7 lưu ý giúp phòng tránh covid-19 cho bệnh nhân đái tháo đường

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, với biến chúng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng. Điều này vô tình làm dấy lên những nỗi bất an không tên cho người mắc bệnh đái tháo đường. Mặc dù hiện tại không có dữ liệu nào cho thấy người mắc đái tháo đường dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn so với những người bình thường. Tuy nhiên, vấn đề mà người bệnh đái tháo đường phải đối mặt trong thời điểm này là nếu như mắc phải COVID-19, người bệnh có khả năng diễn tiến nặng hơn, đặc biệt nếu kèm theo cả tăng huyết áp hay bệnh mạch vành. Vậy người bệnh đái tháo đường cần làm gì để vượt qua mùa dịch an toàn, khỏe mạnh?

1. Luôn tuân thủ 5K:

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định 5K:

Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế

Đặc biệt là khi đến nơi công cộng sẽ không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn góp phần phòng chống lây lan của dịch bệnh.

2. Không được bỏ điều trị:

Đối với các bệnh lý mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tuyến giáp… quá trình điều trị có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Bên cạnh chế độ chăm sóc dinh dưỡng, lối sống, tập luyện thì một nguyên tắc điều trị quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường là bệnh nhân Không được bỏ thuốc.

Nhằm giúp người bệnh duy trì điều trị, Trung tâm nội tiết Family đang triển khai khám, tư vấn online và hỗ trợ gửi thuốc tại nhà cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm trong thời điểm dịch bùng phát, hạn chế di chuyển, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh lý nền, người cao tuổi, người ngoại tỉnh. Chi tiết bạn có thể kết nối hotline Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family để được hỗ trợ: 0944.225.115.

3. Theo dõi đường huyết tại nhà:

Covid diễn ra, thói quen sinh hoạt bị đảo lộn, tâm lý và tuân thủ điều trị bị ảnh hưởng khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn dễ dẫn đến nhiễm toan ceton. Do vậy, việc theo dõi đường huyết sát thường xuyên tại nhà và tham vấn ý kiến của bác sĩ về việc điều chỉnh phác đồ nếu cần trong thời gian này là điều cần thiết.

Tùy từng phác đồ mà bác sỹ yêu cầu tần suất thử đường huyết, nếu đường huyết ổn định bạn nên thử 2-3 lần/tuần và khi có dấu hiệu bất thường đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ đang điều trị để được hỗ trợ.

4. Theo dõi các triệu chứng:

 Bạn cần lưu tâm hai nhóm triệu chứng.

Đầu tiên là các dấu hiệu của nhiễm COVID-19: bao gồm sốt, ho, khó thở. Nếu có một trong các dấu hiệu nói trên kèm theo tiền sử từng tiếp xúc với người nhiễm hay người nghi nhiễm, bạn cần ở tại nhà và gọi điện thoại thông báo cho nhân viên y tế; tránh việc di chuyển ngoài đường, trên phương tiện giao thông công cộng hoặc tự ý đến khám tại những bệnh viện không được phân đúng chuyên khoa điều trị COVID-19.

Nhóm thứ hai là các triệu chứng của tình trạng đường huyết cao, có thể nhiễm toan ceton bao gồm: khát nước, tiểu nhiều, sụt cân, mệt nhiều, lừ đừ, khó thở, buồn nôn hay nôn và đau bụng. Những dấu hiệu nói trên đòi hỏi bạn phải liên hệ ngay với bác sĩ để biết hướng xử trí tiếp theo và thời điểm cần nhập viện.

5. Trữ đủ cơ số thuốc:

 Người bệnh cần nhận/mua đủ thuốc điều trị, các vật dụng hỗ trợ như: que thử đường huyết, kim tiêm, bông cồn… thêm ít nhất 1 tháng so với bình thường. Nếu là bệnh nhân khám bảo hiểm thì có thể đề nghị được nhận thuốc ít nhất 2 tháng để đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn nếu tình hình dịch có những chuyển biến nghiêm trọng.

6. Lên kế hoạch sinh hoạt và ăn uống:

 Lên lịch sinh hoạt mới phù hợp với các yêu cầu giãn cách, dần thay thế các hoạt động luyện tập ngoài trời thành trong nhà. Chuẩn bị các thực phẩm dự trữ phù hợp, do đặc điểm bệnh lý không nên sử dụng các thực phẩm ăn sẵn tiện lợi nên việc dự trữ thực phẩm, tự nấu ăn trở thành một phần quan trọng trong các biện pháp duy trì sự ổn định của đường huyết. Bên cạnh đó, người bệnh nên cố gắng đảm bảo ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày và tránh để bị stress.

7. Duy trì thói quen tập thể dục:

Chuẩn bị các dụng cụ tập thể dục trong nhà như: máy chạy bộ, thảm yoga,…vv. Nên có người tập cùng, để tăng thú vị khi tập và theo dõi trong thời gian tập.
Để tập thể dục đạt hiệu quả người bệnh cần tập ít nhất 5 ngày/tuần, không được nghỉ 2 ngày liên tiếp và thời gian mỗi lần tập phải trên 30 phút.

Chạy bộ, khí công, yoga và tập tạ nhẹ là một gợi ý hay trong thời gian này.

Tài liệu tham khảo

  1. MOH (2020)
    https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/5-ieu-can-lam-ngay-e-phong-chong-dich-benh-covid-19
  2. IDF (2020)
    https://www.idf.org/our-network/regions-members/europe/europe-news/196-information-on-corona-virus-disease-2019-covid-19-outbreak-and-guidance-for-people-with-diabetes.html
    VNM/NONCMCGM/0320/0010