Các xét nghiệm hình ảnh khác: bác sỹ cũng có thể sử dụng chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để nghiên cứu động mạch. Các xét nghiệm này có thể cho thấy tình trạng xơ cứng và thu hẹp các động mạch lớn, cũng như chứng phình động mạch.

4. Làm thế nào để đánh giá các yếu tố nguy cơ và điều trị biến chứng của xơ vữa động mạch?

Đánh giá và quản lý các yếu tố nguy cơ

Để ngăn ngừa bệnh lý tim mạch xơ vữa, đánh giá từng yếu tố nguy cơ và quản lý các yếu tố thông qua các biện pháp can thiệp là rất quan trọng. Bằng chứng từ nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy có nhiều yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Các yếu tố này bao gồm: rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính (CKD), lão hóa, giới tính nam, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tiền sử bệnh tim mạch, nhồi máu não không do tim, bệnh động mạch ngoại vi (PAD), phình động mạch chủ bụng (AAA) , tăng axit uric máu, cũng như các hội chứng chuyển hóa gây ra bởi sự tích tụ chất béo nội tạng và kháng insulin.

Chẩn đoán và quản lý bệnh rối loạn lipid máu

Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao khi mức LDL-C hoặc chất béo trung tính (TG) cao hoặc khi mức HDL- C thấp.
Cần đánh giá các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân để phân tầng nguy cơ tim mạch, từ đó đưa ra liệu pháp hạ lipid máu phù hợp với từng nhóm, mục tiêu lipid máu từng phân nhóm khác nhau ở dự phòng tiên phát và thứ phát bệnh động mạch xơ vữa.

Can thiệp lối sống

Như đã đề cập trước đây, điều chỉnh lối sống là cần thiết cho cả bệnh nhân phòng ngừa ban đầu và phòng ngừa thứ cấp bệnh xơ vữa động mạch.

  • Việc ngừng hút thuốc là quan trọng để ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
  • Kiểm soát năng lượng nạp vào để giảm béo phì sẽ dẫn đến cải thiện không chỉ bệnh béo phì mà còn các yếu tố nguy cơ khác. Liệu pháp ăn kiêng chủ yếu dựa trên mô hình ăn uống cụ thể góp phần làm giảm các yếu tố nguy cơ, bao gồm cải thiện chuyển hóa lipid.
  • Về liệu pháp tập thể dục, các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng số lượng tập thể dục và mức độ thể chất có tương quan nghịch với bệnh động mạch xơ vữa, cho thấy tầm quan trọng của tập thể dục thích hợp.

Điều trị bằng thuốc

Do liệu pháp statin đã được chứng minh là có lợi cho việc phòng ngừa bệnh tim mạch xơ vữa, các khuyến cáo đã chỉ ra rằng việc coi statin là loại thuốc đầu tiên được lựa chọn để kiểm soát mức LDL-C là phù hợp.
Ở những bệnh nhân dự phòng ban đầu có nguy cơ cao, mục tiêu quản lý đối với LDL-C phải là <120 mg / dL. Mặt khác, để phòng ngừa thứ phát, nên bắt đầu điều trị tích cực với mục đích hạ mức LDL-C ít nhất <100 mg / dL ngay sau khi bệnh khởi phát; hơn nữa, giá trị mục tiêu thậm chí thấp hơn nên được xem xét khi bệnh nhân có nhiều bệnh lý phức tạp với các tình trạng lâm sàng nguy cơ cao khác.
Việc áp dụng, hiệu quả và tính an toàn của các thuốc hạ lipid máu đường uống không phải là statin đã được xác nhận; do đó, trước khi kê đơn, các bác sĩ lâm sàng phải luôn chú ý đến chỉ định cũng như tình trạng lâm sàng của chống chỉ định và sử dụng cẩn thận. Ezetimibe, chất ức chế PCSK9 và EPA là những loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tim mạch xơ vữa khi được sử dụng kết hợp với statin. Khi kê đơn thuốc hạ lipid máu, cần nỗ lực cải thiện việc tuân thủ dùng thuốc vì tuân thủ tốt đã được chứng minh là dẫn đến hiệu quả phòng ngừa bệnh tim mạch xơ vữa tốt hơn.

Quản lý các bệnh đồng mắc

Tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường và mạch máu não được quan sát thấy ở những bệnh nhân cần điều trị tích cực hơn do quản lý bệnh không đạt yêu cầu, do sự hiện diện của các biến chứng và các yếu tố nguy cơ chồng chéo. Vì vậy vấn đề quản lý chặt chẽ những người có các bệnh tim mạch chuyển hoá là cấp thiết.

ThS. BS. Hoàng Thị Bích Ngọc
Trung tâm Nội tiết Đái tháo đường Family

Tài liệu tham khảo:

  1. Cao, J., & Devaraj, S. (2019). Recent AHA/ACC guidelines on cholesterol management expands the role of the clinical laboratory. Clinica Chimica Acta, 495, 82-84.
  2. Kinoshita M. et al (2018). Japan Atherosclerosis Society (JAS) guidelines for prevention of atherosclerotic cardiovascular diseases 2017. Journal of Atherosclerosis and Thrombosis, GL2017.
  3. Mortensen, M. B., Nordestgaard, B. G., Afzal, S., & Falk, E. (2017). ACC/AHA guidelines superior to ESC/EAS guidelines for primary prevention with statins in non-diabetic Europeans: the Copenhagen General Population Study. European heart journal, 38(8), 586-594.
  4. Virani S. et al (2019). Very high-risk ASCVD and eligibility for nonstatin therapies based on the 2018 AHA/ACC cholesterol guidelines. Journal of the American College of Cardiology, 74(5), 712-714.