I. Suy giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, nằm ở vị trí vùng cổ, cung cấp hóc môn tuyến giáp có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Suy giáp là một trong những tình trạng bệnh lý tuyến giáp phổ biến hiện nay, tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp gây ra biểu hiện bệnh lý ở các cơ quan chính (thần kinh, da, niêm mạc, tim mạch,…) gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa.
Nếu không theo dõi và điều trị bệnh kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ
Hôn mê, phù niêm, hoặc có thể vô sinh
Đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh suy giáp nếu không điều trị thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Những đứa trẻ này cũng dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về trí tuệ và phát triển.
Vậy đối tượng nào dễ mắc bệnh suy giáp?
II. Đối tượng dễ mắc bệnh suy giáp?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạn trở thành đối tượng bị suy tuyến giáp. Những nguyên nhân này có thể bao gồm:
1. Người mắc bệnh tự miễn – viêm tuyến giáp Hashimoto
Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh suy giáp là viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là một dạng rối loạn tự miễn xảy ra khi cơ thể tạo ra kháng thể tấn công và tiêu diệt nhầm tuyến giáp hoặc do virus hay vi khuẩn kích hoạt cơ chế tấn công nhầm của cơ thể. Đôi khi các nhà khoa học cho rằng yếu tố di truyền cũng có thể liên quan đến viêm tuyến giáp Hashimoto.
2. Người đã xạ trị
Xạ trị để điều trị một số bệnh ung thư ở vùng đầu và vùng cổ: như ung thư hạch có thể khiến các bức xạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào tuyến giáp. Chính vì vậy người đã thực hiện xạ trị có nguy cơ cao mắc suy giáp.
3. Người điều trị cường giáp bằng I ốt phóng xạ
Những người bị cường giáp thường được điều trị bằng I ốt phóng xạ hoặc thuốc chống tuyến giáp nhằm điều chỉnh tuyến giáp hoạt động bình thường trở lại. Một số trường hợp, phương pháp điều trị cường giáp này có thể khiến các tế bào tuyến giáp bị bức xạ phá hủy, dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
4. Người đã phẫu thuật tuyến giáp
Phẫu thuật tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây suy giáp. Loại bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp có thể khiến suy giáp vì lượng hormone tuyến giáp sẽ bị giảm hoặc thiếu hụt nghiêm trọng. Trong trường hợp này người bệnh cần có chế độ bổ sung hormone tuyến giáp lâu dài cho cơ thể dưới sự giám sát của bác sỹ chuyên khoa.
5. Tác dụng không mong muốn từ việc sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề sức khỏe tim mạch, các bệnh tâm thần và ung thư có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến bệnh suy giáp.
6. Chế độ ăn uống thiếu hụt I ốt nghiêm trọng
Để sản xuất được hormone thyroxine và triiodothyronine, tuyến giáp cần có I ốt. Cơ thể không tạo ra được loại khoáng chất này nên cần bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Chính vì vậy người có chế độ ăn uống thiếu hụt I ốt nghiêm trọng dễ dẫn đến suy giáp.
7. Phụ nữ mang thai
Đôi khi, căn bệnh này có thể xẩy ra trong thời gian phụ nữ mang thai hoặc sau sinh. Tình trạng này gọi là viêm tuyến giáp sau sinh. Nếu không được điều trị, suy giáp sẽ là tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và tiền sản giật, tăng huyết áp, ảnh ưởng tới sự phát triển của thai nhi.
8. Rối loạn tuyến yên
Một nguyên nhân tương đối hiếm gặp khiến bạn bị suy giáp là do tuyến yên không thể sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Hormone này cho tuyến giáp biết cần phải sản xuất và giải phóng bao nhiêu hormone thyroxine và triiodothyronine mà cơ thể cần. Việc tuyến yên không sản xuất đủ hormoneTSh thường là do một khối u tuyến yên lành tính gây nên.
9. Tình trạng suy giáp do bẩm sinh
Một số trẻ em được sinh ra không có tuyến giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém. Đây là loại suy giáp bẩm sinh.
10. Người mắc rối loạn vùng dưới đồi
Suy tuyến giáp do rối loạn vùng dưới đồi là một dạng suy giáp hiếm gặp. Điều này có thể xảy ra nếu vùng dưới đồi trong não không tạo ra đủ hormone thyrotropin-releasing (TRH). Hormone này ảnh hưởng đến quá trình giải phóng TSH của tuyến yên dẫn đến tình trạng suy giáp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế (2015), Suy giáp người lớn. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Nội tiết – Chuyển hoá, NXB Y học, Hà Nội, tr.87 – 95.
- Alexander, Erik K., et al. “2017 Guidelines of the American Thyroid Association for the diagnosis and management of thyroid disease during pregnancy and the postpartum.” Thyroid27.3 (2017): 315-389.
- Garber, Jeffrey R., et al (2012): “Clinical practice guidelines for hypothyroidism in adults: cosponsored by the American Association of Clinical Endocrinologists and the American Thyroid Association.” Thyroid 22.12, 1200-1235.
- Melmed, Shlomo, et al., (2015), Williams textbook of endocrinology. 13th edition. Elsevier Health Sciences.