Gan nhiễm mỡ có thực sự nguy hiểm??

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều trong gan, thường gặp ở mọi độ tuổi. Theo thống kê, có khoảng 20 – 30% dân số Việt Nam mắc gan nhiễm mỡ. Nếu điều trị không kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, tầm soát và kiểm tra chỉ số men gan theo định kỳ rất cần thiết nhằm bảo vệ lá gan luôn khỏe mạnh.

1. Chức năng của gan trong cơ thể

Gan là cơ quan đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sức khỏe, với chức năng  thanh lọc độc tố, chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng (đường, axit béo, lipit,…) và dự trữ năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, khi gan chứa một lượng mỡ tương nhiều đối lớn, các chức năng nói trên có thể bị bị gián đoạn và ảnh hưởng.

2. Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều ở gan, hơn 5% so với 2 – 4% như ở người bình thường. Bệnh thường diễn ra âm thầm nên rất khó nhận biết, chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm tổng quát.

Phân độ gan nhiễm mỡ theo Hasen-Ansert trên siêu âm:

  • Độ I (nhẹ): Gan tăng âm nhẹ, nhìn thấy rõ bờ mạch máu và cơ hoành.
  • Độ II (vừa): Gan tăng âm vừa, tăng độ hút âm vừa, giảm nhìn thấy bờ các tĩnh mạch trong gan và cơ hoành.
  • Độ III (nặng): Gan tăng âm nhiều, tăng hút âm mạch, không nhìn thấy rõ bờ các mạch máu và cơ hoành.

 Trước đây, nhiều người nghĩ rằng gan nhiễm mỡ vô hại. Tuy nhiên đây là một trạng thái bệnh lý tiến triển lâu dài, trên 10 năm và khoảng 20% trường hợp chuyển thành thành tổn thương không hồi phục như xơ ganung thư gan.

Gan nhiễm mỡ có 4 cấp độ:

Cấp độ 1

Giai đoạn đầu của gan nhiễm mỡ, bệnh nhẹ, lành tính, chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tỉ lệ mỡ chiếm 5 – 10% trọng lượng gan, tích tụ không viêm (AST, ALT bình thường).

Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này không rõ ràng, chủ yếu phát hiện qua thăm khám. Do đó, bệnh cứ tiến triển âm thầm khiến lượng mỡ tích trụ trong gan ngày càng nhiều hơn, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị đúng cách, gan có thể phục hồi chức năng và khỏe mạnh trở lại.

Cấp độ 2

Tỉ lệ mỡ chiếm trên 10 – 25% trọng lượng gan, có viêm (AST, ALT tăng cao). Mỡ đã lan rộng ra các mô gan, cơ hoành, làm giảm các đường bờ của các tĩnh mạch trong gan. Nhưng đây vẫn được xem là giai đoạn đầu của bệnh, vẫn chưa gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có thể nhanh chóng chuyển sang cấp độ 3 nếu không điều trị.

Ở giai đoạn 2, người bệnh cũng chưa xuất hiện dấu hiệu lâm sàng của gan nhiễm mỡ mà chỉ có thể chỉ phát hiện khi siêu âm hoặc chụp cắt lớp gan.

Cấp độ 3

Tỉ lệ mỡ chiếm trên 25 – 30% trọng lượng gan, có viêm (AST, ALT tăng cao). Các mô mỡ làm trì trệ chức năng thải độc, chuyển hóa của gan khiến bệnh rất khó điều trị và phục hồi.

Cấp độ 4

Là giai đoạn cuối của bệnh, tình trạng tích tụ mỡ trên 30% trọng lượng gan, nhu mô gan bị tổn thương, xơ hóa không hồi phục. Đây là những nguyên nhân dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 4 dễ phát hiện hơn vì đã có một số biểu hiện lâm sàng như: buồn nôn, vàng da, ăn uống không tiêu, đau bụng… Để phục hồi các tổn thương ở tế bào gan cần có thời gian và cách chữa trị phù hợp.

Gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan

3. Nguyên nhân và các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, tuy nhiên có một số nhóm nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ như:

  • Thừa cân.
  • Bệnh suy giáp.
  • Suy tuyến yên.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Sử dụng các thuốc điều trị ung thư.
  • Phẫu thuật dạ dày, ruột.
  • Nồng độ Cholesterol cao.
  • Lượng Triglycerides trong máu cao.
  • Hội chứng buồn trứng đa năng.
  • Lối sống, chế độ ăn uống không khoa học.
  • Hội chứng chuyển hóa.

4. Triệu chứng gan nhiễm mỡ

Khoảng 70% trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng. Nếu có thì thường không điển hình, đặc hiệu cho bất kỳ một bệnh lý nào, cụ thể như:

  • Chán ăn.
  • Sốt nhẹ
  • Buồn nôn.
  • Cảm giác no, đầy bụng.
  • Ngán dầu mỡ.
  • Nặng hạ vùng sườn phải.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh gan nhiễm mỡ

5. Các phương pháp chuẩn đoán

– Chuẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ)

Thấy hình ảnh gan nhiễm mỡ, tuy nhiên không đánh giá được đầy đủ chức năng gan và các tổn thương khác ở gan.

– Xét nghiệm máu

Đánh giá sự được thay đổi của men gan (men gan tăng). Nhờ đó, tìm ra các nguyên nhân gây tổn thương gan.

– Sinh thiết gan

Khi sinh thiết gan, Bác sĩ tiến hành gây tê, sử dụng kim sinh thiết lấy ra một mảnh tổ chức gan để kiểm tra tế bào học. Với phương pháp chuẩn đoán này, Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gan nhiễm mỡ một cách rõ ràng.

Nhưng, vì là xét nghiệm xâm lấn cho nên ít khi được ứng dụng trong thực hành lâm sàng. Chỉ tiến hành sinh thiết gan để chuẩn đoán gan nhiễm mỡ trong những trường hợp không rõ triệu chứng nhưng người bệnh bị tăng men gan.

6. Cách điều trị bệnh hiệu quả

Gan nhiễm mỡ ở cấp độ 1 và 2 có thể phục hồi hoàn toàn nếu người bệnh tầm soát sớm, điều trị đúng cách. Từ giai đoạn 3 trở đi, có can thiệp thì các tổn thương cũng không phục hồi. Do đó, cần điều trị càng sớm càng tốt.

Gan nhiễm mỡ không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị tốt các nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:

  • Người béo phì, ít vận động cần tích cực giảm cân, tăng cường vận động, điều chỉnh chế độ ăn.
  • Gan tổn thương do sử dụng thuốc, cần chuyển sang sử dụng các loại thuốc ít tổn hại đến gan hơn.
  • Mắc các bệnh lý nội tiết, cần điều trị dứt điểm các bệnh lý nội tiết.
  • Gan nhiễm mỡ do sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng, nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc chống oxy hóa ở gan, các loại thuốc Đông Y. Tuy nhiên, cần tham vấn ý kiến Bác sĩ điều trị trước khi dùng.

Lưu ý điều trị gan nhiễm mỡ không phụ thuộc vào thuốc hạ mỡ máu. Bởi, có rất nhiều trường hợp gan nhiễm mỡ nhưng không có rối loạn chuyển hóa lipid. Việc điều trị gan nhiễm mỡ chỉ kết hợp với thuốc hạ mỡ máu khi hàm lượng lipid trong máu tăng cao. Vì vậy, chỉ sử dụng loại thuốc này theo sự chỉ định của Bác sĩ.

7. Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ

Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ bạn nên:

  • Tăng cường rau xanh: rau cải, rau ngót, rau cần.
  • Gia vị: hành, tỏi, trà xanh, Atiso.
  • Các loại trái cây ít ngọt: trái cây có múi.
  • Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật như: dầu nành, dầu mè, dầu cám, dầu oliu. Nên ăn trực tiếp, không đun nấu.
  • Tăng cường vận động 30 phút/ngày: đi bộ, bơi lội, cầu lông, đi xe đạp…
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Bổ sung cá vào thực đơn ăn uống.
  • Hạn chế căng thẳng, lao động quá sức.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, theo dõi chu đáo khi bị rối loạn lipid máu.

Bên cạnh đó, cần kiêng tuyệt đối một số thực phẩm, thức uống như:

  • Rượu, bia, thuốc lá.
  • Không nên ăn phủ tạng động vật, mỡ động vật.
  • Các loại thịt đỏ.
  • Thực phẩm có nhiều tinh bột.
  • Thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo…

Gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh lý nguy hiểm về gan. Vì vậy, bạn nên tầm soát bệnh gan theo định kỳ hoặc ngay khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường để kịp thời ngăn chặn những diễn biến trầm trọng của bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. Radiology- Chẩn đoán hình ảnh, Hepatic Steatosis, Bs Hoàng Văn Trung, https://www.cdha.info/bung-chau/gan-nhiem-mo-hepatic-steatosis/
  2. Non-alcoholic fatty liver disease (NAFLD), https://www.nhs.uk/conditions/non-alcoholic-fatty-liver-disease/