Bướu giáp nhân hay còn gọi nhân giáp là một tổn thương rời rạc bên trong tuyến giáp và có hình ảnh khác biệt với chủ mô tuyến giáp xung quanh. Đây là bệnh lý nội tiết thường gặp, đứng hàng thứ 2 sau đái tháo đường. Về mặt lâm sàng, việc phát hiện các nhân giáp có ý nghĩa quan trọng vì cần phải loại trừ ung thư tuyến giáp; tỉ lệ ung thư tuyến giáp thay đổi 5 – 15% tùy vào tuổi, giới, tiền sử tiếp xúc tia xạ, tiền sử gia đinh và một số yếu tố khác. Có các thể ung thư gíap như ung thư giáp thể nhú (85%), ung thư giáp thể nang (12%), loạn sản (3%) và một số thể hiếm gặp khác. Trong đó, ung thư giáp thể nhú thường tiến triển chậm và có tiên lượng rất tốt.
Ung thư giáp thể nhú có nguy cơ thấp bao gồm các tiêu chuẩn sau (theo hội Giáp trạng Hoa Kỳ – ATA 2015): không có di căn xa; không có xâm lấn bao giáp trên đại thể; không có bằng chứng di căn hạch trên lâm sàng; xếp loại N0; không có tiến triển mô học; không có xâm lấn mạch máu; không có bằng chứng phẫu thuật không triệt để. Về điều trị, cũng theo ATA, khối u có nguy cơ rất thấp (< 1cm, không xâm lấn, không di căn) có thể theo dõi hoặc cắt thuỳ giáp hoặc can thiệp tối thiểu (đốt sóng cao tần, đốt ethanol..); khối u nguy cơ thấp cắt thuỳ giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp. Điều trị ung thư giáp thể nhú nguy cơ thấp bằng cắt thuỳ giáp hay cắt toàn bộ tuyến giáp còn nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, năm 2019, Susana và cộng sự đã công bố nghiên cứu tổng quan về vấn đề so sánh cắt thuỳ hay cắt toàn bộ tuyến giáp trong ung thư tuyến giáp thể nhú nguy cơ thấp. Câu hỏi nghiên cứu: Nếu cắt thuỳ ở những BN ung thư giáp thể nhú nguy cơ thấp (kích thước 1-4cm, không có nguy cơ cao, không có bằng chứng lâm sàng về di căn hạch hay xâm lấn bên ngoài tuyến giáp, không có tiền sử gia đình ung thư giáp hoặc xạ trị vùng cổ) so với cắt toàn bộ tuyến giáp như trong khuyến cáo của ATA 2015. Dữ liệu của nghiên cứu được tổng hợp từ tháng 1/1/2012 đến 31/12/2017. Có tổng cộng 274 dữ liệu được lấy từ các nghiên cứu với tổng số bệnh nhân là 1294 bệnh nhân với ung thư giáp thể nhú, nguy cơ thấp theo tiêu chuẩn ATA .
Kết quả: Qua phân tích rút ra các kết quả sau:
- Không có lợi ích sống còn nào khi so sánh cắt toàn bộ tuyến giáp và cắt thuỳ ở những bệnh nhân PTC có nguy cơ thấp. Khi so sánh những bệnh nhân dưới 45 tuổi thì Adam và cộng sự đã cho thấy có kết quả sống còn toàn bộ là giống nhau ở 2 nhóm tại các thời điểm theo dõi 5 năm, 10 năm và 14 năm.
- Không có sự khác biệt về sống còn mà không có tái phát (tỷ lệ tái phát ở cắt thuỳ là 5,6% và cắt toàn là 5,2%).
- Tuy nhiên trong nghiên cứu cũng đặt vấn đề khi nào cần cắt trọn tuyến giáp: nếu trường hợp kết quả phẫu thuật giải phẫu bệnh trả lời có xâm lấn vi thể bên ngoài tuyến giáp, có hạch di căn thường là dạng tiến triển mô học hoặc đột biến gen BRAF V600E thì nên cắt toàn bộ tuyến giáp vì nguy cơ tái phát cao gấp 4 lần.
Kết luận: Qua nghiên cứu không thấy sự khác biệt sống còn giữa 2 loại phẫu thuật trên. Cần nghiên cứu sâu hơn tìm hiểu các kết quả ung thư dài hạn và kết quả lấy bệnh nhân làm trung tâm, chẳng hạn như chất lượng cuộc sống và sự ưu tiên của chiến lược phẫu thuật là cần thiết.
Tài liệu tham khảo:
- Haugen BR, Alexander EK, Bible KC, et al. 2015 American Thyroid Association Management Guidelines for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer: The American Thyroid Association Guidelines Task Force on Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer. Thyroid 2016; 26:1.
- Vargas-Pinto S, Romero Arenas MA. Lobectomy Compared to Total Thyroidectomy for Low-Risk Papillary Thyroid Cancer: A Systematic Review. J Surg Res. 2019;242:244-251. doi:10.1016/j.jss.2019.04.036
- Nguyen QT, Lee EJ, Huang MG, Park YI, Khullar A, Plodkowski RA. Diagnosis and treatment of patients with thyroid cancer. Am Health Drug Benefits. 2015;8(1):30-40.
- Pemayun TG. Current Diagnosis and Management of Thyroid Nodules. Acta Med Indones. 2016;48(3):247-257.