Chóng mặt: những điều cần biết

1. Chóng mặt – Những câu hỏi thường gặp?
1.1. Chóng mặt là gì?

Là cảm giác hoang tưởng hay ảo giác về cử động của cơ thể hay môi trường, thường gặp nhất là cảm giác xoay tròn. Chóng mặt thường kèm với tình trạng buồn nôn, tư thế không vững, và thất điều dáng đi. Tình trạng chóng mặt có thể khởi phát hay nặng lên khi cử động đầu.
Cần thiết phân biệt giữa chóng mặt và choáng váng, nhiều người thường dùng từ choáng váng và chóng mặt thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên, theo các nhà lâm sàng, thuật ngữ chóng mặt có chẩn đoán và điều trị chuyên biệt

1.2. Chẩn đoán chóng mặt dựa vào yếu tố nào?
Trước tiên, cần phân biệt chóng mặt với choáng váng
Sau đó, xác định chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên và chóng mặt do nguyên nhân trung ương.

– Chóng mặt ngoại biên:

  • Chóng mặt ngoại biên có nguồn gốc bên ngoài hệ thần kinh trung ương, đặc biệt ở các ống bán khuyên.
  • Chiếm > 90% các trường hợp chóng mặt
  • Nguyên nhân thường gặp nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, và bệnh Ménière.

– Chóng mặt trung ương:

  • Chóng mặt trung ương có nguồn gốc bên trong hệ thần kinh trung ương
  • Chiếm <10% các trường hợp chóng mặt
  • Bao gồm đột quỵ, migraine, u, các bệnh thoái hoá myelin

2. Dịch tể học về chóng mặt
Hơn 20% trường hợp người lớn tuổi ghi nhận trong một tháng có gặp tình trạng choáng váng; một tỉ lệ phần trăm trong con số này có ý nghĩa là chóng mặt thật sự. Ước lượng tần suất xuất hiện trong 1 năm của tình trạng chóng mặt do mọi nguyên nhân chiếm tỉ lệ: 4.9%, chóng mặt do migraine: 0.89%, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính:1.6%; tần suất lưu hành cả đời của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là 2.4% .

– Các nguyên nhân thường gặp nhất của chóng mặt có nguồn gốc tiền đình ngoại biên
+ Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (chiếm 40% chóng mặt ngoại biên)
+ Bệnh Ménière (khoảng 10% chóng mặt ngoại biên).
– Các nguyên nhân trung ương của chóng mặt, như là đột quị tiểu não, thì ít gặp hơn. Gần 25% bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ đột quị được đưa vào cấp cứu với chóng mặt cấp, có nhồi máu tiểu não hay thân não.
– Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV): Tỉ lệ mắc bệnh là 50-100/100.000 dân/ mỗi năm; độ tuổi khởi phát trung bình ở tuổi 60. Tuy nhiên chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào với tỉ lệ gặp phải ở nữ giới cao hơn nam giới.
– Các nghiên cứu toàn cầu chỉ ra, cho dù không có nghiên cứu dịch tễ nào cho thấy sự tăng tần suất chóng mặt ở những vùng địa lý khác nhau. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính của ống bán khuyên sau là thể chóng mặt hay gặp nhất ở hầu hết các quốc gia. Thế những, vẫn có sự ghi nhận một số lượng lớn bất thường của chóng mặt tư thế lành tính ống bán khuyên bên từ Ý và Hàn Quốc.

3. Các hình thái của chóng mặt?
Có thể phân định được các hình thái chóng mặt như:

  • Choáng váng và xây xẩm mắt.
  • Cơn chóng mặt đơn độc hoặc tái phát.
  • Chóng mặt tồn tại kéo dài.
  • Chóng mặt theo tư thế.
  • Dao động mắt.
  • Chóng mặt kèm rối loạn thính giác.
  • Chóng mặt kèm các triệu chứng thân não và tiểu não.
  • Chóng mặt kèm theo nhức đầu.
  • Choáng váng hoặc chóng mặt tái diễn với mất thăng bằng tư thế.
  • Chóng mặt tư thế ám ảnh.

4. Quá trình thăm khám, kiểm tra và các cận lâm sàng cần thiết để đánh giá chóng mặt?

  • Bệnh nhân sẽ được thăm khám hỏi bệnh về tiền sử chóng mặt, tính chất cơn chóng mặt, yếu tố khởi phát, các bệnh lý nền.
  • Bác sỹ sẽ thực hiện kiểm tra qua các nghiệm pháp đánh giá cẩn thận để tìm nguyên nhân và phân loại chóng mặt.
  • Các cận lầm sàng cần thực hiện: xét nghiệm công thức máu, kiểm tra nồng độ đường máu, mỡ máu. Kiểm tra hình ảnh học như chụp MRI sọ não hay CT mạch máu não để đánh giá tổn thương cấu trúc và mạch máu trong não, kiểm tra siêu âm doppler động mạch đưa máu từ tim lên não, kiểm tra các bệnh lý kèm theo như: rung nhĩ, suy tim, tăng huyết áp, suy thận, đái tháo đường,…

5. Chẩn đoán chóng mặt?
Chẩn đoán lâm sàng bao gồm chẩn đoán chóng mặt và các bệnh đồng diễn.
5.1. Chóng mặt có nguyên nhân ngoại biên
Chóng mặt thường kèm theo ù tai hoặc điếc

  • Bệnh tiền đình ngoại vi: viêm mê đạo, viêm tế bào thần kinh tiền đình, bệnh dây thần kinh tiền đình, viêm dây thần tiền đình do virut (herpes).
  • Chóng mặt theo tư thế kịch phát lành tính.
  • Chóng mặt sau chấn thương.
  • Chóng mặt do dây tiền đình bị nhiễm độc và do thuốc.
  • Bệnh/hội chứng Ménière (phù nội dịch).
  • Các bệnh ngoại vi khác: nhiễm khuẩn khu trú, thoái hóa tế bào lông, bất thường di truyền của mê đạo, u dây VIII, sơ hóa tai, rò mê đạo, thiếu máu não cục bộ.

5.2. Chóng mặt có nguyên nhân trung ương
Chóng mặt thường ít khi có giảm thính lực, trừ khi có tổn thương trực tiếp dây VIII

  • Thiếu máu não cục bộ.
  • Bệnh mất myelin của hệ thần kinh trung ương (sau nhiễm khuẩn, xơ cứng rải rác, hội chứng cận ung thư).
  • U góc cầu – tiểu não.
  • Bệnh dây VIII cục bộ hoặc trong bệnh hệ thống.
  • Tổn thương thân não (u, dị dạng động – tĩnh mạch).
  • Các tổn thương của hố sau (u não, tai biến mạch não).
  • Động kinh.
  • Bệnh di truyền (ví dụ thoái hóa gai –tiểu não).
  • Đau nửa đầu tiền đình.

5.3. Xác định bệnh đồng diễn
Trong thực tế, khi bị chóng mặt phần lớn bệnh nhân thường tìm đến các chuyên khoa Tai – mũi – họng hoặc Thần kinh. Tuy nhiên triệu chứng chóng mặt có thể xuất phát từ các bệnh tiêu hóa, tim – mạch, nội tiết, thận – tiết niệu hay hô hấp. Nhiều trường hợp xảy ra sau chấn thương sọ não, mắt, răng – hàm – mặt; một số bệnh nhân có thoái hóa cột sống cổ. Giai đoạn đầu của nhiễm khuẩn thường có thể có biểu hiện sốt, nhức đầu, chóng mặt, nôn. Nhiễm độc hóa chất dùng trong nông nghiệp cũng có thể ảnh hưởng tới thính lực gây rối loạn thăng bằng. Đặc biệt chóng mặt có thể gặp ở các bệnh nhân có rối loạn tâm căn hoặc rối loạn cảm xúc. Ngoài ra một số thuốc có khi gây tác dụng không mong muốn là chóng mặt không đặc hiệu.

6. Biến chứng của chóng mặt nếu không điều trị?

  • Dễ trầm cảm: một trong những nguyên nhân chính là do khi mắc phải bệnh, đa số người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không thể đứng vững và sinh hoạt khó khăn, điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, lạc lõng.
  • Dễ bị té ngã: cơn đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng khi bệnh tái phát đột ngột, nhất là lúc thức dậy vào buổi đêm, đang điều khiển phương tiện giao thông hoặc làm việc trên cao, có thể khiến bệnh nhân gây ra tai nạn nguy hiểm cho chính bản thân và cả những người xung quanh.
  • Nguy cơ đột quỵ, tai biến: rối loạn chức năng tiền đình khiến thông tin liên lạc được truyền đạt tới bộ não của người bệnh bị chậm trễ hoặc sai sót, gây ảnh hưởng đến trí nhớ và dẫn đến một số căn bệnh như: Alzheimer, Parkinson, thiếu máu não,…
    Ngoài ra khi lượng oxy lên não không được cung cấp đầy đủ khiến cho não rơi vào tình trạng thiếu oxy sẽ khiến vùng não bộ ngừng hoạt động, từ đó dẫn đến bệnh thiếu máu lên não, tai biến mạch máu não và u não; nghiêm trọng nhất là đột quỵ khiến người bệnh phải nằm liệt giường và thậm chí là tử vong.
    Do đó khi gặp phải các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán cụ thể và có biện pháp can thiệp kịp thời.

7. Cách phòng tránh nguy cơ chóng mặt?
Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:

  • Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý đặc biệt một số bài tập thích nghi tiền đình: nghiệp pháp Epley.
  • Giảm căng thẳng lo lắng
  • Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
  • Không sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,…
  • Đối với những người bị đau tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ. Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
  • Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.
Hình 1. Nghiệm pháp Epley

8. Bệnh nhân bị chóng mặt cần thực hiện thay đổi lối sống như thế nào?

  • Chế độ dinh dưỡng: người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo như mỡ động vật (lợn, bò,…), kem sữa bò,… vì sử dụng quá nhiều chất béo có thể khiến cholesterol trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Ngoài ra, những đồ uống có chứa chất kích thích như cafein sẽ làm tăng thêm triệu chứng ù tai ở người bệnh và rượu, bia cũng sẽ tác động lên hệ thần kinh gây ra các cơn đau đầu, làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
    Bên cạnh đó, một số thực phẩm có thể đem đến công dụng “kỳ diệu” cho bệnh nhân như thực phẩm giàu chất sắt như rau quả tươi và thịt, giàu magie như các loại đậu, rau lá xanh; thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như niacin, kali và vitamin B.
  • Bổ sung đủ nước hàng ngày: mỗi ngày người bệnh nên uống khoảng 1,5 – 2 lít nước để cung cấp đủ nước cho các quá trình trao đổi chất và các hoạt động của cơ thể được diễn ra hiệu quả. Đồng thời cũng có thể cho người bệnh uống thêm các loại nước ép hoa quả, sinh tố.
  • Luyện tập thể dục thể thao: thường xuyên tập thể dục rất quan trọng, nhất là vùng đầu, cổ gáy, tập đẩy hơi vào hai tai bằng cách dùng hai bàn tay áp vào hai bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Các bài tập riêng dành riêng cho các bộ phận này sẽ hỗ trợ làm giảm thiểu những triệu chứng khó chịu của bệnh, giúp người bệnh duy trì sức khỏe. Tuy nhiên việc tập luyện thể dục cần phù hợp độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh.
  • Hạn chế bị stress căng thẳng, rối loạn lo âu và giấc ngủ: stress, căng thẳng sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn chính vì vậy cần tạo tâm lý vui vẻ thoải mái, tránh căng thẳng, không nên ngồi lâu một chỗ, trước máy vi tính, trong phòng lạnh.
  • Thực hiện khám sức khỏe định kỳ: bệnh nhân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, để phát hiện và can thiệp kịp thời ngay khi thấy xuất hiện dấu hiệu của bệnh rối loạn chức năng tiền đình, để giúp phòng ngừa những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não.

TS. BS. Nguyễn Văn Vy Hậu
Phó Giám đốc Chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Nội tiết Đái tháo đường Family