Kiến thức cần thiết cho người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và thậm chí là tử vong.

Trong những năm gần đây dưới tác động của đời sống kinh tế xã hội, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng lên đáng kể. Theo Bộ Y tế Việt Nam năm 2017 có khoảng 200 ngàn bệnh nhân đột quỵ, khoảng một nửa trong số đó tử vong và ngay cả khi giữ được tính mạng thì 90% bệnh nhân sẽ phải sống chung cùng những di chứng của bệnh.

Đột quỵ là bệnh xảy ra đột ngột, dễ để lại hậu quả di chứng lâu dài như liệt, mất khả năng hoạt động, giao tiếp và nhận thức. Vì vậy việc chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng, hòa nhập cuộc sống, cũng như dự phòng đột quỵ tái phát mang ý nghĩa to lớn cho bệnh nhân. Vậy cần chăm sóc những vấn đề gì và chăm sóc như thế nào cho đúng?

1. Nguyên tắc chăm sóc

Người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần phải lưu ý chăm sóc toàn diện, không chỉ về điều trị bệnh chính, các bệnh nền, mà còn phải lưu ý tới công tác phục hồi chức năng, chăm sóc các vấn đề thể chất như: đau, táo bón, loét, co giật, mất ngủ…vv. Và đặc biệt là việc chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân đột quỵ.

– Tuân thủ điều trị.

– Phục hồi chức năng sớm và liên tục.

– Chăm sóc các triệu chứng cho bệnh nhân.

– Chăm sóc tinh thần.

– Dự phòng đột quỵ tái phát.

Hướng dẫn chi tiết sẽ được giới thiệu ngay sau đây.

2. Tuân thủ điều trị

2.1. Tuân thủ y lệnh thuốc

   Bệnh nhân sau đột quỵ cần dùng rất nhiều loại thuốc như: thuốc tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thuốc an thần, giảm đau…vv. Mỗi loại thuốc sẽ được bác sỹ kê sao cho hiệu quả điều trị cao nhất với liều thấp nhất có thể, vì vậy việc bỏ một loại thuốc, tăng hoặc giảm liều, thêm một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đều nguy hiểm tới sức khỏe thậm chí tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc của bác sỹ, mọi sự điều chỉnh cần được trao đổi với bác sỹ điều trị.

   Việc tuân thủ tập phục hồi chức năng, dinh dưỡng cũng mang tính chất quyết định tới sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Tập phục hồi chức năng giúp khôi phục lại các hoạt động thường ngày của bệnh nhân từ đơn giản tới phức tạp, đây là một quá trình lâu dài và liên tục. Kiên trì và luyện tập theo kế hoạch bác sỹ PHCN đưa ra giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và trở lại cuộc sống.

2.2. Theo dõi

Sau đột quỵ bệnh nhân sẽ điều trị qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có phác đồ khác nhau vì vậy việc theo dõi các chỉ số để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, giúp bác sỹ điều chỉnh phác đồ cho phù hợp và việc rất quan trọng

Bệnh nhân cần thường xuyên theo dõi:

– Huyết áp: Bệnh nhân cần duy trì huyết áp < 140/90mmHg hoặc <130/80mmHg nếu bệnh nhân trên 45 tuổi hoặc có kèm suy tim, suy thận…vv.

– Nhịp tim: Bệnh nhân rất dễ rối loạn nhịp tim, ngoài theo dõi tần số duy trì 60-80 lần/phút cần theo dõi các dấu hiệu như nhịp tim không đều, mệt ngực, khó thở…vv.

– Nhiệt độ: Có rất nhiều nguyên nhân sau đột quỵ khiến bệnh nhân rối loạn thân nhiệt như: rối loạn chức năng điều hòa thân nhiệt do tổn thương não, sốt do nhiễm trùng vết loét, nhiễm trùng tiết niệu

– Đường máu: Những bệnh nhân đột quỵ có bệnh nền đái tháo đường cần được theo dõi sát đường máu, đảm bảo đường duy trì mức ổn định. Đặc biệt theo dõi dấu hiệu hạ đường huyết: hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân, cảm giác đói nhiều…vv. Tránh tình trạng hạ đường ảnh hưởng tới sự hồi phục của não và tăng nguy cơ choáng ngất, nguy cơ té ngã.

– Bệnh nhân cần duy trì mức HbA1c < 7% (hoặc < 8% nếu bệnh nhân trên 45 tuổi có kèm các bệnh nền khác). Đường máu đói nên duy trì ở mức 4-7mmol/l, các chỉ số có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng bệnh nhân và các bệnh kèm. Nên trao đổi với bác sỹ để có được mức đường huyết, HbA1c mục tiêu phù hợp

Các dấu hiệu cảnh báo: Tỷ lệ đột quỵ tái phát tới 20% trong năm đầu tiên, và lên tới 50% trong năm năm tiếp theo. Bệnh nhân cần theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sau:

Chỉ cần xuất hiện một trong số các triệu chứng trên, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sỹ hoặc tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.

2.3. Tái khám

Việc điều trị và phục hồi chức năng sau đột quỵ gần như gắn liền với bệnh nhân tới cuối đời. Tùy vào mức độ hồi phục và tình trạng bệnh nhân mà bác sỹ sẽ đưa ra liệu trình và phác đồ điều trị phù hợp. Việc tái khám giúp bác sỹ nhận định được bệnh nhân và đưa ra các quyết định điều trị phù hợp đó. Tình trạng bệnh nhân không được giáo dục sức khỏe chu đáo, dẫn tới việc bỏ thuốc, không tái khám gây gia tăng tỷ lệ tái phát thậm chí tử vong trên bệnh nhân sau đột quỵ. Cần lưu ý người nhà và bệnh nhân tái khám theo đúng lịch hẹn hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường.

3. Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng sớm làm giảm thời gian hồi phục sau đột quỵ

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng phục hồi chức năng sớm làm giảm thời gian hồi phục sau đột quỵ. Các hoạt động PHCN thường được thực hiện từ 24-48h sau đột quỵ, tùy tình trạng bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được bắt đầu với vật lý trị liệu ngay khi còn nằm trên giường bệnh, và các hoạt động khác tùy theo tình trạng và tiến triển của bệnh nhân.

– Vật lý trị liệu: hỗ trợ tăng cường sức cơ, hoạt động khớp, điều chỉnh dáng đi, thăng bằng…vv.

– PHCN nuốt: Tập cơ lưỡi, điều chỉnh động tác, hỗ trợ hướng dẫn nuốt an toàn kết hợp máy tập nuốt, máy kích thích điện tùy từng bệnh nhân.

– Hoạt động trị liệu: Thiết lập lại các hoạt động tinh đảm bảo các nhu cầu cơ bản của bệnh nhân như tự ăn uống, tự di chuyển, tự mặc quần áo, thậm chí có thể làm các việc đơn giản như lau dọn, gấp chăn, quét nhà, nấu cơm…vv.

– Tri giác – Nhận thức trị liệu: Sau đột quỵ bệnh nhân đa số có nguy cơ suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ, mất định hướng không gian, thời gian…vv. Tri giác – nhận thức trị liệu giúp bệnh nhân khôi phục lại các vùng chức năng trên não, trí nhớ, giúp bệnh nhận thức được bản thân và xung quanh.

– Ngôn ngữ trị liệu: Những rối loạn về ngôn ngữ như: mất từ vựng, khó nói, nói không lưu loát…vv. KTV ngôn ngữ trị liệu sẽ hỗ trợ bệnh nhân tăng vốn từ, thiết lập các câu đơn, câu phức. Các bác sỹ và kỹ thuật viên có nhiệm vụ hướng dẫn và người thực hiện phải là bệnh nhân và người chăm sóc. Vai trò to lớn của người chăm sóc thể hiện ở việc luôn bên cạnh hỗ trợ bệnh nhân các hoạt động cơ bản, ngoài ra còn trò chuyện hỗ trợ các hoạt động trị liệu và tinh thần. Người nhà nên thường xuyên nói chuyện, kể các chuyện xưa cũ, nên sử dụng hình ảnh hoặc tranh để gợi nhớ cho bệnh nhân và tăng hứng thú

4. Chăm sóc triệu chứng

4.1. Đau

Bệnh nhân sau đột quỵ thường phải chịu nhiều cơn đau do nhiều nguyên nhân. Các cơn đau này gây mệt mỏi, mất ngủ, và làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm của bệnh nhân. Cần chú ý theo dõi các cơn đau: đau ở đâu, đau nhói hay đau âm ỉ, cơn khu trú hay lan theo hướng nào…vv.

– Đau do co cứng: Thường đau tại chỗ, đau đột ngột, kèm nhức tại vùng cơ bị liệt. Người chăm sóc cần chú ý tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân để tránh những cơn co cơ, cứng khớp này. Điều trị những cơn đau này thường dùng kết hợp thuốc  giảm đau, thuốc giãn cơ dạng bôi hoặc uống, hãy trao đổi với bác sỹ trong trường hợp xoa bóp, tập vật lý trị liệu mà cơn đau không giảm.

– Đau do trung tâm: Đau đầu, dị cảm ngứa, đau nhức, bỏng rát…vv. Những cơn đau xuất hiện thường xuyên, liên tục hoặc theo cơn. Người chăm sóc cần theo dõi cơn đau như cảm giác dị cảm, vị trí, mức độ để trao đổi với bác sỹ về điều trị thuốc.

– Đau do xương khớp: Đau nhức mỏi vai, cổ, lưng, tay chân. Những cơn đau này thường được giải quyết bằng vật lý trị liệu đơn thuần không cần phối hợp thuốc. Hãy cố gắng xoa bóp, tập giãn cơ, phối hợp hoạt động trị liệu để giảm đau cho bệnh nhân

Những cơn đau cho dù là vì lý do gì cũng cần được trao đổi với cả bác sỹ điều trị và bác sỹ phục hồi chức năng. Việc kết hợp vật lý trị liệu và thuốc tạo hiệu quả giảm đau tối đa và lâu dài.

4.2. Co giật, động kinh

Co giật và động kinh thường xảy ra với bệnh nhân sau đột quỵ mặc dù bệnh nhân đã được dùng thuốc chống động kinh hàng ngày. Người chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ cần nhận thức được rằng các cơn co giật hoặc đông kinh này chỉ diễn ra trong 1-3 phút và không gây hại tới tính mạng bệnh nhân. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo môi trường an toàn cho bệnh nhân:

– Đặt bệnh nhân trên nệm, sàn nhà trống.

– Dọn dẹp các vật cứng hoặc sắc nhọn xung quanh.

– Nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng.

– Lau sạch đờm dãi hoặc chất nôn nếu có.

– Ghi chép lại cơn co giật, động kinh, thời gian, biểu hiện chính xác và báo bác sỹ.

4.3. Yếu cơ, căng cơ, teo cơ

Các cơ bên yếu liệt nếu bất động lâu ngày sẽ dẫn tới yếu cơ, căng cơ, cứng khớp gây hạn chế vận động, các cơn đau và lâu dần sẽ dẫn tới teo cơ liệt hoàn toàn. Việc này sẽ được giải quyết bằng phối hợp thuốc giảm đau, giãn cơ và tập phục hồi chức năng.

4.4. Loét tỳ đè

Loét thường xảy ra trên bệnh nhân yếu liệt lâu ngày giảm vận động, nếu bệnh nhân có mắc các bệnh nền khác như tăng huyết áp, đái tháo đường thì vết loét rất lâu lành và trở thành vấn đề nghiêm trọng gây nhiễm trùng, suy kiệt cho bệnh nhân.

Dự phòng và chăm sóc loét bằng cách:

– Thay đổi tư thế bệnh nhân 2h/lần.

– Nên để bệnh nhân ở tư thế nghiêng về bên lành.

– Chèn gối vào các vị trí tiếp xúc xương – bề mặt.

– Nằm đệm nước: trải khăn trên đệm tránh bí hơi vùng da tiếp xúc, nên thường xuyên nhấn đệm để massage da.

– Vệ sinh thân thể thường xuyên để giữ sạch, khô thoáng da đồng thời kiểm tra các dấu hiệu sớm của loét như vùng da đổi màu sắc: đỏ, tím, hoặc có vết trợt, chai, phồng rộp…vv.

– Kiểm soát đường máu và huyết áp.

– Kết hợp vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu khuyến khích bệnh nhân di chuyển và vận động nhiều hơn, hướng dẫn bệnh nhân hoạt động an toàn.

4.5. Rối loạn đại tiểu tiện

– Bệnh nhân có thể đại tiểu tiện không tự chủ, mất cảm giác căng bàng quang, mất kiểm soát tiểu tiện…vv. Tùy tình trạng bệnh nhân bác sỹ điều trị và bác sỹ PHCN sẽ hỗ trợ các bài tập cơ bàng quang, hướng dẫn người nhà chăm sóc:

– Bệnh nhân dùng bino: Nên thay bino ngay khi bệnh nhân đại hoặc tiểu tiện, hoặc 2h/lần. Kiểm tra độ ẩm bino thường xuyên, lau sạch và để khô trước khi mặc bino mới.

– Bệnh nhân có sonde tiểu: Vệ sinh sonde tiểu hàng ngày, theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu như: sốt, nước tiểu vàng sậm, có cặn hoặc máu, chân sonde tiểu sưng đỏ hoặc có mủ…vv. Nếu bệnh nhân đặt sonde ngắt quãng cần hướng dẫn bệnh nhân cách kẹp sonde, thay sonde…vv.

4.6. Rối loạn giấc ngủ

Tất cả các khó chịu do đau, hạn chế vận động, dị cảm, tinh thần đều ảnh hưởng sâu sắc tới giấc ngủ bệnh nhân. Ngoài việc điều trị các vấn đề liên quan cần:

– Tạo môi trường yên tĩnh, thoải mái.

– Hỗ trợ âm nhạc.

– Ban ngày bệnh nhân cần được lên lịch hoạt động, tập luyện và cung cấp dinh dưỡng tối ưu.

– Động viên an ủi bệnh nhân.

– Báo bác sỹ hỗ trợ thuốc ngủ nếu tình trạng kéo dài.

Chăm sóc tinh thần có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc bệnh sau đột quỵ

4.7. Thị giác

Việc liệt ½ mặt không chỉ ảnh hưởng tới khả năng nuốt mà còn ảnh hưởng tới thị giác bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ bị thay đổi, hạn chế thị trường, thường xuyên khô mắt, thị giác ảnh hưởng: nhìn mờ, nhìn đôi…vv.

Cần hướng dẫn bệnh nhân:

– Sử dụng nước mắt nhân tạo vào ban ngày, thuốc mỡ vào ban đêm.

– Tránh môi trường bụi bẩn và khô, nên thường xuyên đeo kính bảo vệ mắt.

– Hướng dẫn bệnh nhân dùng ngón tay để nhắm, mở mắt thường xuyên.

– Bệnh nhân cần được thăm khám bác sỹ chuyên khoa mắt và theo dõi theo phác đồ.

4.8. Táo bón

Tổn thương hệ thần kinh thực vật cùng với việc yếu liệt giảm vận động làm cho bệnh nhân sau đột quỵ hầu như ai cũng có tình trạng táo bón. Việc này được khắc phục bằng cách:

– Thực hiện chế độ ăn mềm, lỏng, nhiều nước.

– Tập bệnh nhân đi đại tiện theo giờ.

– Hỗ trợ xoa bụng theo chiều kim đồng hồ.

– Khuyến khích bệnh nhân hoạt động tối đa có thể.

– Nên để bệnh nhân đại tiện ở tư thế ngồi.

5. Chăm sóc tinh thần

79% bệnh nhân sau đột quỵ có trầm cảm, bệnh nhân sau đột quỵ cũng có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao gấp hai lần người bình thường. Việc chăm sóc tinh thần trên người bệnh phụ thuộc gần như đa số vào người chăm sóc, cho thấy vai trò to lớn của người bên cạnh bệnh nhân.

– Cần đưa bệnh nhân đánh giá nguy cơ sa sút trí tuệ và trầm cảm định kỳ.

– Theo dõi các dấu hiệu của bệnh nhân như đau, táo bón, loét…vv và giải quyết triệt để.

– Luôn bên cạnh bệnh nhân chia sẻ và động viên. Cần tạo cơ hội để bệnh nhân được bộc bạch bản thân, từ đó chia sẻ và giúp bệnh nhân giải quyết các vấn đề.

– Nên tạo cho bệnh nhân thú vui mới phù hợp với tình trạng sức khỏe như: nghe radio, xem phim, nếu bệnh nhân có thể vận động cơ bản thì có thể trồng cây, nuôi cá, nuôi chim…vv. Những thú vui này giúp bệnh nhân cảm thấy cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn.

6. Tái hòa nhập cộng đồng

– Hòa nhập: Hãy sớm đưa bệnh nhân giao tiếp nhiều hơn với người trong nhà, hàng xóm…vv. Hoặc tham gia các câu lạc bộ trực tiếp hoặc online giúp đưa bệnh nhân dần trở về cuộc sống bình thường.

– Hoạt động: Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các công việc đơn giản như dọn nhà, cho thú cưng ăn, đan len, tự nấu ăn…vv.

– Hướng nghiệp: Lượng bệnh nhân đột quỵ đang dần trẻ hóa, sau đột quỵ họ cần phải làm việc để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Hãy chọn một công việc phù hợp với thể trạng bệnh nhân và bắt đầu từ những bước đơn giản, luôn bên cạnh hỗ trợ bệnh nhân.

Tóm lại, chăm sóc bệnh nhân sau khi bị đột quỵ là một quá trình kéo dài, cần cả kiến thức chăm sóc và sự kiên trì. Chăm sóc hiệu quả và khống chế tốt các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân đột quỵ vẫn là chiến lược tối ưu hiện nay, nhằm tránh đột quỵ tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đột quỵ.

Tài liệu tham khảo

Quyết định 5331/2020/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột qụy não”

Centers for Disease Control and Prevention. Underlying Cause of Death, 1999–2018. CDC WONDER Online Database. Atlanta, GA: Centers for Disease Control and Prevention; 2018. Accessed March 12, 2020.

Virani SS, Alonso A, Benjamin EJ, Bittencourt MS, Callaway CW, Carson AP, et al. Heart disease and stroke statistics—2020 update: a report from the American Heart Associationexternal icon. Circulation. 2020;141(9):e139–e596.