1. Rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm các rối loạn lo âu, bệnh đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ có tính chất kịch phát (còn gọi là cơn tấn công hoảng sợ). Cơn hoảng sợ xuất hiện đột ngột, sợ hãi vô cùng mạnh mẽ. Bệnh nhân có cảm tưởng sắp chết, cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim, bị phát điên hoặc mất kiểm soát bản thân. Cơn hoảng sợ kịch phát thường hay tái phát, mỗi cơn kéo dài 5-20 phút, nhưng đôi khi có thể kéo dài tới 1 giờ.
2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
– Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai đến ba lần so với nam giới, tuổi khởi phát bệnh trung bình 25 tuổi
– Người có quá nhiều áp lực, căng thẳng trong cuộc sống
– Trải qua những đau buồn trong cuộc sống (mất người thân, người yêu,…)
– Bị tổn thương tâm lý trầm trọng trong quá khứ như bị lạm dụng tình dục, thân thể hoặc bị tai nạn nghiêm trọng
– Gặp những biến cố lớn trong đời như ly hôn hoặc trầm cảm sau sinh
– Nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng chất kích thích
– Tiền sử gia đình có người bị cơn hoảng loạn hoặc mắc chứng rối loạn hoảng sợ.
3. Triệu chứng thường gặp
– Đánh trống ngực, tim đập nhanh mạnh, hoặc tăng nhịp tim
– Ra mồ hôi
– Run hoặc lắc
– Cảm giác thở ngắn hoặc nghẹt thở
– Cảm nhận về sự tắc thở
– Đau hoặc khó chịu ở ngực
– Buồn nôn hoặc rất khó chịu ở bụng.
– Cảm thấy chóng mặt, loạng choạng, choáng váng, hoặc xỉu đi
– Cảm giác ớn lạnh hoặc nóng
– Những dị cảm (tê cóng hoặc cảm giác kiến bò)
– Tri giác sai thực tại (cảm thấy hão huyền) hoặc giải thể nhân cách (cái tôi bị tách với bản thân)
– Nỗi sợ hãi mất kiểm soát hoặc đang bị điên
– Sợ chết.
4. Khi nào nên gặp bác sĩ?
Các cơn hoảng sợ thường không nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Gây khó khăn trong việc tập trung và suy giảm hiệu suất làm việc, đồng thời tránh né các hoạt động xã hội và có thể tự cô lập mình. Điều này làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình và bạn bè. Mất việc làm và khó kiếm việc mới cũng là một vấn đề hay gặp.
Bạn sẽ rất khó có thể kiểm soát được cơn hoảng sợ của mình và bệnh có thể nghiêm trọng hơn nếu như không điều trị. Do các triệu chứng của cơn hoảng loạn cũng có thể giống với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như hô hấp, tim mạch, nội tiết… vì vậy điều quan trọng là bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
5. Điều trị
Mục đích chính của việc điều trị rối loạn hoảng sợ bằng thuốc là ngăn chặn cơn hoảng sợ kịch phát, điều trị các lo âu và ám ảnh của bệnh nhân.
– Thuốc: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin, benzodiazepine
– Tâm lý trị liệu:
Liệu pháp nhận thức – hành vi: giúp bệnh nhân nâng cao nhận thức sự việc, học cách giải thích các tình huống, giảm cảm giác thảm họa, giảm tác dụng khó chịu phối hợp trong cơn hoảng sợ kịch phát.
Trong can thiệp cơn hoảng sợ kịch phát, phương pháp tập thở sẽ giúp kiểm soát tình trạng tăng thông khí cấp tính và mạn tính.
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao như bơi lội, chạy bộ,..
Ngoài ra việc thực hành thư giãn, yoga, thiền rất có ích trong điều trị rối loạn hoảng sợ.
BS CKI. Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường FAMILY