Chăm sóc và theo dõi bệnh nhân: Suy van tĩnh mạch chi dưới

Suy tĩnh mạch là một vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người mắc phải. Các triệu chứng ban đầu của suy tĩnh mạch thường mờ nhạt, khó nhận biết như nặng chân, đau nhức chân. Nếu không được điều trị, suy tĩnh mạch có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe trầm trọng, chẳng hạn như: viêm da, loét tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch mạn tính, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thậm chí dẫn đến tàn phế, tắc mạch phổi, tử vong.

1. Định nghĩa
Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không. Tình trạng này dẫn đến rối loạn về huyết động học làm cho máu ứ trệ trong lòng tĩnh mạch và trở về tim khó khăn.

2. Các yếu tố nguy cơ
– Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn nam, chiếm tỷ lệ 3:1. Sự khác biệt này có thể do các hormone (estrogen, progesterone), thai nghén, đứng lâu, khối lượng cơ thể thấp hoặc sử dụng giày không thích hợp.
– Cách sống và các hoạt động trong công việc: Người làm việc tại các vị trí cần đứng lâu như các xí nghiệp chế biến, công nghiệp nhuộm, dệt may,.. sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Tăng cân.
– Thai nghén hoặc đối tượng có sử dụng thuốc ngừa thai.
– Chế độ ăn kiêng: Những bệnh nhân ăn theo chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.
– Tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch.
– Chủng tộc.
– Phẫu thuật: Có thể gây biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch huyết khối.

3. Phân loại và dấu hiệu nhận biết
 – Suy giãn tĩnh mạch nông: Nằm ở dưới da có thể nhìn thấy, thường có những triệu chứng như đau phía dưới chỗ bị giãn, chân sưng phù, ngứa, có khi viêm da, nổi gân xanh ngoằn ngoèo.
– Suy giãn tĩnh mạch sâu: Nằm ở bên trong cơ nên không nhìn thấy, thường đau nhức, nặng, mỏi chân đặc biệt khi về chiều; sưng phù, nhất là vùng mắc cá chân; chuột rút về đêm; ngứa, cảm giác kiến bò… Các triệu chứng thường giảm khi nằm nghỉ ngơi và gác chân lên cao.
– Suy giãn tĩnh mạch xuyên: Là tình trạng suy giãn các tĩnh mạch nối tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu.

4. Biến chứng thường gặp
Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: Cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
Giai đoạn cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng khó điều trị.

Một biến chứng rất nặng nề và cũng thường hay gặp của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là việc hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi. Biến chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Ngoài ra, chảy máu cũng là một biến chứng cần được lưu tâm đối với bệnh suy giãn tĩnh mạch.

5. Theo dõi và chăm sóc
5.1. Chăm sóc điều trị không dùng thuốc
a. Chăm sóc triệu chứng
– Đau tức vùng chân, nặng chân, tê chân: Massage vùng chân, hạn chế đi lại, gác chân lên tường 10 phút trước khi đi ngủ để máu lưu thông tốt hơn.
– Sưng phù mắc cá chân, vọp bẻ: Cần phải nghỉ ngơi tại giường, kê gối dưới chân.
– Ngứa hoặc viêm da: Vệ sinh vùng chân sạch sẽ, hạn chế gãi tránh làm tổn thương vùng chân, có thể sử dụng thuốc bôi khi có y lệnh bác sỹ.
b. Chăm sóc trong sinh hoạt
– Thay đổi thói quen sinh hoạt: Không ngồi lâu, ngồi bắt chéo chân, đứng lâu.
– Thay đổi thói quen làm việc: Hạn chế ngồi làm việc lâu, có thể đứng lên đi lại vài phút để lưu thông máu, ngồi nghỉ vài phút nếu công việc phải đứng nhiều. Tránh mang vác, khiêng đồ vật nặng.
c. Chăm sóc tinh thần
– Giữ cho tinh thần thoải mái
– Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
– Ngủ đủ giấc, tuyệt đối không làm việc quá sức.
– Hạn chế tối đa sự lo lắng và cảm xúc tiêu cực.
d. Khi có bệnh kèm theo: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì…
– Cần đặc biệt lưu tâm khi điều trị suy giãn tĩnh mạch với các bệnh mạn tính và biến chứng kèm theo. Chú trọng chăm sóc bàn chân, mắt, thận đối với bệnh lý đái tháo đường.
– Giảm cân khi béo phì, duy trì cân nặng hợp lý để tránh việc chèn ép lên chân làm tình trạng bệnh nặng thêm.
e. Chăm sóc khi mang thai
– Cần điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới trước khi mang thai. Bởi vì trong quá trình mang thai chỉ có thể thực hiện được các chăm sóc, điều trị bảo tồn.
f. Những bài tập cải thiện và cách sử dụng vớ
• Bài tập gồng cơ tĩnh
Tăng sức bền các tĩnh mạch chi. Bệnh nhân ngồi ghế tựa thẳng lưng, bàn chân vuông góc mặt đất, nhón mũi chân lên giữ yên trong 5-10p rồi hạ chân xuống lại.
• Vớ áp lực
Là loại vớ đặt biệt ôm vừa khít qua mắt cá chân và chân, sử dụng vớ áp lực được xem là liệu pháp đầu tay cho những người bị giãn tĩnh mạch có triệu chứng từ độ 2C trở lên (giãn tĩnh mạch > 3mm), phương pháp này không áp dụng cho những bệnh nhân cần cắt bỏ giãn tĩnh mạch nông lớn.
Chỉ định dùng vớ và cách chọn vớ tùy thuộc vào tình trạng bệnh sau khi bác sĩ thăm khám. Tuy nhiên, việc dùng vớ cần đạt những mục đích như sau:
– Giảm các dấu hiệu cơ năng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính.
– Dự phòng suy giãn tĩnh mạch mạn tính trong thời gian mang thai.
– Dự phòng tiến triển nặng lên của suy giãn tĩnh mạch khi người bệnh tham gia công việc có nguy cơ cao, bắt buộc phải đứng nhiều.

* Những lưu ý khi sử dụng vớ áp lực
– Áp lực: Việc lựa chọn mức áp lực cần có sự tư vấn của bác sỹ điều trị sau khi thăm khám.
– Kích cỡ: chọn kích cỡ phù hợp với kích thước chân để đạt hiệu quả điều trị. Vớ nhỏ hơn sẽ làm bó chặt chân gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu có thể làm bệnh nặng hơn. Trong khi đó, vớ rộng hơn sẽ không tạo được đủ áp lực lên các tĩnh mạch bị giãn, hiệu quả điều trị giảm.
– Chất liệu: Người bị suy giãn tĩnh mạch cần phải mang vớ cả ngày nên cần lựa chọn loại vớ có chất liệu từ sợi tự nhiên, mềm mịn, thoáng khí.
– Mức độ nén của vớ áp lực:

Một số mức áp lực tham khảo

5.2. Chăm sóc dành cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc
Tất cả các biến chứng được bác sỹ chẩn đoán, sử dụng thuốc theo y lệnh bác sỹ. Chăm sóc điều trị bằng thuốc khi bệnh nhân có biến chứng cụ thể như:
– Viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, viêm cứng: Đến cơ sở y tế khám ngay khi xuất hiện triệu chứng. Nếu có tình trạng viêm, thuốc kháng sinh sẽ được bác sỹ cân nhắc sử dụng.
– Đối với các cục máu đông trong lòng mạch: Siêu âm tĩnh mạch chi dưới để khảo sát, thực hiện chế độ ăn và vận động, sử dụng thuốc.
– Chảy máu: Tránh va chạm với nhiệt độ cao và các vật dụng xung quanh gây tổn thương vùng chân, mang giày dép, tất vớ để bảo vệ chân.
– Giãn toàn bộ tĩnh mạch gây viêm loét: Chăm sóc vết loét.
– Theo dõi tình trạng dị ứng thuốc, khi có những biểu hiển như ngứa, nổi mày đay hoặc tình trạng bệnh không cải thiện cần thông báo với bác sỹ điều trị ngay lập tức.

5.3. Chăm sóc dành cho bệnh nhân đã can thiệp ngoại khoa
a. Tiêm xơ tĩnh mạch
• Theo dõi

– Máu tụ tại vị trí tiêm xơ.
– Viêm tĩnh mạch hay quanh tĩnh mạch (do tiêm quá nhiều chất gây xơ).
– Đám rối loạn sắc tố da, viêm mô dưới da, hoại tử da.
– Tiêm vào động mạch, gây tắc động mạch cấp (biến chứng nguy hiểm cần phải theo dõi vì gây nguy cơ phải cắt cụt chi)
• Chăm sóc
– Chăm sóc triệu chứng:
+ Chườm ấm nếu xuất hiện máu tụ tại chỗ tiêm.
+ Theo dõi sinh hiệu (mạch – nhiệt) nếu xuất hiện viêm tại chỗ tiêm.
+ Vệ sinh vùng chân, chăm sóc da, giữ vệ sinh sạch sẽ.
– Chăm sóc tinh thần:
+ Giữ tinh thần thoải mái, giảm lo lắng.
• Theo dõi sau tiêm
– Theo dõi tại vị trí tiêm xơ và báo bác sĩ khi có triệu chứng bất thường như sưng đỏ đau nhiều, sốt, biến đổi màu da, xuất hiện cục máu tụ,…
– Đeo tất chun áp lực độ II tới tận đùi, có thể kết hợp quấn băng chun nếu cần thiết.

b. Bệnh can thiệp bằng nhiệt laser hoặc năng lượng sóng tần số radio
• Theo dõi và chăm sóc
– Sau thủ thuật người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng. Tuy nhiên cần lưu lại phòng bệnh để theo dõi trong thời gian từ 3-4 giờ.
– Lưu ý báo nhân viên y tế khi có biểu hiện bất thường như sưng nề, căng chân,…
• Dặn dò
– Sau khi về nhà, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, gác chân cao khi nghỉ ngơi, không tháo tất trong vòng 72 giờ, tránh vận động mạnh trong vòng 5 ngày.
– Nếu chân có tình trạng sưng nề, căng chân đột ngột hoặc viêm đỏ dọc vị trí đường đi của tĩnh mạch, tức ngực khó thở, chảy máu, tụ máu tại vị trí chọc thì liên hệ ngay với nhân viên y tế.
– Tái khám định kỳ và khám ngay khi có các biểu hiện bất thường.

c. Bệnh đã can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật)
– Vết mổ được băng gạc vô khuẩn và bệnh nhân được mang vớ ngay sau khi phẫu thuật trong suốt 72h đầu giúp giảm sưng, thâm tím và ngăn ngừa tình trạng chảy máu. Sau 72h bệnh nhân được thay băng vết mổ.
Lưu ý trong 24h đầu sau phẫu thuật
– Không nên lái xe hoặc quay trở lại làm việc.
– Không uống rượu bia.
– Không tham gia hoạt động thể thao hoặc trò chơi thể lực.
– Nghỉ ngơi thư giãn tại chỗ.
– Có thể đi lại nhẹ nhàng sau phẫu thuật 6h.
Lưu ý 1 tuần sau phẫu thuật
– Tránh tập thể dục và hoạt động gắng sức.
– Tránh ngồi lâu trong bồn tắm nóng vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
– Khi nằm thì nên gác chân cao, mỗi lần 15-30p.
– Chăm sóc vết mổ: Sau khi bỏ vớ rửa vết mổ bằng nước muối sinh lý, sát khuẩn mỗi ngày 1 lần, cắt chỉ sau 7 ngày.
Những biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật
– Thâm tím và phù vết mổ có thể xảy ra nhưng sẽ cải thiện sau vài ngày.
– Viêm đỏ hoặc đau dọc theo đường lột bỏ tĩnh mạch giãn: Chườm nóng vào vị trí đau, nếu không hết sau 24 đến 48h thì cần báo bác sỹ.
– Chảy máu nơi vết chỉ may. Đặt 1 miếng gạc lên vị trí chảy máu, nâng chân cao hơn tim, đè ép liên tục trong 15-30’, có thể lặp lại 1 lần nữa, nếu vẫn còn chảy máu thì cần thông báo cho bác sỹ.
Những biến chứng cần báo ngay lập tức cho nhân viên y tế
– Nơi mổ đau, chảy máu, đỏ nhiều hơn hoặc ấm nóng.
– Uống thuốc giảm đau nhưng không khỏi.
– Sốt cao trên 38 độ C.
– Chân đau hoặc phù thấy rõ.
– Da sạm tại noi mổ hoặc loét.

d. Đối với trường hợp bệnh nhân điều trị loét
– Nhận biết: Da có màu đỏ và nâu, hình dạng bất thường. Những vùng đó thường ngứa , nóng, khô. Thường còn bị sưng và phù nề khắp chân, dịch tiết có mùi.
– Vệ sinh, thay băng vết thương hằng ngày để tránh tình trạng bội nhiễm.
– Cắt lọc những phần da và tế bào hoại tử để nhanh liền da, tránh tình trạng hoại tử nặng
– Băng ép được sử dụng để chữa trị loét do suy giãn tĩnh mạch, đảm bảo máu được lưu thông và nhanh lành vết thương.
– Sau khi cắt lọc có thể sử dụng phương pháp Plasma để chăm sóc vết thương, giúp mau lành.
– Kiểm tra mạch, nhiệt độ cơ thể hằng ngày.
– Uống thuốc theo y lệnh của bác sỹ.

6. Dự phòng nguy cơ
6.1. Chế độ ăn
– Ăn đủ dinh dưỡng, giàu vitamin, đủ chất xơ như trái cây, rau quả tươi,.. để tránh táo bón.
– Quản lý cân nặng, không nên để béo phì xảy ra, cân nhắc giảm cân khi cân nặng vượt mức.
– Uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày.
– Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều flavonoid và rutin như quả việt quất, bông cải xanh, ca cao, lúa mạch, măng tây, sung, ớt,…
– Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều magie giúp lưu thông máu và chống viêm, giảm sưng giúp hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả. Gồm có:
+ Các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều chất xơ, vitamin A, E, C như các loại ngũ cốc, súp lơ, dẻ, bơ, rau cải xanh, đu đủ, bí ngô,…
+ Thực phẩm giàu kali như các loại hạt đậu, cá hồi, cá ngừ, sữa tươi, cám ngũ cốc, gạo lứt,…
– Ngoài ra, cần hạn chế việc sử dụng thức ăn có hàm lượng đường hoặc muối quá cao và thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ động vật, cholesterol,..

6.2. Béo phì
– Béo phì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Bởi lúc đó đôi chân sẽ phải gánh một áp lực rất lớn làm ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu. Vì vậy kiểm soát cân nặng trong mức cho phép là một cách hữu hiệu để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
– Tuy nhiên, giảm cân không có nghĩa là ép cân, thực hiện một chế độ ăn uống kham khổ. Thay vào đó là một chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập khoa học, lành mạnh.

6.3. Bia rượu, thuốc lá
– Hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá, đồ uống chứa nhiều cồn hoặc ga, các chất kích thích.

6.4. Quần áo
– Không nên mặc quần áo chật, đặc biệt là quần chật bó sát ở vùng chậu, hông.

6.5. Giày dép
– Nên chọn giày vải sợi mềm, đế thấp, đế có chất liệu ma sát tốt, đảm bảo ôm chân và bảo vệ ngón chân, bàn chân.
– Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót.

6.6. Nằm và ngồi đúng tư thế
Khi nằm, người bệnh nên kê chân bằng hoặc cao hơn vị trí của tim (30 – 45 độ) hoặc 10 – 15cm để tạo điều kiện thuận lợi cho sự lưu thông của máu về tim. Có thể tập vận động chân giống như đạp xe đạp trong không khi trước khi đi ngủ để tạo thuận lợi cho máu về tim qua đường tĩnh mạch. Ghế ngồi có chiều cao phù hợp đảm bảo hai chân sát trên nền nhà, khớp cổ chân khớp háng và khớp gối vuông góc.Tránh các tư thế ngồi gây cản trở quá trình vận chuyển máu lưng thẳng, tránh ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân,…

6.7. Đi lại
Nên đi bộ thường xuyên, hạn chế đi thang máy để có nhiều cơ hội tập cho tĩnh mạch, nếu phải đứng lâu thì thỉnh thoảng dậm chân tại chỗ hoặc chạy tại chỗ để máu lưu thông và giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch.

6.8. Hoạt động
Tránh mang vác, khiêng đồ nặng vì sẽ làm cho máu dồn xuống chân nhiều hơn và tăng áp lực tĩnh mạch hơn
Nếu công việc của bạn buộc phải ngồi hoặc đứng liên tục thì nên thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng thường xuyên.
Tập nâng cao chân đến mức ít nhất là ngang tim 3 hoặc 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút.
Thực hiện các bài tập vận động các ngón chân và bàn chân của bạn xuống và lên vài lần mỗi ngày.

6.9. Tránh nhiệt độ cao
Tránh tiếp xúc nhưững noi có nhiệt dđộ cao. Không nên xoa dầu nóng vào chân, không ngâm chân trong nước nóng, không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, vì nóng càng làm cho tĩnh mạch giãn nỡ và làm giảm khả năng vận chuyển máu trở về.

6.10. Chăm sóc da chân
Không nên thoa dầu vào vùng tĩnh mạch bị sưng hoặc ngâm chân vào nước nóng. Bởi nước nóng làm tăng mức độ giãn nở tĩnh mạch, khiến giảm khả năng vận chuyển máu trở về tim. Thay vào đó, người bệnh nên cắt tỉa móng chân ,vệ sinh sạch sẽ, ngâm chân trong nước ấm, massage nhẹ nhàng vùng bị giãn tĩnh mạch. Có thể sử dụng dầu massage hoặc kem dưỡng ẩm để tăng hiệu quả lưu thông máu.

6.11. Tập thể dục
Thường xuyên vận động và thay đổi nhiều tư thế, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu trong một thời gian dài. Người bệnh nên thực hiện các bài thể dục nhẹ như yoga, đi bộ, đạp xe, khiêu vũ… mỗi ngày, có thể nằm và đạp chân tại chỗ như hình trên. Không nên chơi những môn thể thao cần vận động mạnh, di chuyển nhanh như nhảy cao, nhảy xa, bóng đá.

6.12. Cẩn trọng với thuốc tránh thai
Trong thuốc tránh thai chứa hàm lượng estrogen cao. Các nghiên cứu cho thấy, estrogen với hàm lượng cao có thể làm thay đổi lưu thông máu, góp phần làm phát triển bệnh suy giãn tĩnh mạch. Vì vậy, phụ nữ không nên lạm dụng thuốc tránh thai.
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bệnh lý người bệnh cần thực tới các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được thăm khám và điểu trị sớm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó cần duy trì một lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa và hỗ trợ chăm sóc hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2017), Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành tim mạch.
2. Nguyễn Vân Anh (2018), Đại cương về chẩn đoán và điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, Hội nghị tim mạch toàn quốc lần thứ XVI.
3. Breu FX, Guggenbichler S. European consensus meeting on foam sclerotherapy, April 4–6, 2003, Tegernsee, Germany.Dermatol Surg. 2004; 30:709–717.
Eberhardt, R. T., & Raffetto, J. D. (2014). Chronic venous insufficiency. Circulation, 130(4), 333-346.
4. Kursat B. et al (2017), Chronic venous insufficiency: management and treatment, EMJ Dermatol. 2017;5[Suppl 2]:2-13