Hướng dẫn chăm sóc và dự phòng sa sút trí tuệ

Theo WHO, hiện có khoảng 50 triệu người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn thế giới, trong đó, 60% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Mỗi năm có gần 10 triệu ca mắc mới, cứ 3 giây lại có một trường hợp sa sút trí tuệ mới được ghi nhận. Tổng số người bị sa sút trí tuệ được dự đoán sẽ đạt 82 triệu người vào năm 2030 và 152 triệu người vào năm 2050.
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lý này. Tuy nhiên, có thể kiểm soát để bệnh tiến triển chậm lại và ngăn ngừa biến chứng bằng việc chăm sóc tại nhà đúng cách, kết hợp với vận động thể chất, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và tình trạng bệnh kèm.

1. Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ (SSTT) là một hội chứng thường có tính chất mạn tính hoặc tiến triển, trong đó tình trạng nhận thức suy giảm vượt quá những rối loạn lão hóa thông thường. SSTT ảnh hưởng đến 6 chức năng thần kinh nhận thức, bao gồm: Chức năng điều hành, thị giác không gian, khả năng học tập – trí nhớ, sự tập trung chú ý, ngôn ngữ, tốc độ xử lý thông tin và hoạt động xã hội.
Sa sút trí tuệ xuất hiện sau giai đoạn suy giảm thần kinh nhận thức mức độ nhẹ (MCI: Mild cognitive Impairment) và khởi phát sau các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, suy giáp, rối loạn lipid máu), sau các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, suy tim, xơ vữa mạch mách não), sau đột quỵ hoặc sau các sang thương não. SSTT bao gồm các dạng: Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thái dương, hội chứng Parkinson Plus…

2. Triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp của sa sút trí tuệ có thể kể đến:
– Mất trí nhớ.
– Khó giao tiếp hoặc cần tìm từ để giao tiếp.
– Rối loạn thị giác và không gian. Ví dụ: bị lạc khi lái xe.
– Khó khăn khi biện luận, xử lý các nhiệm vụ phức tạp, lập kế hoạch và tổ chức.
– Khó khăn với sự phối hợp chức năng vận động.
– Thay đổi tâm lý và tính cách.
– Lo âu.
– Hoang tưởng; có các hành vi không phù hợp, không bình thường.
– Kích động.
– Ảo giác.

Các triệu chứng phổ biến trong giai đoạn đầu bao gồm hay quên, không rõ ngày tháng, trở nên lạc lõng giữa những nơi quen thuộc. Mọi người thường bỏ qua giai đoạn đầu của bệnh do các biểu hiện không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng đãng trí bình thường như: phụ nữ hay quên sau sinh do thiếu sắt, khả năng nhớ kém dần khi về già. Sự chủ quan và sai lầm trong việc chẩn đoán này làm mất đi cơ hội được điều trị và phục hồi của người bệnh.
Khi sa sút trí tuệ tiến triển đến giai đoạn giữa, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn bao gồm không thể nhớ các sự kiện gần hoặc tên người,lặp đi lặp lại một câu hỏi, trở nên lạc lõng ngay trong nhà, gặp khó khăn trong giao tiếp, cần được người khác hỗ trợ trong việc chăm sóc bản thân và hay đi lang thang.
Giai đoạn cuối của sa sút trí tuệ, người bệnh gần như sống phụ thuộc vào gia đình vì không thể hoạt động và cần người chăm sóc. Các triệu chứng bao gồm rối loạn trí nhớ nghiêm trọng, không nhận thức được thời gian và địa điểm, khó nhận ra người thân và bạn bè, gặp khó khăn khi đi bộ, thường xuyên kích động và gây hấn.

3. Chăm sóc sa sút trí tuệ như thế nào?
3.1. Chăm sóc triệu chứng

3.2 Kiểm soát bệnh nền
Tuỳ vào bệnh nền phối hợp mà có những chăm sóc đặc biệt:
– Đái tháo đường: Dùng thuốc đầy đủ theo y lệnh, kết hợp chế độ ăn giảm tinh bột, tăng đạm và rau xanh, hạn chế chất béo động vật. Thường xuyên theo dõi đường huyết taị nhà và báo bác sỹ khi nhận thấy bất thường.
– Tăng huyết áp: Duy trì thuốc huyết áp đều đặn, kết hợp theo dõi huyết áp, nhịp tim tại nhà. Áp dụng chế độ ăn giảm muối và tăng kali từ chuối, rau cải…
– Suy tim: Dùng thuốc theo y lệnh, theo dõi các dấu hiệu khó thở, ho khạc đờm và phù. Theo dõi huyết áp nhịp tim thường xuyên.
– Suy giáp: Dùng thuốc theo chỉ định, kết hợp chế độ dinh dưỡng và vận động để tránh béo phì, rối loạn mỡ máu.
– Rối loạn lipid máu/ Xơ vữa mạch máu não: Chế độ ăn hạn chế chất béo bão hoà, không ăn mỡ động vật, nội tạng động vật. Kết hợp chế độ tập luyện (giảm cân nếu béo phì). Kiểm tra lipid máu và dùng thuốc theo y lệnh.
– Đột quỵ hoặc các chấn thương não: Theo dõi sát huyết áp, các dấu hiệu đột quỵ. Kết hợp vận động và chế độ ăn khoa học.

3.3. Chế độ dinh dưỡng
– Duy trì chế độ ăn ít béo, giàu chất xơ, ăn trái cây tươi (đỏ, xanh tía), rau xanh có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, ngũ cốc thô.
– Hạn chế lượng muối ăn không quá 6 gram mỗi ngày (1 muỗng café muối đầy)
– Tránh thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như dầu dừa, dầu cọ, thịt nhiều mỡ….
– Bổ sung thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá mòi, cá thu, hải sản…
– Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để duy trì tuần hoàn não.
– Không hút thuốc lá, tránh sử dụng nhiều rượu, bia. Giới hạn rượu dùng ở nam là 3-4 đơn vị rượu, ở nữ là 2-3 đơn vị rượu (một đơn vị rượu bằng 1 lon bia hoặc 1 ly rượu vang nhỏ).

3.4. Chế độ tập luyện
– Luyện tập thể dục thường xuyên.
– Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, giảm kích thước vòng bụng.
– Duy trì huyết áp, cholesterol, đường máu ở mức ổn định.

3.5. Chăm sóc tinh thần
– Ngủ đủ giấc.
– Giữ tinh thần lạc quan, yêu thương bản thân.
– Tạo và duy trì các mối quan hệ xã hội.
– Hạn chế căng thẳng lo âu vì đây là yếu tố đẩy nhanh tiến trình suy thoái não gây SSTT.

3.6. Tăng cường nhận thức thần kinh
– Tập luyện não của bạn bằng trò chơi như chơi ô chữ, chơi bài, chơi game máy tính, chơi cờ, sudoku, ghép hình ít nhất 1 giờ/ ngày. Các hoạt động trí tuệ cần sự suy nghĩ sẽ kích thích sự hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp làm tăng trí nhớ.
– Viết ra những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên trong 4 ô kẻ và luôn hoàn thành việc quan trọng nhất.
– Tính toán: Cộng trừ bất kỳ chữ số nào (ví dụ số taxi, số xe…)
– Duy trì việc đọc (ví dụ đọc bảng quản cáo ở trạm xe bus, trên các toà nhà, đọc sách báo, đọc các quảng cáo trên các tạp chí…)
– Đếm ngược: Bắt đầu với số thập phân (ví dụ 50, 49, 48 … cho tới số 1), nên đọc to và viết những gì bạn đọc vào giấy. Sau khi bạn đã đếm ngược lưu loát thì chuyển sang đếm từ 100, 1000 nếu có thể.
– Sử dụng bàn tay không thuận.
– Duy trì việc học, mở rộng sự hiểu biết.
– Kết nối mới – cũ: Cố gắng kết nối kiến thức mới với kiến thức sẵn có của ban, điều này giúp cải thiện và duy trì trí nhớ. Ví dụ: Khi gặp một khuôn mặt hay người mới, bạn hãy cố gắng liên kết tên của người đó với những gì quen thuộc với bạn.

3.7. Dự phòng
3.7.1. Dự phòng cho bệnh nhân
Ngoài kết hợp điều trị thuốc, chế độ ăn và luyện tập, các bệnh nhân sa sút trí tuệ cần dự phòng bệnh tiến triển:
– Khám sức khoẻ định kỳ, điều trị tích cực và theo dõi theo chỉ định.
– Kiểm soát các biến chứng của bệnh nền, điều trị dự phòng biến chứng.
– Tham gia các hoạt động xã hội, tăng cường giao tiếp, tránh lối sống tĩnh tại.
– Tập thể dục thường xuyên là chìa khoá dự phòng sa sút trí tuệ.
– Hạn chế và từ bỏ các thói quen xấu, không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện.
– Chế độ ăn phù hợp với bệnh nền, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường rau xanh và trái cây.
3.7.2. Dự phòng cho người chăm sóc
Theo nghiên cứu ACCORD, cứ mỗi hai người thân chăm sóc bệnh nhân SSTT thì có một người bị SSTT trong tương lai.
SSTT tác động trực tiếp tới gia đình người bệnh và người trực tiếp chăm sóc. Áp lực về thể chất, tinh thần và tài chính có thể gây ra căng thẳng lớn cho gia đình và người chăm sóc. Một số biện pháp để dự phòng bệnh cho người chăm sóc:
– San sẻ công việc chăm sóc cho mọi người trong gia đình.
– Có thể tham khảo cho bệnh nhân tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân sa sút trí tuệ hoặc viện dưỡng lão để được hướng dẫn tập luyện, giao lưu và gặp gỡ trao đổi giữa các bệnh nhân với nhau.
– Công việc chăm sóc rất vất vả, ảnh hưởng tới cả giấc ngủ và nhịp sinh hoạt của người chăm sóc. Vì vậy, cần đảm bảo người chăm sóc được nghỉ ngơi, ngủ đủ 8h/ngày và có chế độ dinh dưỡng khoa học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
3.7.2.1. Hướng dẫn dành cho người bệnh và gia đình kèm theo hướng dẫn và điều trị các nguyên tắc chăm sóc người mắc Sa sút trí tuệ, 2016.
3.7.2.2. Caring for Patients With Dementia and Alzheimer’s: Tips & Resources for Nurses, 2022.
3.7.2.3. Marianne belleaza, R.N, Dementia nursing care management, Psychiatric nursing, 2021.
3.7.2.4. Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family, chấn đoán và điều trị sa sút trí tuệ, 2020.