Có mối liên quan giữa kích thước nhân giáp và nguy cơ ác tính hay không?

Nhân tuyến giáp hay còn gọi là bướu nhân tuyến giáp, là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo thành khối đơn độc hoặc nhiều khối với dạng nang hoặc rắn trong tuyến giáp, làm thay đổi cấu trúc và chức năng nội tiết của tuyến giáp [1].

Hình minh hoạ nhân giáp [2]

Đây là bệnh lý nội tiết rất thường gặp, đứng hàng thứ hai sau bệnh đái tháo đường. Tần suất phát hiện nhân tuyến giáp qua thăm khám lâm sàng khoảng 2-6%, nhưng lên đến 20-76% trên siêu âm. Tỷ lệ phổ biến của bệnh nhân tuyến giáp được báo cáo phụ thuộc vào dân số được nghiên cứu và các phương pháp được sử dụng để phát hiện các nhân. Tỷ lệ mắc bệnh nhân tuyến giáp tăng theo tuổi và tăng ở phụ nữ, ở những người bị thiếu iốt và sau khi tiếp xúc với bức xạ [3]. Mặc dù hơn 90% các nhân giáp được phát hiện là tổn thương lành tính, tuy nhiên tính chất lành tính hay ác tính là vấn đề quan tâm hàng đầu ở bệnh nhân cũng như bác sĩ trong việc tiên lượng cũng như điều trị đối với người bệnh có nhân giáp [3].

            Siêu âm trở phương pháp phổ biến và tiết kiệm chi phí nhất để đánh giá và quan sát cũng như gợi ý về tính chất của nhân giáp [4]. Trong đó, kích thước nhân giáp là một chỉ số được tính thường quy trên siêu âm, vậy liệu có mối liên quan nào giữa kích thước nhân giáp và nguy cơ ác tính của nhân hay không? Đây là câu hỏi đã được đặt ra nhiều năm và nhiều nghiên cứu với quy mô lớn, độ tin cậy cao đã được tiến hành.

Tại Mỹ, Merica Shrestha và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trong vòng 10 năm (2001-2011) khảo sát trên 3013 bệnh nhân được thực hiện chọc hút kim nhỏ nhân tuyến giáp (FNA), trong đó có 667 bệnh nhân được phẫu thuật, sau khi loại trừ bệnh nhân có kích thước nhân giáp < 0.5cm, không làm FNA, không thực hiện siêu âm tiền phẫu thì còn lại 540 bệnh nhân với 695 nhân giáp, được chia thành 3 nhóm theo kích thước nhân giáp tăng dần (từ 0.5cm đến trên 4cm). Kết quả nghiên cứu ghi nhận có 129/695 nhân giáp ác tính, chiếm tỉ lệ 18.6% và nguy cơ ác tính không có sự khác biệt giữa 3 nhóm bệnh nhân này (p=0.33), đồng thời kích thước trung bình giữa nhóm nhân giáp lành tính và ác tính tương ứng là 2.6cm và 2.7cm (p=0.15) [5].

Một nghiên cứu khác, được cho là lớn nhất đến thời điểm này, cũng đã được tiến hành tại Mỹ trong thời gian kéo dài đến 15 năm (năm 1995- 2009), được đăng trên tạp chí JCEM vào năm 2013, đã khảo sát  4955 bệnh nhân với tổng cộng 7348 nhân giáp có kích thước >1cm được theo dõi và đánh giá dưới siêu âm, kỹ thuật FNA cũng như tiến hành phẫu thuật và giải phẫu bệnh. Gần 5000 nhân giáp này cũng được chia thành 2 nhóm lớn theo kích thước, nhóm có kích thước 1.0 – 1.9cm (nhóm 1) và nhóm có kích thước từ 2cm (nhóm 2), trong đó nhóm 2 được chia thành 3 nhóm nhỏ hơn nữa theo kích thước tăng dần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kích thước nhân giáp ảnh hưởng đến nguy cơ ác tính theo kiểu phi tuyến tính (p < 0.01), nguy cơ ác tính tăng ở nhóm có kích thước nhân giáp có kích thước từ 2cm trở lên so với nhóm nhân giáp có kích thước từ 1cm- 1.9cm (với tỉ lệ nhân giáp ác tính ở nhóm 1 và  nhóm 2 tương ứng là 10.5% và 15%, nhưng trong các phân nhóm theo kích thước tăng dần của nhóm 2, thì tỉ lệ này không thay đổi. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ các loại ung thư như ung thư thể nang và các thể ung thư giáp hiếm gặp hơn lại tăng dần tương ứng với kích thước của nhân (p<0.01) [6].

Gần đây nhất, tại Hàn Quốc, một nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm, sử dụng dữ liệu từ hệ thống TIRADS ở 4 tổ chức khác nhau trong thời gian từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 5 năm 2011, đã khảo sát 2000 nhân giáp trên 1802 bệnh nhân, sau khi phân các nhân giáp được khảo sát thành 3 nhóm theo kích thước tăng dần, để so sánh tỉ lệ nhân giáp ác tính theo hình ảnh siêu âm cũng như theo phân type giải phẫu bệnh, đã cho kết luận rằng nhìn chung nguy cơ ung thư giáp không tăng theo kích thước nhân giáp (p = 0.544), tỉ lệ ác tính giữa 2 nhóm nhân giáp có kích thước <3cm và >= 3cm tương ứng là 22.9% và 21.6%, là không khác nhau đáng kể (p = 0.569) [7].

Mặc khác có một số nghiên cứu cũng như khuyến cáo được đưa ra với kết quả ngược lại. Một nghiên cứu được tiến hành trong vòng 5 năm, quan sát tất cả kết quả FNA tuyến giáp của bệnh nhân tại bệnh viện Mothedist (Texas) với tổng cộng 3977 nhân giáp, đồng thời khảo sát các thông số khác như kích thước nhân giáp trên siêu âm, giới tính, tuổi. Bên cạnh việc chỉ ra tuổi không phải là yếu tố dự đoán nguy cơ ung thư tuyến giáp, nghiên cứu cũng cho kết quả hoàn toàn ngược lại về mối liên quan giữa nguy cơ ác tính của nhân giáp và kích thước nhân, rằng tỉ lệ ác tính tăng lên ở nhân giáp có kích thước lớn hơn 2cm, với 19% ở nhóm có kích thước <2cm và 47% ở nhóm có kích thước từ 2cm trở lên (p < 0.001) [9].

 Một nghiên cứu khác khảo sát 1003 nhân giáp trên 659 bệnh nhân cũng được tiến hành đầy đủ các xét nghiệm như những nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, trong số các nhân giáp ác tính (chiếm 26% tổng số nhân giáp nghiên cứu) thì nguy cơ ác tính giảm dần theo kích thước nhân giáp với 57% ở nhóm có kích thước <1cm và 20% ở nhóm nhân giáp có kích thước >6cm [10].

Theo khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ ATA năm 2015 đã đưa ra khuyến cáo trong việc theo dõi bệnh nhân có nhân tuyến giáp chưa được làm FNA cũng như có kết quả FNA nhân tuyến giáp lành tính lần 1 và lần 2 như sau: tiến hành siêu âm theo dõi kiểm tra mỗi 12-24 tháng với các nhân giáp lành tính hoặc nghi ngờ mức độ thấp hoặc trung bình trên siêu âm, nếu có sự tăng 20% ở ít nhất 2 chỉ số về kích thước nhân giáp (với mức tăng tối thiểu là 2mm) hoặc thể tính khối nhân giáp tăng hơn 50% thì tiến hành kiểm tra lại bằng FNA, và tiếp tục kiểm tra lại bằng FNA nếu có sự thay đổi về kích thước như trên ở các lần khám tiếp theo [8].

Tóm lại, mối liên quan giữa kích thước nhân giáp và nguy cơ ác tính đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nguy cơ ác tính tăng dần khi kích thước nhân giáp tăng lên đến 2cm và không thay đổi hoặc giảm đi ở các nhân giáp có kích thước lớn hơn 2cm. Tuy nhiên ở các thể ung thư giáp hiếm gặp, thì nguy cơ ác tính lại tăng dần với kích thước nhân giáp đo được trên siêu âm.

Tài liệu tham khảo

  1. Edgar A. Zamora, Swapnil Khare, Sebastiano Cassaro, (2020), “Thyroid nodule”. Statpearls [Internet].
  2. (2018) “Thyroid nodule”. Cleveland Clinic.
  3. Douglas S.Ross, (2017) “Overview of thyroid nodule formation”. Uptodate.
  4. Diana S Dean, Hossein Gharib, (2008), “Epidemiology of thyroid nodules”. Best Pract Res Clin Endocrinol Metab, 22(6), 901-911.
  5. Merica Shrestha, Barbara A Crothers, Henry B Burch, (2012) “The impact of thyroid nodule size on the risk of malignancy and accuracy of fine-needle aspiration: a 10-year study from a single institution”. Thyroid: offical journal of the American Thyroid Association, 22(12), 1251-1256.
  6. Sophia C. Kamran, Ellen Marqusee, Mathew I. Kim et al (2013) “Thyroid Nodule Size and Prediction of Cancer”. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 98(2), 564–570.
  7. Min Ji Hong, Dong Guy Na, Jung Hwan Baek, (2018) “ Impact of nodule size on malignancy risk differs according to the Ultrasonography pattern of thyroid nodules”. Korean Journal of Radiology, 19(3), 534-541.
  8. The American Thyroid Association Guideline Task Force on Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer (2016) “American Thyroid Association Management Guideline for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer”. Thyroid, 26 (1), 25-27.
  9. Kirtee Raparia, Soo Kee Min, Dina R. Mody et al (2009) “Clinical outcomes for “Suspicious” category in thyroid fine-needle aspiration biopsy: patient’s sex and nodule size are possible predictors of malignancy”. Arch Pathol Lab Med 133(5): 787-790.
  10. Allison Cavallo, Daniel N. Johnson, Michael G. White et al (2017), “Thyroid nodule size at ultrasound as a predictor of malignancy and final pathologic size”. Thyroid: offical journal of the American Thyroid Association 27(5), 641-650.

Tác giả: BS. Phạm Nguyễn Tuyền Linh – Trung tâm NT- ĐTĐ Family