1. Lợi ích của hoạt động thể chất khi mang thai
Hoạt động thể chất và tập thể dục trong khi mang thai đã được chứng minh là có lợi cho hầu hết phụ nữ, giúp cải thiện sức khỏe, tinh thần, đồng thời giảm nguy cơ tiền sản giật và sinh mổ…
Hoạt động thể chất thường xuyên trong thai kỳ cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Ở phụ nữ đã mắc ĐTĐTK, hoạt động thể chất và một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp kiểm soát đường máu tốt hơn, giảm khả năng sử dụng thuốc điều trị. Đặc biệt giúp kiểm soát cân nặng, không làm tăng cân quá mức ở những người thừa cân, béo phì.
2. Có phải tất cả phụ nữ mang thai mắc ĐTĐ đều có thể hoạt động thể chất?
Tất cả phụ nữ khi mang thai đều có thể hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, tức là những hoạt động sinh hoạt thường ngày, đi bộ nhẹ…
Tuy nhiên, một số thai phụ có chống chỉ định khi tham gia những hoạt động cường độ trung bình trở lên, đó là:
– Thai phụ mắc ĐTĐ type 1 kiểm soát đường máu không tốt
– Thai phụ ĐTĐ mắc kèm bệnh tim bẩm sinh/ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng/ các bệnh về hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
– Có tình trạng nhau bong non/ suy cổ tử cung/ nhau tiền đạo sau tuần 28/ dọa sinh non/ hạn chế tăng trưởng/ tiền sản giật…
3. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu hoạt động thể chất
Tốt nhất nên bắt đầu hoạt động thể chất/ tập thể dục từ trước khi mang thai và duy trì thói quen đó trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần phải thích nghi với thai kỳ bằng cách lựa chọn các hoạt động phù hợp. Ví dụ: thay thế các môn thể thao đối kháng bằng các môn không có tính cạnh tranh, tham gia lớp học Yoga, Pilates, bơi lội…
Nếu có một lối sống tĩnh tại trước khi mang thai, hãy bắt đầu tham gia hoạt động thể chất từ những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như:
₋ Đi bộ những quãng ngắn trong thời gian nghỉ, đi bộ sau mỗi bữa ăn.
₋ Sử dụng thang bộ thay cho thang máy.
₋ Tham gia vào lớp học tiền sản.
Khi đã tạo được những thói quen hoạt động thể chất, duy trì và tìm những hoạt động mới, phù hợp để tiếp tục giữ thói quen hoạt động. Cần tránh những hoạt động nặng như chơi tennis, cầu lông, chạy bộ…
4. Nên hoạt động thế nào? Trong bao lâu?
₋ Đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc làm việc nhà/ làm vườn đều là các hoạt động aerobic. Nên thực hiện ít nhất 30 phút/ngày, từ 3 đến 5 ngày trong tuần (đạt 150 phút/tuần). Với những người mới bắt đầu, có thế chia nhỏ hoạt động với khoảng 10-15 phút, tích lũy để đạt 30 phút/ngày.
₋ Bài tập sức cơ, tập trung vào các nhóm cơ chính nên thực hiện 2-3 lần/tuần, lặp lại động tác từ 8-12 lần cho mỗi nhóm cơ. Đặc biệt, các bài tập cơ sàn chậu như bài tập Kegel.
₋ Có thể lựa chọn các môn Yoga, Pilates để luyện tập tính linh hoạt, dẻo dai.
₋ Đặc biệt, trong 20-30 phút sau ăn là thời điểm đường máu tăng dần, có thể duy trì hoạt động nhẹ sau khi ăn như rửa bát đĩa, đi bộ nhẹ… để ổn định đường máu.
₋ Lưu ý: Nên bắt đầu buổi tập bằng việc làm ấm cơ thể (khởi động) từ 5-10 phút và kết thúc buổi tập luôn cần có giai đoạn hạ nhiệt (điều hòa) trong 5-10 phút để đưa cơ thể từ trạng thái hoạt động về trạng thái nghỉ.
5. Theo dõi trong quá trình tập luyện
a. Duy trì ở mức vừa phải: Tức là có thể trò chuyện được (1-2 câu) trong khi tập, nhưng không thể hát. Không nên tập đến hụt hơi, khó nói chuyện.
b. Theo dõi đường máu:
– Đối với phụ nữ ĐTĐTK chỉ thực hiện điều chỉnh lối sống và không dùng thuốc, nguy cơ hạ đường máu thường thấp hơn. Tuy nhiên, không nên hoạt động khi đói bụng và luôn sẵn sàng xử trí hạ đường máu khi cần.
– Đối với phụ nữ ĐTĐTK có tiêm Insulin, cần thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn tập luyện hợp lý. Thận trong với nguy cơ hạ đường máu và không nên tập ngay sau khi tiêm Insulin.
– Không nên tập khi có hạ đường máu (< 4 mmol/L) hoặc khi đường máu tăng quá cao (> 13,9 mmol/L).
c. Lưu ý trong quá trình tập:
– Từ tháng thứ 4, tránh tư thế nằm ngữa, nên tập ở tư thế đứng hoặc nằm nghiêng.
– Kéo dãn chậm, vừa phải, tránh đổi hướng đột ngột vì dễ ảnh hưởng đến dây chằng.
– Thở ra khi gắng sức, hít vào khi thư giãn. Không nín thở khi tập.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ tinh bột, uống đủ nước, tránh tập luyện nơi nóng ẩm.
– Biết giới hạn để dừng tập luyện.
d. Những dấu hiệu nguy hiểm, cần dừng buổi tập:
– Chảy máu âm đạo/ rỉ ối
– Khó thở trước khi gắng sức
– Chóng mặt, đau đầu, cảm giác ngất xỉu
– Tức ngực
– Yếu cơ
– Đau/ sưng bắp chân
– Giảm cử động của thai
– Chuyển dạ sinh non
Duy trì hoạt động thể chất có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ, góp phần giúp kiểm soát đường máu, mang lại những lợi ích về sức khỏe thể chất, tinh thần cho mẹ và thai nhi. Nhìn chung mọi phụ nữ mang thai, nếu không có chống chỉ định đều có thể tham gia hoạt động thể chất, tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận được lời khuyên. Cần lựa chọn loại hình tập luyện phù hợp với thai kỳ, duy trì điều độ, kết hợp với theo dõi đường máu và nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để tập luyện hiệu quả và an toàn.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2018). Hướng dẫn Quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Ban hành kèm theo Quyết định 6173/QĐ-BYT.
2. Sheri R. Colberg, Ronald J. Sigal, Jane E. Yardley, Michael C. Riddell, David W. Dunstan, Paddy C. Dempsey, Edward S. Horton, Kristin Castorino, Deborah F. Tate; Physical Activity/Exercise and Diabetes: A Position Statement of the American Diabetes Association. Diabetes Care 1 November 2016; 39 (11): 2065–2079.
3. Meah VL, Davies GA, Davenport MH. Why can’t I exercise during pregnancy? Time to revisit medical ‘absolute’ and ‘relative’ contraindications: systematic review of evidence of harm and a call to action. British Journal of Sports Medicine 2020; 54:1395-1404.
4. Mottola MF, Davenport MH, Ruchat S, et al. 2019 Canadian guideline for physical activity throughout pregnancy. British Journal of Sports Medicine 2018; 52:1339-1346.
5. American College of Sports Medicine. ACSM’s guidelines for exercise testing and prescription. 10th edition. Philadelphia, PA: Wolters Kluwer; 2018.
6. ACOG Committee Opinion No. 804: Physical Activity and Exercise During Pregnancy and the Postpartum Period: Correction, Obstetrics & Gynecology: October 2021 – Volume 138 – Issue 4 – p 683