Chế độ dinh dưỡng & thay đổi lối sống khi mắc bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và hiện đang tác động đến gần 1 tỷ người trên khắp thế giới.

Huyết áp cao không được kiểm soát (HA) có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, suy tim và các mối đe dọa nghiêm trọng khác trong cuộc sống. Gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ có HA cao và 45,6% những người có HA cao không được kiểm soát.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp còn tác động không nhỏ đến gia đình, xã hội khi kéo theo nhiều trường hợp tàn phế, hoặc tử vong, chi phí chữa trị tăng cao, mất nguồn thu nhập; gây ảnh hưởng tới đời sống của mỗi cá nhân và gia đình.

Chính vì vậy người bệnh cần cân bằng cuộc sống bằng phương pháp thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc theo đơn của bác sỹ.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong quá trình ngăn ngừa và điều trị tăng huyết áp. Một lối sống lành mạnh sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích:

  • Giảm mức tăng huyết áp
  • Ngăn ngừa hay làm chậm quá trình tiến triển của bệnh tăng huyết áp
  • Tăng hiệu lực của các loại thuốc điều trị tăng huyết áp
  • Giảm nguy cơ biến chứng của bệnh

Nghỉ ngơi thư giãn:

Cũng như nhiều căn bệnh khác, tăng huyết áp sẽ diễn biến xấu hơn nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng tinh thần.

Bạn nên loại bỏ căng thẳng bằng cách: Thư giãn với bạn bè, đọc sách, luyện tập thể thao/xem các chương trình mà bạn yêu thích.

Nếu gặp căng thẳng về tinh thần hay phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực, bạn nên đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn.

Chế độ tập luyện thể dục – thể thao:

Rèn luyện thể lực qua các hoạt động thể dục thể thao là một phần không thể thiếu trong quá trình thay đổi lối sống, điều trị bệnh tăng huyết áp. Thế nhưng, tùy vào từng giai đoạn mà người bệnh tăng huyết áp dụng một số bài tập phù hợp nhằm cân bằng mức huyết áp.

Hãy trao đổi với bác sĩ về chế độ luyện tập phù hợp vận động nhẹ (ví dụ như đi bộ) với tình trạng huyết áp của bạn.

Giữ mức cân nặng ở mức hợp lý:

Thừa cân, béo phì là một trong những nhân tố hàng đầu dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Vì vậy cần duy trì cân nặng BMI bình thường, tránh thừa cân béo phì.

Hạn chế sử dụng chất kích thích:

Việc lạm dụng rượu bia hay cà phê đều khiến bạn bị tăng huyết áp.

Để giữ huyết áp trong giới hạn cho phép, bạn chỉ nên tiêu thụ 200 mg cà phê và

20-30g chất cồn mỗi ngày.

Ngoài ra người bệnh tăng huyết áp cần phải bỏ hút thuốc hoàn toàn.

Thuốc lá làm gia tăng các biến chứng từ tăng huyết áp như đột quỵ và đau tim.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất.

Giảm muối (< 5gram muối/ngày), giàu kali, giàu chất xơ, giảm lượng acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo. Khuyến khích áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp (DASH diet) là chế độ ăn  khuyến khích nhiều rau xanh, quả chín, các sản phẩm sữa ít béo.

Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước.

Nên ăn các loại thực phẩm có nhiều acid béo omega 3 như: Cá hồi, cá thu, cá da trơn.

Dầu thực vật: Dầu đậu nành, dầu đậu phụng, dầu vừng. 

Không nên ăn các loại thực phẩm như sau: Mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh: mì tôm, gà rán, bánh mặn, cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn, nội tạng động vật.

Hãy duy trì chế độ dinh dưỡng, và lối sống phù hợp cùng với việc điều trị và theo dõi đình kỳ nhằm hạn chế các biến chứng của bệnh.

Trung tâm Nội tiết – ĐTĐ Family Bệnh viện Đa khoa Gia Đình liên tục có chương trình tư vấn tầm soát tăng huyết áp và biến chứng miễn phí. Để biết thêm chi tiết liên hệ.