1. Đề kháng insulin là gì?
Insulin là hocmon sản xuất bởi các tế bào beta của tuyến tụy. Để duy trì hoạt động của cơ thể, insulin thường tiết qua hai gian đoạn: một lượng insulin được tiết ngoài bữa ăn để duy trì đường máu luôn ở mức bình thường và một lượng nhỏ insulin được bài tiết sau mỗi bữa ăn để giúp vận chuyển glucose vào các tế bào của cơ thể, tạo ra năng lượng.
Đề kháng insulin là tình trạng suy giảm tác dụng sinh học của insulin tại mô đích, biểu hiện bằng việc gia tăng nồng độ insulin máu. Nói cách khác, kháng insulin xảy ra khi tế bào của mô đích không đáp ứng hoặc bản thân các tế bào chống lại sự tăng insulin.
2. Nguyên nhân gây đề kháng insulin?
Đến thời điểm hiện tại nguyên nhân gây đề kháng insulin vẫn chưa được xác định. Thừa cân, béo phì được xem như yếu tố khởi phát kháng insulin. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ tạo nên điều kiện xuất hiện và tiến triển kháng insulin bao gồm:
– Người trên 40 tuổi
– Lối sống tĩnh tại, ít vận động, thói quen ăn nhiều đạm, mỡ động vật, nhiều đường, tinh bột, uống bia rượu
– Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường type 2, tăng huyết áp
– Tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường thai kì, chứng gai đen hoặc buồng trứng đa nang.
3. Đề kháng insulin sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Đề kháng insulin không phải là một bệnh hay một chẩn đoán đặc hiệu. Đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể đi kèm với các bệnh lý khác như tim mạch, tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang, đái tháo đường type 2, béo phì, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, …Đa số bệnh nhân mắc đề kháng insulin thường không có triệu chứng gì đặc hiệu. Trong hầu hết các trường hợp cơ thể “chung sống hòa bình” với nhu cầu tăng sản xuất insulin trong nhiều năm. Thế những, nếu không kiểm soát tốt đề kháng insulin sẽ trở thành:
Yếu tố nguy cơ hình thành đái tháo đường type 2: Khi sản xuất insulin không còn đáp ứng được với yêu cầu, tăng đường huyết sẽ xảy ra (tiền đái tháo đường). Lượng đường huyết cao sẽ gây tổn thương mạch máu ở nhiều cơ quan, bộ phận bao gồm cả thận. Đề kháng insulin kết hợp với đường huyết cao là những yếu tố nguy cơ hình thành đái tháo đường type 2.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Tình trạng vừa tăng insulin máu vừa đề kháng insulin sẽ tác động lên quá trình chuyển hóa lipid của cơ thể. Làm tăng đáng kể lượng Triglycerides và LDL (loại cholesterol có hại cho cơ thể) trong máu, giảm lượng HDL (là loại cholesterol hữu ích cho cơ thể). Bên cạnh đó, đề kháng insulin cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, tạo ra các phản ứng viêm, tăng dự trữ muối dẫn đến tăng huyết áp. Những thay đổi về lipid máu tạo ra các mảng xơ vữa trong động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
4. Làm thế nào để giảm sự đề kháng insulin?
Thay đổi về chế độ dinh dưỡng và lối sống là bước đầu tiên để làm giảm đề kháng insulin và tăng độ nhạy của cơ thể đối với insulin:
– Thực hiện giảm cân đối với những người béo phì hoặc thừa cân.
– Tập luyện thể lực đểu đặn ít nhất 30 phút hằng ngày (nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lên kế hoạch luyện tập).
– Ngưng hút thuốc lá
– Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lí, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, giảm lượng thịt (đặc biệt là thịt đỏ), tinh bột.
Chế độ dinh dưỡng tham khảo:
- Tinh bột: nên ăn vừa đủ no, mỗi bữa 1,5 – 2 chén cơm tùy theo nhu cầu và thể trạng.
- Chất đạm: Thịt nạc có ít chất béo nhất và ít năng lượng nhất: thịt nạc đỏ (bò, heo), thịt trắng như gà, vịt (bỏ da). Các loại cá như cá hồi, cá trích trứng, cá hồng, cá thu đao, cá ngừ hoặc cá đồng…Có thể bổ sung đạm từ đậu hủ, phô mai không béo, ít béo.
- Trái cây: nên ăn trái cây có chỉ số đường thấp: ổi, bơ, lê, táo, bưởi, cam….hạn chế ăn trái cây ngọt, chỉ số đường cao: mít, chuối, dưa hấu, xoài, mía,…
- Rau quả (3 đến 5 khẩu phần/ ngày): một khẩu phần tương đương 1/2 chén rau quả chín, hoặc 1 chén rau quả sống.
- Chất béo, thực phẩm ngọt và rượu (dùng số lượng ít): thực phẩm nhóm này cung cấp nhiều năng lượng, lựa chọn tốt nhất là dầu thực vật. Một khẩu phần chất béo tương đương 1 thìa cà phê. Tránh các thực phẩm nhiều đường như mứt kẹo, chocolate, nước ngọt có gaz, thức ăn nhanh, chiên rán, nhiều dầu mỡ….
Ngoài ra, ở người có đề kháng insulin, khi lượng đường trong máu quá cao nên được điều chỉnh bằng các loại thuốc giúp kiểm soát đường huyết theo sự chỉ định của Bác sỹ.
Tài liệu tham khảo:
- Ahren B, Pacini G. Islet adaptation to insulin resistance: mechanisms and implications for intervention. Diabetes Obes Metab. 2005 Jan. 7(1):2-8.
- Reaven G, Abbasi F, McLaughlin T. Obesity, insulin resistance, and cardiovascular disease. Recent Prog Horm Res. 2004. 59:207-23