Những biến chứng khi tiêm Insuline không đúng cách

Tiêm insuline không có nghĩa là bệnh tiểu đường nặng lên, mà ở thời điểm đó, đây là phương pháp giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn so với dùng thuốc uống.

Bên cạnh việc thực hiện đúng quy trình các bước tiêm Insuline thì việc biết và hiểu rõ các biến chứng có thể xảy khi tiêm insuline không đúng cách và cách xử trí cũng là một vấn để cần được quan tâm và lưu ý trên những bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng tiêm Insuline.

I. Các biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường khi tiêm insuline

1. Phản ứng tại chỗ:

a. Loạn dưỡng mỡ:

Một trong những biến chứng nặng khi điều trị bằng insulin là teo tổ chức mỡ dưới da chỗ tiêm do rối loạn dinh dưỡng thần kinh ở vùng tiêm do kích thích cơ học, lý sinh, nhiệt và do kỹ thuật tiêm.

Từ 1 – 6 tháng sau khi tiêm, xuất hiện một vùng da lõm xuống, nặng hơn có thể mất hoàn toàn tổ chức mỡ dưới da ở một diện tích rộng tại vị trí tiêm. Khuyến cáo nên luân phiên thay đổi chỗ tiêm hoặc điện phân tại chỗ bằng lidase.

  • Nguyên nhân: Thường do tiêm thuốc nhiều lần tại một vị trí
  • Triệu chứng: Một vùng da có thể bị phì đại hoặc teo lại
  • Xử trí: Tránh tiêm insuline những lần sau vào vùng da này, thông thường theo thời gian vùng da sẽ phục hồi dần, nếu trong trường hợp xuất hiện các bất thường khác cần thông báo cho bác sĩ
  • Phòng ngừa: Đổi vị trí tiêm thường thường xuyên, đều đặn

b. Dị ứng (hiếm gặp):

Thường xuất hiện 15 – 30 phút sau khi tiêm insuline, tại chỗ tiêm xuất hiện quầng màu hồng nhạt nổi mẩn mày đay gây mệt mỏi, sốt nhẹ, ngứa, đau trong khớp, rối loạn tiêu hóa. Nếu các tác dụng phụ đe dọa tính mạng, như sưng lưỡi, đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, hoặc ngất xỉu xảy ra, nên tìm sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Cần phải ngừng thuốc, thay bằng thuốc khác, cho uống chống dị ứng.

Trong trường hợp bắt buộc dùng insulin, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ tiến hành giải mẫn cảm bằng insuline liều rất nhỏ rồi tăng dần, nếu giải mẫn cảm không thành công thì phải ngưng thuốc chích hoàn toàn.

  • Nguyên nhân: Do cơ thể phản ứng quá mức với insuline
  • Triệu chứng: Ban đỏ, ngứa tại chỗ tiêm
  • Xử trí: Thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí
  • Phòng ngừa: Tiêm thuốc đúng liều lượng, đúng kỹ thuật

c. Nhiễm khuẩn vị trí tiêm (hiếm gặp):

  • Nguyên nhân: Do không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn
  • Triệu chứng: Tại vị trí tiêm xuất hiện sưng, nóng, đỏ, đau
  • Xử trí: Hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí
  • Phòng ngừa: Thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc vô khuẩn trong quá trình tiêm và đổi vị trí tiêm liên tục

2.Toàn thân:

  1. Hạ đường huyết:

Nguyên nhân:

  • Tiêm insulin quá liều,
  • Tiêm vào cơ do đâm kim quá sâu hoặc không véo da,
  •  Người bệnh không thực hiện đúng chế độ ăn sau tiêm (ăn chậm, ăn ít, bỏ ăn…), người bệnh hoạt động thể lực quá mức sau tiêm.

Những người dễ bị hạ đường huyết:

  •  Điều trị bằng insuline
  • Đái tháo đường lâu năm
  • Xơ gan, suy thận mạn, người cao tuổi,..

Biểu hiện:

  • Triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ:
  • Cảm thấy đói
  • Đổ mồ hôi
  • Dị cảm
  • Lo lắng, bứt rứt
  • Run tay chân
  • Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp
  • Yếu cơ
  • Buồn nôn, ói mửa ( Có thể gặp)
  • Triệu chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương:
  • Nhức đầu
  • Nhìn đôi
  • Mờ mắt
  • Lú lẫn
  • Cư xử bất thường
  • Mất trí nhớ
  • Mất tri giác
  • Hôn mê.

 Xử lý bằng cách:

Đối với trường hợp hạ đường máu nhẹ và trung bình:

  • Có nguy cơ hạ đường máu với giá trị glucose cảnh báo 70mg/dL (3.9 mmol/L). Phát hiện hạ glucose máu nhưng bệnh nhân chỉ có triệu chứng giao cảm nhẹ, người bệnh còn tỉnh táo thì có thể hòa 15 – 20g đường (khoảng 2-3 muỗng) hòa với nước.  hoặc uống ½ lon nước ngọt, hoặc 2 muỗng mật ong, nước uống có đường, trái cây ngọt, bánh trái.
  • 15 Phút sau: Kiểm tra đường máu mao mạch mà chỉ số đường máu không cải thiện thì nên lặp lại 1 lần tương tự. Nếu đường  máu trở lại bình thường, thì người bệnh nên ăn một bữa ăn hoặc ăn nhẹ để phòng ngừa hạ đường máu tái phát.

 Đối với trường hợp hạ đường máu nặng:

  • Người bệnh không uống được tri giác rối loạn  lu lẫn, lơ mơ, hôn mê. Không cho ăn uống và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bằng cách  tiêm tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 20%  hoặc 30% hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5% hoặc 10%. Nếu có thể tiêm dưới da 1 mg Glucagon.

Hậu quả của hạ đường huyết: Giảm chất lượng cuộc sống, mất ý thức, tai nạn do lái xe, tốn chi phí điều trị, sa sút trí tuệ, hôn mê, co giật, tử vong

Cách phòng ngừa:

  • Mang theo bánh kẹo
  • Ăn đúng giờ không bỏ bữa
  • Uống thuốc theo chỉ định
  • Không vận động quá sức
  • Thường xuyên thử đường huyết
  • Tư vấn bác sỹ

b. Kháng insulindo miễn dịch:  
Gọi là kháng Insulin do miễn dịch khi nhu cầu insulin vượt quá  2đv/kg hoặc phải dùng trên 200đv/ngày để kiểm soát glucose máu.

c. Hiệu ứng somogyi:

Hiệu ứng Somogyi là hiện tượng các chu kỳ đường huyết tăng cao vào buổi sáng sau một đợt hạ đường huyết của đêm ngay trước đó. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân bị tiểu đường do giảm tiết và/hoặc đề kháng insuline từ các nguyên nhân sau:

  • Bị hạ đường huyết ban đêm trong một thời gian mà không được điều trị.
  • Kiểm soát đường huyết quá đà, không đúng cách, điển hình nhất là trong trường hợp dùng quá nhiều insulin trước đó.
  • Điều này có thể xảy ra nếu bạn dùng quá nhiều insulin trước đó hoặc nếu bạn không ăn nhẹ đủ trước khi đi ngủ.