Những điều cần lưu ý trong theo dõi đái tháo đường thai kỳ

Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khoảng 9.2% số phụ nữ mang thai bị đái tháo đường trong thai kỳ.
Bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé, nhưng có thể được kiểm soát dễ dàng nếu bạn phát hiện sớm và tuân thủ quá trình điều trị. Vậy những phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sẽ cần lưu ý những vấn đề nào trong suốt quá trình mang thai cũng như giai đoạn chuyển dạ sau sinh.

1. Giai đoạn mang thai
1.1 Quản lý tốt đái tháo đường thai kỳ
Mục tiêu Glucose máu trong thời gian mang thai đối với ĐTĐ thai kỳ hay ĐTĐ thật sự như sau:

Bảng 1: Mục tiêu đường máu

 

– Xét nghiệm HbA1c nên duy trì < 6,0 % kiểm tra 1 tháng 1 lần đối với ĐTĐ thật sự.
– Để đạt được mục tiêu như trên các bà mẹ cần phải tuân thủ và điều chỉnh một số chế độ sinh hoạt hàng ngày như chế độ ăn, tập luyện, theo dõi đường máu mao mạch tại nhà theo những khuyến cáo sau:
+ Kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu càng gần bình thường càng tốt, nhưng không gây hạ glucose máu hoặc nguy cơ hạ glucose máu.
+ Khuyến cáo xử trí ban đầu các sản phụ bị ĐTĐTK bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện mức vừa phải trong 30 phút hoặc hơn.
+ Khuyến cáo dùng các liệu pháp làm hạ glucose máu nếu việc thay đổi lối sống không đủ để duy trì glucose máu đạt mục tiêu ở các phụ nữ bị ĐTĐTK.
– Thai phụ cần được theo dõi bởi các bác sỹ chuyên khoa Nội Tiết – Đái tháo đường và phối hợp với các bác sỹ Sản khoa để hội chẩn khi cần thiết.

1.2 Theo dõi đường máu tại nhà như thế nào?
– Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cần phải trang bị cho mình một máy thử đường. Bác sỹ sẽ cung cấp cho bạn các mục tiêu điều trị, thực đơn dinh dưỡng cũng như bảng theo dõi đường máu tại nhà trong 2 tuần.
– Hiện tại Trung tâm Nội tiết đang áp dụng quản lý theo dõi đường máu từ xa qua công cụ hỗ trợ Google sheet. Công cụ sẽ làm tăng kết nối và tương tác đa chiều giữa người bệnh, người chăm sóc và nhân viên y tế. Với các tính năng nổi trội, bạn hoàn toàn có thể nhận diện mức đường máu của mình một cách nhanh chóng, bác sỹ sẽ theo dõi sát và tư vấn kịp thời khi có bất thường.
– Việc theo dõi đường máu tại nhà và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường máu. Sau 15 ngày theo dõi liên tục đường máu tại nhà nếu có hơn 30% tổng số lần vượt qua mục tiêu điều trị bạn cần phải găp lại bác sỹ để tư vấn và quyết định liệu pháp điều trị bằng thuốc.

1.3 Theo dõi cân nặng mẹ
– Cân nặng của người mẹ trong thời gian mang thai rất quan trọng bởi vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và cân nặng thai nhi trong bụng. Nếu trường hợp mẹ bầu tăng cân quá ít khiến cho thai nhi không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất đáp ứng để phát triển và bé có nguy cơ sinh non cao. Và ngược lại, trong trường hợp mẹ bầu tăng cân nhiều trong quá trình mang thai cho thấy mẹ đang có chế độ ăn uống chưa hợp lý, nguy cơ đường trong máu tăng cao.
– Vậy cân nặng của người mẹ như thế nào là tốt nhất? Thông thường mỗi người sẽ có cân nặng khác nhau. Vì vậy chúng ta sẽ tính theo số cân tăng trong quá trình mang thai của người mẹ.

Bảng 2: Tăng cân hợp lý cho phụ nữ mang thai

1.4 Tại sao theo dõi cử động thai lại quan trọng?
– Trong thời gian mang thai, cảm giác em bé đang chuyển động giúp bạn yên tâm về sức khỏe của bé. Đó là một dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển về kích thước và sức mạnh. Mẹ bầu thường được hướng dẫn theo dõi và lưu ý đến cử động thai ở 3 tháng cuối thai kỳ, từ tuần 28. Nếu để ý thấy em bé của bạn cử động ít hơn bình thường, nó có thể là một dấu hiệu cho thấy em bé không được khỏe và do đó, bạn cần phải đến bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé.
– Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa cử động thai với chức năng bánh nhau, các bất thường của tử cung, thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy theo dõi cử động thai hàng ngày giúp giảm nguy cơ thai chết lưu trong tử cung.

1.5 Dấu hiệu nguy hiểm cần theo dõi.
– Đau bụng
Đau bụng đây là dấu hiệu cảnh báo có thể là của doạ sảy thai, sảy thai hoặc đẻ non…Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không).
– Ra máu âm đạo
Ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non.
– Đau đầu, nhìn mờ
Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ, tăng đường máu cấp hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân).
– Phù
Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn… đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.
– Ra nước âm đạo
Nếu thấy ra nước âm đạo bất kỳ lúc nào trong thời kỳ thai nghén, có thể bạn đã bị rỉ ối. Nếu gần đến ngày dự kiến sinh mà nước ra nhiều, có thể bạn đã vỡ ối.
– Sốt trên 38 độ C
Sốt trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân và có thể kèm theo phát ban ở da. Nếu sốt kèm theo có ra nước âm đạo trên 6 giờ có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể do nhiễm một số loại viruss, trong đó có một số loại như cúm, Rubella, Zika…có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ…
– Không thấy cử động thai
Thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai, kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối.
Khi thấy các dấu hiệu bất thường trên bạn cần đến ngày cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.

2 Giai đoạn chuyển dạ và chăm sóc sau sinh.
2.1 Thời điểm và phương pháp sinh
– Nếu thai phụ có tình trạng thai kỳ ổn định, cân nặng thai ở mức cho phép, đường máu đạt mục tiêu điều trị thì có thể theo dõi và sinh ở tuần thai 40-41.
– Ở các thai phụ có nguy cơ cao, kiểm soát đường máu không đạt mục tiêu, thai to có thể chỉ định chuyển dạ sớm (tuần 38-39) hơn và sử dụng phương pháp sinh mổ.
(Mỗi phụ nữ mang thai có một tình trạng khác nhau vì vậy, bác sĩ Sản khoa sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên tốt nhốt cho bạn)
2.2 Theo dõi sau sinh
2.2.1 Trẻ sơ sinh
– Ngay sau sinh, trẻ được chăm sóc và theo dõi tại khoa sơ sinh.
– Theo dõi tình trạng tim mạch, hô hấp (cần phát hiện kịp thời hội chứng suy hô hấp cấp, đánh giá bởi bác sĩ sơ sinh).
– Nếu thai phụ ĐTĐTK không kiểm soát glucose huyết tương tốt, cần chú ý hạ glucose huyết tương ở trẻ sơ sinh.
2.2.2 Theo dõi và chỉnh liều Insulin cho mẹ
– Đối với thai phụ ĐTĐTK:
+ Ngay sau sinh không cần dùng Insulin vì glucose huyết tương thường trở về bình thường.
+ Kiểm tra glucose huyết tương đói ngày hôm sau.
– Đối với ĐTĐ và thai kỳ (ĐTĐ thực sự):
+ Sau sinh nếu glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/L: phải sử dụng Insulin cho mẹ,
+ Nếu đang dùng Insulin, liều Insulin giảm một nửa so với liều trong thời gian mang thai, ngay sau sinh
+ Tăng dần liều trở về gần liều bình thường sau khoảng 4 – 5 ngày.
2.2.3 Cho con bú và hậu sản
– Cho bé bú sớm nhất có thể, ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.
– Thực hiện da kề da ít nhất ngày đầu sau sinh.
– Cho bú sữa non mỗi 2 – 3 giờ/lần.
– Áp dụng biện pháp tránh thai như bao cao su, dụng cụ tử cung, viên thuốc ngừa thai kết hợp hàm lượng thấp.
– Tầm soát sớm ĐTĐ týp 2 cho các phụ nữ có ĐTĐTK:
+ Sau sinh 4 – 12 tuần: làm lại nghiệm pháp dung nạp Glucose (xét nghiệm 75 gram Glucose – 2 giờ).
+ Nếu kết quả bình thường sau sinh: tầm soát định kỳ 1 năm/lần.
+ Nếu kết quả có 1 trị số vượt ngưỡng: tiền đái tháo đường chuyển Nội tiết, theo dõi và quản lý.
+ Nếu kết quả có từ 2 trị số vượt ngưỡng: ĐTĐ chuyển Nội tiết điều trị và theo dõi.

Những thông tin hướng dẫn theo dõi sự phát triển thai kỳ trên đây hy vọng sẽ giúp các bạn có được kiến thức cần thiết để theo dõi dễ dàng hơn trong thời gian mang thai. Mọi thắc mắc bạn vui lòng liên trực tiếp với bác sỹ điều trị hoặc qua số hotline của Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family: 0944 225 115

Tài liệu tham khảo
1. 15. Management of Diabetes in Pregnancy: Standards of Medical Care in Diabetes. (2022). American Diabetes Assosiation.
2. Counting Baby Kicks. (2020). American Pregnancy Association.
3. Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ – Bộ y tế