Những điều cần biết về bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

1. Tuyến giáp là gì?

Là tuyến nội tiết lớn nhất, tuyến giáp có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ. Có vai trò tiết ra hai hormone chính là T3, T4 tham gia vào hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch, thần kinh.

2. Viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn, do rối loạn hệ miễn dịch gây ra. Khi mắc Hashimoto, cơ thể sẽ tự sinh ra kháng thể (TPO anti) chống lại tuyến giáp, tấn công và phá huỷ các nang giáp dẫn đến suy giáp sau đó.
Bệnh được Bác sỹ Hashimoto mô tả lần đầu năm 1912 với các đặc điểm: tuyến giáp thâm nhiễm rất nhiều tế bào lympho; bị xơ hóa, teo tế bào tuyến giáp, đồng thời xuất hiện nhiều tế bào ái toan mạnh.

3. Nguyên nhân gây viêm giáp Hashimoto?
Cơ chế miễn dịch là cơ chế chính trong bệnh lý viêm tuyến giáp Hashimoto. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhận biết “nhầm” một số thành phần của tuyến giáp thành vật lạ (kháng nguyên) và sinh ra kháng thể để chống lại những thành phần này.
Các kháng thể gồm:
– Kháng thể kháng microsom: Kháng thể kháng Thyroglobulin (Tg Ab) và kháng thể kháng Thyroid peroxidase (TPOAb)
– Kháng thể kháng thụ thể TSH (TSH-R Ab).
Ở giai đoạn đầu của bệnh, Tg Ab tăng rõ, TPOAb tăng vừa; sau đó Tg Ab giảm dần và có thể biến mất, còn TPOAb vẫn tồn tại trong nhiều năm. Riêng TSH-R Ab thường chỉ tăng trong thể viêm giáp teo kèm phù niêm và ở những người mẹ sinh con không có tuyến giáp.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giáp Hashimoto?
Giới tính: tỉ lệ phụ nữ mắc viêm giáp Hashimoto cao gấp 7 lần so với nam giới. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc thay đổi hormone nội tiết qua quá trình dậy thì, sinh nở.
– Thai kì: việc thay đổi hormone trong thai kì là một trong những yếu tố khởi phát bệnh lý.
– Yếu tố di truyền: những đối tượng có người thân mắc các bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là viêm giáp Hashimoto có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Stress.
– Tiếp xúc với bức xạ.
– Có các bệnh lý tự miễn khác: đái tháo đường, lupus,…

5. Triệu chứng thường gặp của viêm giáp Hashimoto?

Viêm tuyến giáp Hashimoto tiến triển âm thầm trong thời gian dài, không có triệu chứng nào đặc hiệu. Ở giai đoạn sớm, quá trình viêm có thể gây rối loạn hoạt động của nang giáp, gây tình trạng cường giáp thoáng qua trong giai đoạn ngắn, sau đó là giai đoạn bình giáp kéo dài và cuối cùng là suy giáp. Đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi kiểm tra sức khỏe định kì hoặc khi đã đến giai đoạn suy giáp. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, triệu chứng sẽ khác nhau đối với từng bệnh nhân, một số dấu hiệu thường gặp là:

* Biểu hiện toàn thân:
– Tăng cân bất thường
– Sợ lạnh
– Cơ thể mệt mỏi
– Chán nản, học tập, làm việc không tập trung
– Hay lo âu, căng thẳng
– Táo bón kéo dài
– Da khô, nhợt nhạt (biểu hiện thiếu máu)
– Nói khàn
– Mặt phù, rụng tóc
– Đau cơ, cứng cơ chủ yếu là cơ vai và cơ đùi
– Ở phụ nữ có thể gặp tình trạng kinh nguyệt nhiều, kéo dài, thường gặp rong kinh.

* Biểu hiện tại tuyến giáp:
– Các biểu hiện viêm là các dấu hiệu thường gặp:
+ Tuyến giáp tăng về kích thước, đôi khi kèm triệu chứng đau mơ hồ ở vị trí tuyến giáp hoặc có thể phát hiện biểu hiện nhiễm độc giáp nhẹ.
+ Tuyến giáp có thể lớn lan tỏa cả hai thùy, đối xứng, tùy theo hình dạng của tuyến giáp, mật độ đàn hồi. Cũng có thể gặp một tuyến giáp không đều đặn, có nhiều nốt nhỏ, không đối xứng, trội lên ở một thùy, tạo thành một vùng cứng vững chắc.
+ Có thể gặp trường hợp tuyến giáp lớn đè ép các cơ quan lân cận, gây khó nuốt nhẹ do đè ép thực quản, thay đổi giọng nói do đè ép dây thần kinh quặt ngược,…
– Một số trường hợp khi phát hiện, bệnh đã tiến triển đến suy giáp và căn cứ vào các biểu hiển suy giáp mà bác sỹ chẩn đoán bệnh, đặc biệt là trong tình huống tuyến giáp lớn kèm suy giáp ở người trưởng thành. Riêng đối với ở người già, viêm giáp Hashimoto có thể gặp dưới dạng một bệnh cảnh suy giáp nặng với tuyến giáp teo, cứng.

6. Biến chứng của viêm giáp Hashimoto?
Biến chứng chính của viêm giáp Hashimoto là dẫn đến suy giáp.
Ở các người bệnh trẻ chỉ có 10-15% với bệnh cảnh tuyến giáp lớn kèm suy giáp sẽ đưa đến suy giáp vĩnh viễn.
Suy giáp vĩnh viễn thường xảy ra ở bệnh nhân cao tuổi. Chính vì vậy khi điều trị viêm giáp hashimoto ở người lớn tuổi có tình trạng dương tính với các test tự kháng thể và TSH tăng thì cần điều trị lâu dài.
Các biến chứng của bệnh viêm giáp Hashimoto đều liên quan đến tình trạng suy giáp nặng không được điều trị:
– Biến chứng tâm thần kinh: trầm cảm
– Biến chứng phù niêm, thậm chí hôn mê do phù niêm
– Biến chứng tim mạch: xơ vữa mạch máu liên quan đến tình trạng tăng LDL, suy tim
– Có thể gây vô sinh do nồng độ hormon tuyến giáp thấp làm ức chế quá trình rụng trứng.
– Ở phụ nữ có thai: tùy theo mức độ suy giáp của thai phụ trong quá trình mang thai mà có thể có các nguy cơ thai nhẹ cân, sảy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.

7. Các cận lâm sàng cần thực hiện để chẩn đoán?
– Siêu âm tuyến giáp là phương tiện rất có giá trị trong chẩn đoán, trong siêu âm thấy hình ảnh tuyến giáp không đồng chất.
– Thăm dò giúp chẩn đoán: hormone giáp giảm, TSH tăng, Thyroglobulin tăng.
– Xét nghiệm miễn dịch học giúp chẩn đoán xác định: TPOAb và Tg Ab dương tính trong hầu hết các trường hợp Hashimoto, trong đó TPOAb nhạy hơn (TPOAb: 90 – 100%, Tg Ab: 90%). Ngoài ra các kháng thể khác cũng hiện diện nhưng tỉ lệ thấp hơn nhiều.
– Chọc hút sinh thiết tuyến giáp bằng kim nhỏ: thấy hình ảnh thâm nhiễm rất nhiều tế bào lympho và hiện diện tế bào Hurthle (là tế bào nang giáp dị sản ái toan).
– Đối với bệnh viêm giáp Hashimoto các xét nghiệm thường quy thường ít hữu ích trong chẩn đoán.

8. Điều trị bệnh viêm giáp Hashimoto?
– Điều trị chủ yếu là sử dụng hormone thay thế với L.Thyroxin liều trung bình: 80 – 100ug/ngày, uống ngày 1 lần, nhằm ức chế TSH và điều chỉnh sự suy giáp.
– Không nên dùng T3 vì thuốc có tác dụng mạnh, có thể làm người bệnh khó chịu và phải uống 2 lần/ngày.
– Về phẫu thuật: rất hiếm khi có chỉ định.
– Điều trị bằng Corticoid không hiệu quả trên diễn tiến tự miễn của viêm giáp Hashimoto. Thuốc sẽ được bác sỹ cân nhắc chỉ định trong một số ít trường hợp bệnh nhân có biểu hiện viêm rõ.

Tài liệu tham khảo:
1. GS.TS. Thái Hồng Quang và các cộng sự (2018), Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị bệnh Đái tháo đường, nhà xuất bản Y học.
2. ThS.BS. Nguyễn Quỳnh Xuân, Tổng quan bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.