Đau ngực là triệu chứng thường gặp ở tất cả mọi người. Không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, đau ngực còn có xu hướng trẻ hoá và đi kèm với các triệu chứng khác nhau: tức ngực khó thở, đau ngực buồn nôn, đau thắt ngực bên trái, bên phải, ở giữa kèm đau nhói ở tim.
1. Nguyên nhân nào gây ra cơn đau ngực?
Đau tức ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên có những trường hợp cơn đau ngực có thể đe dọa tính mạng và cũng có thể không nguy kịch.
1.1 Cơn đau ngực cấp đe dọa tính mạng:
- Do hội chứng vành cấp
- Do hội chứng động mạch chủ cấp
- Do nhồi máu phổi
- Do tràn khí màng phổi
- Do tràn dịch màng ngoài tim có chèn ép tim
- Do bệnh lý trung thất
2.2 Cơn đau ngực cấp không nguy kịch:
- Nguyên nhân từ tim- màng tim
- Nguyên nhân từ phổi- màng phổi
- Nguyên nhân từ thành ngực
- Bệnh lý đường tiêu hóa
- Các nguyên nhân khác: herpes zoster, bệnh hệ thống, cận ung thư.
- Dấu hiệu cơn đau ngực nguy hiểm
Đau ngực do bệnh lý tim mạch thường đe dọa tính mạng con người nhiều nhất. Sau đây là một số bệnh lý nguy hiểm gây đau ngực thường gặp.
2.1 Hội chứng mạch vành cấp
Bệnh mạch vành gây ra bởi các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành, cản trở dòng máu lưu thông dẫn tới thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và là một trong những nguyên nhân tử vong.
- Người bị bệnh mạch vành thường xảy ra sau gắng sức, đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitrat.
- Cơn đau như thắt, bóp nghẹt hoặc đè nặng ngay sau xương ức, lan lên cằm, vai trái sau đó xuống mặt trong cánh tay trái.
- Cơn đau kéo dài trong vài phút. Đau thường tái phát khi có những yếu tố ảnh hưởng như gắng sức, lo lắng
- Nếu cơn đau có tính chất như vậy kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi nghỉ thì phải nghĩ tới nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực không điển hình.
- Ngoài cơn đau thắt ngực còn kèm theo các triệu chứng: khó thở, hoảng sợ và vã mồ hôi.
1.2. Bóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất và quan trọng nhất của cơ thể, đảm nhận vai trò cầu nối cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể. Bóc tách động mạch chủ là khi lớp nội mạc của động mạch chủ bị rách, khiến cho máu len lỏi vào bên trong, gây ra thiếu máu cục bộ và nguy cơ vỡ động mạch chủ.
- Người bệnh có cảm giác đau dữ dội, đau như đâm/xé.
- Cơn đau đột ngột, lan sau lưng, cơn đau kéo dài liên tục trong nhiều giờ.
- Khi bóc tách lan rộng sẽ bao gồm các triệu chứng: chênh lệch huyết áp cả hai tay, đôi khi không bắt được mạch. Giảm ý thức đột ngột, liệt nửa người , đau bụng, chướng bụng.
- Khi bóc tách động mạch chủ vỡ: sốc, tụt huyết áp, khó thở do tràn máu màng tim, màng phổi, tiếng tim mờ và người bệnh đối mặt nguy cơ tử vong cao.
1.3. Bệnh lý nhồi máu phổi
Nhồi máu phổi là sự tắc nghẽn động mạch phổi hoặc một trong các nhánh chính của nó. Nguyên nhân hàng đầu là do cục máu đông từ xa di chuyển tới (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, huyết khối buồng tim phải, sùi …).
- Tắc động mạch phổi nhẹ, cấp tính thường không có triệu chứng. Triệu chứng cơ năng hay gặp nhất là khó thở khi gắng sức nhẹ.
- Tắc động mạch phổi mức độ trung bình: đau nhói ở ngực có thể kèm ho khan hoặc ho ra máu.
- Tắc động mạch phổi diện rộng cấp tính: Hội chứng tâm phế cấp kết hợp trụy mạch, tụt huyết áp. Thường gặp nhất là khó thở đột ngột, nhịp tim nhanh > 100 chu kỳ/ph. Nặng hơn nữa là mạch nhanh nhỏ, trống ngực, tụt huyết áp, vã mồ hôi, đầu chi lạnh, tím tái. Gần 22% số bệnh nhân tắc mạch phổi diện rộng có đau ngực trái giống nhồi máu cơ tim.
3. Cần làm gì khi bị đau tức ngực?
Đau tức ngực không phải là tình trạng hiếm gặp đối với đa số mọi người. Vậy bạn cần làm gì khi bị đau tức ngực?
Trường hợp đau tức ngực nặng hoặc diễn ra nhiều lần, bạn nên đến các trung tâm y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh, phải được xác định có phải đau ngực do nguyên nhân bệnh mạch vành hay không?, đặc biệt là ở đối tượng cao tuổi, mắc đồng thời các bệnh liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch hoặc các bệnh đường hô hấp.
Sau khi đã xác định chính xác nguyên nhân gây đau tức ngực, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp bị đau thắt ngực liên quan đến tim mạch (bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ) cần phải hết sức thận trọng, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Tài liệu tham khảo:
1. Ths.Bs. Lê Thanh Bình, tiếp cận chẩn đoán với cơn đau thắt ngực, Hội nghị Tim mạch toàn quốc 2015.