Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ

Các bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, do có sự thay đổi hàng loạt yếu tố sinh lý trong thai kỳ nên sinh lý tuyến giáp cũng có sự thay đổi.

Sự cần thiết sàng lọc bệnh lý giáp trong thai kỳ ?

Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của người mẹ. Cũng trong giai đoạn này, bắt đầu sự hình thành và phân chia các cơ quan trong cơ thể trẻ diễn ra. Chính vì vậy, các bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ?

Do có sự thay đổi hàng loạt yếu tố sinh lý trong thai kỳ như tăng Beta HCG, tăng TBG, tăng bài tiết iod niệu, tăng thể tích huyết tương, thay đổi miễn dịch…, sinh lý tuyến giáp cũng có sự thay đổi. tuy nhiên quan trọng nhất là sự thay đổi hocmon và thể tích:

  • Thay đổi về hóc môn: Khi mang thai cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hóc môn chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hóc môn TSH (hóc môn kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hóc môn sinh dục nữ) sẽ làm tăng hóc môn tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hóc môn tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
  • Thay đổi về kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10- 15%,

Chính sự thay đổi này làm cho các xét nghiệm và hình ảnh học  có sự thay đổi giá trị tham chiều ở trong thai kỳ.

Thay đổi các marker sinh học tuyến giáp thai kỳ

  • TSH (hocmon kích thích giáp trạng): Giá trị tham chiếu của TSH thay đổi theo các quý của thai kỳ, theo hội giáp trạng Hoa Kỳ 2015, ở quý 1 thì TSH có giá trị 0,1-2,5mUI/l, quý 2: 0,2-3,0mUI/L, quý 3: 0,3-3,0mUI/L. TSH nên định lượng mỗi 4 tuần nếu TPO anti (+) trong quý đầu, nếu ổn định định lượng lại trong quý 2 và 3 trong thai kỳ. Sau sinh, TSH nên định lượng lại sau 3 và 6 tháng để tầm soát viêm giáp chu sinh.
  • FT4 (T4 tự do): tăng nhẹ trong quý 1 sau đó giảm dần ở quý 2 và 3.
  • TPO anti và Tg Anti: giá trị bình thường của TPO Ab <= 34ui/ml, Tg Ab <= 34ui/ml. Dương tính ở 2-17% phụ nữ mang thai. Phụ nữ có TPO anti hoặc Tg anti dương tính, có nguy cơ sảy thai gấp 2 lần so với bình thường.
  • TRAb: được dùng để phân biệt cường giáp basedow và nhiễm độc giáp thoáng qua trong thai kỳ. TRAb có thể qua nhau thai gây nên nhiêm độc thai nghén. Nếu định lượng TRAb gấp 3 lần bình thường, nên theo dõi sát thai nhi.

Đối tượng nào cần tầm soát chức năng giáp trong thai kỳ ?

Những sản phụ cần thực hiện tầm soát chức năng tuyến giáp trong thai kỳ khi có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Thai phụ có bệnh lý giáp từ trước: basedow, suy giáp, cường giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
  • Thai phụ đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần thai trước
  • Thai phụ có tiền sản sản khoa không tốt như sảy thai, lưu thai, sinh non, sinh con dị tật bẩm sinh…
  • Phụ nữ mắc tiểu đường type 1
  • Phụ nữ mắc các bệnh tự nhiễm như lupus, viêm khớp dạng thấp…
  • Phụ nữ đang điều trị suy giáp
  • Phụ nữ có tiền sử đã phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ cùng cổ, đầu…

Ths. Bs. Nguyễn Văn Bằng

Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường FAMILY

Tài liệu tham khảo:

  1. Uptodate: Overview of thyroid disease in pregnancy
  2. 2017 Guidelines of the American Thyroid Association for the Diagnosis and Management of Thyroid Disease During Pregnancy and the Postpartum
  3. Rajput R, et al. Prevalence of Thyroid Peroxidase Antibody and Pregnancy Outcome in Euthyroid Autoimmune Positive Pregnant Women from a Tertiary Care Center in Haryana. Indian J Endocrinol Metab. 2017;21(4):577–580. doi:10.4103/ijem.IJEM_397_16
  4. G. Barbesino, Y. Tomer (2013) “Clinical review: Clinical utility of TSH receptor antibodies”. J Clin Endocrinol Metab, 98 (6), 2247-55.