Điều trị tiền đái tháo đường: Những điều cần lưu ý

1. Tại sao phải điều trị tiền đái tháo đường?
Điều trị tiền đái tháo đường nhằm đưa glucose huyết tương (đường máu) trở về bình thường; ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến tiến thành đái tháo đường; ngăn chặn và làm giảm các biến chứng do tăng đường máu.
Bên cạnh đó điều trị tiền đái tháo đường giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.

2. Mục tiêu điều trị tiền đái tháo đường?
– Đưa chỉ số HbA1c của bệnh nhân trở về nhỏ hơn 5,7%.
– Giảm được ít nhất 5% cân nặng ở người thừa cân/béo phì và duy trì ổn định ở mức đó.
– Vòng eo < 80cm với nữ giới, < 90cm với nam giới.
– Đạt được hoạt động thể lực cường độ trung bình tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
– Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch (nếu có) bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bỏ hút thuốc lá.

3. Các phương pháp điều trị tiền đái tháo đường
3.1. Thay đổi lối sống
Là can thiệp giảm cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể lực xuyên suốt quá trình điều trị, nhằm ngăn ngừa diễn tiến đến đái tháo đường (ĐTĐ) đối với người thừa cân, béo phì.

3.1.1. Can thiệp dinh dưỡng
– Bệnh nhân được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng, kết hợp dùng thuốc và hỗ trợ tâm lý (nếu cần) nhằm mục đích giảm cân và duy trì cân nặng mục tiêu.
– Khuyến cáo áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần cho người thừa cân, béo phì.
– Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, giàu chất xơ, rau, hoa quả, chất béo không no (dầu thực vật, cá), các thực phẩm thuần tự nhiên không gia công chế biến công nghiệp.

Chỉ số đường huyết của một số thực phẩm: Cao: 70; Trung bình: 56 – 69; Thấp: ≤ 55

– Bên cạnh chế độ ăn giảm tổng năng lượng, một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền ĐTĐ, ĐTĐ như các loại hạt, sữa chua, cà phê, trà được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, cần cân nhắc sử dụng cà phê, trà ở người mắc tăng huyết áp.
– Ngược lại các thực phẩm cần hạn chế như thịt đỏ, đồ ngọt, nhiều đường, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (động vật).
– Với người không thừa cân, béo phì: không cần giảm cân, chỉ thay đổi sự lựa chọn thực phẩm như trên.

3.1.2. Tăng hoạt động thể lực
– Tập luyện giúp tăng độ nhạy insulin, cải thiện lipid máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát glucose máu, giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, tăng lượng cơ, tăng sức bền thể lực, ngăn ngừa/làm chậm diễn tiến đến ĐTĐ típ 2. Tập luyện có lợi ích cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng.
– Cần duy trì tập luyện và hoạt động thể lực với mức độ tập luyện cường độ trung bình 150 phút/tuần như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội… Tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Có thể chia nhỏ thành những lần 10 phút.
– Giảm thời gian ngồi tĩnh tại.
– Tăng cường hoạt động trong ngày, kết hợp các loại hình tập luyện: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ,…
– Lựa chọn bài tập và mức độ tuỳ vào sở thích và khả năng của mỗi người.
– Lưu ý với người có bệnh tim mạch (cần được bác sỹ đánh giá bệnh tim mạch trước luyện tập).

3.2. Điều trị bằng thuốc
3.2.1. Metformin
Là nhóm thuốc chính được chỉ định điều trị tiền ĐTĐ, được chỉ định khi:
– Sau 3 tháng áp dụng chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát được HbA1c < 5,7%.
– Những lần theo dõi sau ghi nhận glucose máu tăng dần.
– Chỉ định Metformin ngay từ khi phát hiện tiền ĐTĐ nếu kèm theo một trong các tiêu chí sau:
+ BMI ≥ 25kg/m2.
+ < 60 tuổi.
+ Phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ.
+ Có cả rối loạn glucose máu lúc đói và rối loạn dung nạp glucose.
+ Có một trong các yếu tố nguy cơ sau: HbA1c > 6%, tăng huyết áp, HDL-Cholesterol thấp (<0,9 mmol/L), triglyceride cao (>2,52 mmol/L), gia đình có người thân đời thứ nhất mắc ĐTĐ.
– Metformin có thể gây một số tình trạng như đầy bụng, tiêu chảy, thiếu vitamin B12 nếu sử dụng kéo dài.

3.2.2. Một số thuốc khác
– Các thuốc khác sử dụng thay thế nếu người bệnh không dung nạp với Metformin như nhóm ức chế alpha-glucosidase, GLP-1 receptor agonists, TZD.

3.3. Phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch
Người mắc tiền ĐTĐ có thể kèm theo tình trạng:
– Tăng huyết áp.
– Rối loạn lipid máu.
– Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bị ĐTĐ típ 2 và biến cố tim mạch, vì vậy bỏ thuốc lá là cần thiết.

3.4. Theo dõi
– Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ mỗi tháng để xét nghiệm glucose máu đói (HbA1c được thực hiện mỗi 3 tháng 1 lần).
– Bệnh tiền ĐTĐ cần thời gian điều trị lâu dài.
– Đối với những người có nguy cơ cao mắc tiền ĐTĐ, ĐTĐ nhưng kết quả xét nghiệm glucose máu bình thường: cần thực hiện xét nghiệm lại glucose máu hàng năm.
– Người mắc tiền ĐTĐ cần được hỗ trợ để duy trì và tuân thủ chế độ can thiệp thay đổi lối sống tích cực.
– Có thể sử dụng nền tảng web, tin nhắn, mạng xã hội zalo, viber, các ứng dụng chuyên biệt App… để cung cấp thông tin, theo dõi nhật ký ăn uống, tập luyện và đưa ra lời khuyên can thiệp, điều chỉnh kịp thời.

Trung tâm Nội tiết Đái tháo đường Family đang theo dõi và hỗ trợ điều trị tiền ĐTĐ cho các thân chủ qua Fanpage, Hotline/Zalo: 0944 225 115.

BS. Lê Thanh Nhàn
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family

Tài liệu tham khảo:
1.Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường. Ban hành kèm theo quyết định 3087/QĐ-BYT.
2.American Diabetes Association; 3. Prevention or Delay of Type 2 Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2021. Diabetes Care 1 January 2021; 44 (Supplement_1): S34–S39.