Chăm sóc bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể về thần kinh, tim mạch, mạch máu, thận, mắt,… Nhưng chúng ta thường chú ý đến các biến chứng dễ nhận thấy như tim mạch, mạch máu, thận,… mà không chú ý đến một biến chứng âm thầm nhưng rất nguy hiểm đó là biến chứng về mắt, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ mất thị lực hoàn toàn.
Chính vì thế, việc nâng cao nhận thức, giúp người bệnh chủ động theo dõi, phòng ngừa, giảm thiểu tối đa các biến chứng về mắt rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường hiện nay.

1.Yếu tố nguy cơ gây bệnh
– Thời gian bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), người mắc bệnh ĐTĐ càng lâu càng có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường.
– Glucose máu không ổn định, đặc biệt là chỉ số HbA1C. Một số nghiên cứu cho thấy cứ tăng 1% HbA1C sẽ làm nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) tăng lên 18%.
– Tăng huyết áp.
– Tăng cholesterol máu.
– Có thai.
– Hút thuốc lá.

2. Triệu chứng thường gặp của bệnh VMĐTĐ là gì?
– Ở giai đoạn đầu hay giai đoạn chưa tăng sinh, người bệnh thường không nhận thấy triệu chứng gì. Chỉ khi khám đáy mắt bởi các bác sỹ chuyên khoa mắt với phương tiện chuyên dụng như chụp đáy mắt không huỳnh quang, chụp đáy mắt huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc (OCT),… mới có thể phát hiện những tổn thương đáy mắt như vi phình mạch, xuất huyết, thiếu máu cục bộ võng mạc,…
– Khi có phù hoàng điểm và ở giai đoạn tăng sinh của bệnh, người bệnh thấy giảm thị lực, khuyết tầm nhìn, thấy hình tối bất thường trước mắt, thậm chí mất thị lực. Khám mắt thấy phù hoàng điểm, xuất tiết võng mạc, tân mạch, xuất huyết võng mạc – dịch kính, tổn thương thần kinh thị giác,… ở các mức độ từ nhẹ đến nặng.

Người bệnh đái tháo đường nên thăm khám định kỳ với bác sỹ chuyên khoa

3. Khi nào bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mất thị lực?
Khi bệnh võng mạc đái tháo đường gây ra những tình trạng:
– Phù hoàng điểm.
– Xuất huyết trong thể kính: Nếu xuất huyết ít, bệnh nhân có thể thấy đốm đen trước mắt, nếu xuất huyết nhiều có thể gây mù cấp tính. Tuy nhiên, máu có thể sẽ tan sau vài tuần hoặc vài tháng, bệnh nhân có thể nhìn lại được.
– Bong võng mạc, nếu bong võng mạc hoàn toàn sẽ gây mù vĩnh viễn.
– Tăng nhãn áp: Có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời.

4. Làm gì để ngăn ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường
Phòng bệnh võng mạc đái tháo đường bao gồm những mục tiêu: phòng ngừa để không mắc bệnh; khi đã mắc bệnh phòng để bệnh không tiến triển nhanh và giảm thiểu tối đa biến chứng nặng nề của bệnh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
4.1. Kiểm soát đường máu, lipid máu và huyết áp
– Nếu đường máu của người bệnh tăng cao, kéo dài sẽ gây nên những thương tổn trên mắt nên phải thường xuyên kiểm tra đường máu để có thể kiểm soát đường máu một cách tốt nhất và giảm ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường tới các cơ quan khác trong cơ thể.
– Mục tiêu kiểm soát đường máu cho bệnh nhân trưởng thành không có thai theo bộ y tế 2020 và ADA năm 2021.

Ngoài kiểm soát đường máu, bệnh nhân cần theo dõi kiểm soát huyết áp và lipid máu.
– Mục tiêu kiểm soát lipid máu theo bộ y tế năm 2020:

– Mục tiêu huyết áp trên bệnh võng mạc đái tháo đường: ≤130/80 mmHg.

4.2. Tái khám định kỳ
Bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có triệu chứng cho đến khi vào giai đoạn tiến triển của bệnh và lúc này thường quá muộn để điều trị hiệu quả, do đó người bệnh cần phải đi khám mắt định kỳ để được bác sỹ thăm khám, quản lý tình hình bệnh.
– Lý tưởng nhất, tại thời điểm chẩn đoán đái tháo đường, bệnh nhân cần được khám mắt toàn diện, đồng thời đánh giá mức độ tổn thương do các biến chứng khác liên quan đến đái tháo đường.
– Thời gian mắc đái tháo đường là yếu tố nguy cơ cao nhất cho sự phát triển của bệnh võng mạc đái tháo đường. Khám mắt định kỳ là cách duy nhất để xác định mức độ của bệnh võng mạc đái tháo đường.

4.3. Quản lý chế độ dinh dưỡng và lối sống
4.3.1. Lời khuyên dinh dưỡng cho người bệnh

– Lối sống và chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cần được cá nhân hóa theo từng đối tượng tùy thuộc vào nghề nghiệp, độ tuổi, BMI, bệnh lý đi kèm và thói quen ăn uống,…
– Thực hành một chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng và áp dụng chế độ ăn với đĩa thức ăn thông minh để giúp kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol.
– Ngoài ra nên bổ sung các loại thực phẩm giàu lutein, vitamin C, vitamin E, axit béo omega-3, kẽm, chất chốngoxy hóa như: Cam, cà rốt, ớt chuông, dâu tây, sữa chua, sữa tươi không đường, anh đào (cherry) giúp hạn chế tối đa việc mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thế hay thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra những thực phẩm này còn có lợi cho cơ thể, kích thích tiêu hóa, cải thiện vóc dáng, thúc đẩy tâm trạng,…
– Kiểm soát muối trong khẩu phần ăn bởi nội mạc mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường rất nhạy cảm với muối, có thể dẫn đến nguy cơ cao huyết áp khi sử dụng nhiều muối ngay cả giai đoạn tiền đái tháo đường. Không nên ăn đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như mỳ tôm, gà rán, KFC, thịt muối, cá muối, giò chả, dưa muối,…
– Người bệnh hạn chế sử dụng chất béo bão hòa, nên sử dụng các loại dầu thực vật; không nên ăn phủ tạng động vật, bơ và các loại đồ ăn nhanh như xúc xích nướng, khoai tây chiên,… Bởi ăn càng nhiều chất béo làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như làm nặng thêm các tình trạng đề kháng insulin, làm tăng đường huyết có thể dẫn đến những biến chứng mắt nghiêm trọng.
–Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu và từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Hút thuốc lá sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc biến chứng võng mạc đái tháo đường và đặc biệt những người hút thuốc lá sẽ có khả năng bị mù lúc về già cao gấp 4 lần so với những người không hút thuốc lá.

4.3.2. Lời khuyên vận động cho người bệnh
– Tập luyện thể dục tốt cho tất cả mỗi người, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường bị thừa cân. Trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ tập luyện nào, nên được sự tư vấn của bác sỹ vì một số bài tập có thể chống chỉ định đối với người bệnh đái tháo đường.
– Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần 30 phút/ ngày hoặc 150 phút/ tuần, không nghỉ quá 2 ngày liên tiếp.
– Luyện tập đối với bệnh võng mạc nhẹ, không tăng sinh người bệnh có thể tham gia bất kỳ hình thức tập thể dục nào kết hợp với khám mắt theo chỉ định của bác sỹ.
– Hạn chế tập các động tác đối kháng nếu bệnh nhân đã có biến chứng mắt: cử tạ, võ, đá bóng, bóng rổ,… Luyện tập nhẹ nhàng bằng các hoạt động thể dục khác như đi bộ, các bài tập yoga.
– Tránh các bài tập yoga uốn cong quá mức, nên luyện tập các bài tập tăng dẻo dai, sức bền chắc cơ. Đặc biệt, cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ- xương-khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động.
– Đối với những bệnh nhân có bệnh lý VMĐTĐ kèm theo bệnh lý tim mạch thì nên chú ý:
+ Đo huyết áp trước khi tập.
+ Khởi động kĩ 15 phút trước khi tập.
+ Ngưng các hoạt động khi cảm thấy mệt mỏi , khó thở, tức ngực, buồn nôn,…
+ Tránh hoạt động thể lực khi thời tiết thay đổi đột ngột.

4.4. Bảo vệ đôi mắt
– Tái khám mắt định kỳ theo chỉ định của bác sỹ và chăm sóc đôi mắt của mình, phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ điều trị ngăn ngừa sự giảm thị lực.
– Không ngồi trước màn hình máy tính quá lâu bởi sẽ khiến đôi mắt khô và đỏ, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh về tật khúc xạ.
– Áp dụng quy tắc 20: Sau Mỗi 20 phút làm việc trên máy tính ta sẽ giành 20 giây nghĩ ngơi bằng cách nhìn vào một vật xa khoảng 20 feet (6 mét).
– Hạn chế tiếp xúc với màn hình điện thoại trước khi đi ngủ.
– Nên nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% để giữ ẩm và giữ gìn vệ sinh cho đôi mắt.

5. Kết luận
– Bệnh nhân đái tháo đường có thể kéo dài thời gian không mắc bệnh, hoặc làm chậm diễn tiến bệnh võng mạc đái tháo đường bằng cách giữ mức độ đường máu và huyết áp, bilan lipid máu ổn định.
– Phòng ngừa bệnh bằng cách quản lý các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến võng mạc như hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, quản lý lối sống,…
– Khám mắt định kỳ theo chỉ định của bác sỹ, đừng chờ đợi cho đến khi có triệu chứng rồi mới đi khám.
– Đến khám ngay tại chuyên khoa mắt nếu có một hay nhiều dấu hiệu sau: nhìn mờ, nhìn đôi, thị lực suy giảm, đọc khó, mắt đỏ, đau mắt, ruồi bay.
Đôi mắt là bộ phận rất quan trọng, có ảnh hưởng rất nhiều mặt trong cuộc sống từ sức khỏe đến công việc, gia đình và các mối quan hệ… Do vậy, cần chủ động bảo vệ và có biện pháp chăm sóc để giúp mắt luôn sáng khỏe.

“ACT TODAY TO CHANGE TOMORROW’

TS. BS. Nguyễn Văn Vy Hậu
BS. Trần Thị Thu Hương
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family

Tài liệu tham khảo:
1.International Diabetes Federation and The Fred Hollows Foundation. Diabetes eye health: A guide for health care professionals. Brussels, Belgium: International Diabetes Federation, 2015. www.idf.org/eyecare
2.IDF Diabetes Atlas, 7th Ed. Brussels, Belgium: International Diabetes Federation; 2015.
3.P.GS TS Nguyễn Thy Khuê . Biến chứng đáy mắt của bệnh nhân đái tháo đường. Hội Y Học TP. HCM (ed.).
4.Jonas, Jost B., et al. “Prevalence and associated factors of diabetic retinopathy in rural central India.” Diabetes Care 36.5 (2013): e69-e69.