Liệu pháp nén áp lực là phương pháp chủ yếu được sử dụng để điều trị bảo tồn cho những bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính, giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm, đồng thời cải thiện tình trạng phù, loét, thay đổi màu da,… Trong đó tất áp lực là một ứng dụng phổ biến của liệu pháp nén áp lực nhờ tính đơn giản và dễ áp dụng.
1. Tìm hiểu về liệu pháp nén áp lực
Liệu pháp nén áp lực dành cho những bệnh nhân suy tĩnh mạch bị phù, thay đổi màu da, và đặc biệt có hiệu quả rõ rệt ở người bị loét tĩnh mạch.
Liệu pháp nén gồm 4 phương pháp: Tất áp lực, băng chun, dụng cụ áp lực có thể thay đổi, máy tạo áp lực ngắt quãng. Trong đó:
+ Tất áp lực và dụng cụ áp lực có thể thay đổi đang được sử dụng rất phổ biến trong điều trị cho người có bệnh lý tĩnh mạch mạn tính từ giai đoạn C0s đến C5.
+ Máy tạo áp lực ngắt quãng đóng vai trò quan trọng trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính ở những bệnh nhân có hiện tượng loét. Ngoài ra thường được kết hợp cùng với tất áp lực và dụng cụ áp lực để điều trị phù, hoặc thay thế trong trường hợp liệu pháp nén áp lực liên tục không dung nạp.
2. Vai trò của liệu pháp nén áp lực
Bằng cách sử dụng áp lực có kiểm soát để gia tăng lưu lượng máu ở chân và lưu lượng máu đến tim, liệu pháp giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm, đồng thời cải thiện tình trạng phù, loét, thay đổi màu da,…
Lợi ích của liệu pháp nén áp lực khi sử dụng dài hạn đối với loét tĩnh mạch đã được chứng minh nhiều lần trong các thử nghiệm ngẫu nhiên: Vết loét lành tới 97 % ở những người tuân thủ điều trị.
3. Lựa chọn tất áp lực như thế nào?
– Tất áp lực tạo ra một áp lực nhất định, luôn luôn cao hơn ở mắt cá chân so với bắp chân. Hai tiêu chuẩn cơ bản để lựa chọn tất là chiều dài và áp lực của tất, ngoài ra tất được chọn theo kích thước chân của bệnh nhân.
– Chiều dài của tất: Hiện tại, chưa có kết luận về chiều dài phù hợp nhất của tất cho từng trường hợp cụ thể. Trong điều trị thực tế, tất đùi thường được sử dụng cho những bệnh nhân phù chân, huyết khối tĩnh mạch hiển lớn trên gối, sau can thiệp tĩnh mạch hoặc sau phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch. Những trường hợp còn lại, thường sử dụng tất gối.
– Áp lực của tất:
Theo Hiệp hội mạch máu châu Âu – ESVS năm 2022:
– Đối với bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính có triệu chứng, tất có áp lực tại mắt cá chân ít nhất 15 mmHg được khuyến cáo để giảm các triệu chứng tĩnh mạch.
– Đối với bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn và có tình trạng phù, sử dụng tất áp lực dưới gối, băng không co giãn hoặc thiết bị có thể thay đổi áp lực, với áp lực tại mắt cá chân từ 20-40 mmHg được khuyến cáo để giảm phù.
– Bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn với biểu hiện teo mỡ da, sử dụng tất áp lực dưới gối với áp lực 20-40 mmHg, được khuyến cáo để giảm xơ mỡ dưới da.
– Bệnh nhân có hội chứng hậu huyết khối, tất áp lực dưới gối với áp lực 20-40 mmHg tại mắt cá trong được cân nhắc dùng để giảm độ nặng.
4. Chỉ định sử dụng tất áp lực
Đối với bệnh tĩnh mạch mạn tính, mặc dù tất áp lực không phải là phương pháp điều trị dứt điểm dòng trào ngược tĩnh mạch nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng của bệnh.
Chính vì vậy, tất áp lực được khuyến cáo sử dụng sau khi phẫu thuật can thiệp tĩnh mạch và tiếp tục duy trì ngay cả khi bệnh lý đã cải thiện.
5. Chống chỉ định sử dụng tất áp lực
– Người mắc bệnh động mạch chi dưới với chỉ số ABI (huyết áp cổ chân/cánh tay) < 0.6.
– Người Suy tim độ IV (theo phân loại của Hiệp hội tim mạch New York).
– Người Suy tim độ III (theo phân loại của Hiệp hội Tim mạch New York) có kèm theo tình trạng thay đổi huyết động không được quan sát.
– Người mắc Đái tháo đường kèm với bệnh lý thần kinh ngoại biên nặng có mất cảm giác hoặc bệnh lý vi mạch có nguy cơ hoại tử da.
– Người dị ứng với chất liệu của tất.
Sử dụng tất áp lực – phương pháp tương đối đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt. Nhưng do kiểu khí hậu nóng ẩm ở nước ta hay một số lý do khác như cảm giác khó chịu, kích ứng da, vấn đề thẩm mỹ,… dẫn đến một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị, và đây cũng là thách thức lớn đối với phương pháp này. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân lớn tuổi, béo phì, bệnh lý về khớp cũng gặp khó khăn trong việc mang tất. Lúc này người bệnh, người thân có thể liên hệ Trung tâm Nội tiết Đái tháo đường Family để được hỗ trợ và tư vấn các giải pháp phù hợp.
ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Thời
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family