Lợi ích của hoạt động thể chất đối với sức khỏe

Duy trì thói quen hoạt động thể chất, tránh lối sống tĩnh tại mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

1. Hoạt động thể chất là gì?

Hoạt động thể chất được định nghĩa là bất kỳ chuyển động nào của cơ thể được tạo ra bởi sự co lại của cơ xương, dẫn đến tăng đáng kể nhu cầu năng lượng so với khi nghỉ ngơi.

Căn cứ theo định nghĩa này, những hoạt động có kế hoạch, có cấu trúc, lặp đi lặp lại như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chơi thể thao… với mục đích cải thiện, duy trì nền tảng thể lực; hay các  hoạt động hằng ngày như quét nhà, nấu ăn, đi chợ, giặt đồ… đều là hoạt động thể chất.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị mỗi người nên duy trì thói quen hoạt động thể chất, tránh lối sống tĩnh tại để mang lại những lợi ích sức khỏe cho cơ thể, cải thiện chức năng tim mạch, hô hấp, tăng cường sức bền, sức mạnh, tính dẻo dai và thăng bằng…

2 Những lợi ích của việc hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên?

a) Cải thiện chức năng tim mạch và hô hấp

  • Tăng khả năng chịu đựng của tim mạch
  • Cải thiện khả năng sử dụng oxy của cơ thể
  • Giảm nhịp tim, cải thiện khả năng thông khí lúc nghỉ ngơi
  • Tăng mật độ các mao mạch trong cơ xương
  • Tăng ngưỡng chịu đựng đối với các hoạt động cường độ cao của cơ thể
  • Cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động thể lực đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch

b) Giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch

  • Giảm huyết áp tâm thu/ tâm trương khi nghỉ ngơi
  • Tăng HDL-C và giảm triglycerid huyết thanh
  • Giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể, giảm mỡ vùng bụng
  • Giảm nhu cầu insulin, cải thiện dung nạp glucose
  • Giảm kết dính và kết tập tiểu cầu trong máu
  • Giảm viêm

c) Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong

  • Giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh mạch vành, đột quỵ, đái tháo đường type 2, hội chứng chuyển hóa, gãy xương do loãng xương, ung thư đại tràng, vú, và bệnh túi mật…
  • Đối với các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, các bài tập phục hồi chức năng tim mạch giúp giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch và tử vong chung.

d) Những lợi ích khác của hoạt động thể chất

  • Cải thiện chức năng nhận thức
  • Giảm lo lắng và trầm cảm, tăng cường cảm giác hạnh phúc
  • Nâng cao hiệu suất công việc, hoạt động giải trí và thể thao
  • Tăng cường nền tảng thể lực và khả năng sống độc lập; phòng ngừa hoặc giảm thiểu các hạn chế chức năng; giảm nguy cơ té ngã và chấn thương do ngã…Là liệu pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh mãn tính ở người lớn tuổi.

3. Lợi ích của việc luyện tập và duy trì thường xuyên các hoạt động tăng cường sức cơ:

Là một trong những hình thức hoạt động thể chất được thiết kế nhằm nâng cao thể lực của cơ bắp, bằng cách luyện tập một cơ hoặc một nhóm cơ để chống lại lực cản từ bên ngoài. Bao gồm các loại hình tập luyện có dụng cụ như: nâng tạ, gạch, chai nước, dây chun, máy tập… hoặc không có dụng cụ sử dụng chính trọng lượng cơ thể để luyện tập. Mục đích của loại hình tập luyện này là tăng sức mạnh cơ, kích thước khối cơ và cải thiện sức bền cơ.

  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp giúp giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm biến cố tim mạch, nâng cao thể chất và duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Cải thiện các chỉ số thành phần cơ thể (chỉ số mỡ, chỉ số cơ…), chỉ số đường máu, độ nhạy insulin và huyết áp (ở những người bị tăng huyết áp nhẹ hoặc trung bình).
  • Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra việc tập luyện sức cơ cũng có tác dụng tương tự như các bài tập aerobic, có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 và bệnh nhân rối loạn mỡ máu.
  • Tác động tích cực tới khả năng và vận tốc đi bộ ở những người mắc bệnh động mạch ngoại biên.
  • Các chế độ có các hoạt động cơ đẳng áp (cường độ nhẹ đến trung bình) có hiệu quả giảm huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp.
  • Tăng cường sức mạnh và khối lượng cơ cũng làm tăng khối lượng xương (mật độ và hàm lượng khoáng chất trong xương), giúp ngăn ngừa, làm chậm hoặc đảo ngược sự mất khối lượng xương ở bệnh nhân loãng xương.
  • Rèn luyện sức đề kháng có thể làm giảm đau ở những người bị viêm xương khớp và có hiệu quả trong điều trị đau lưng mãn tính.
  • Ngăn ngừa và cải thiện chứng trầm cảm và lo lắng, tăng cường sinh lực và giảm mệt mỏi.

Tóm lại, việc duy trì một thói quen hoạt động thể chất đều đặn, tránh lối sống tĩnh tại có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh bên cạnh việc sử dụng thuốc, tạo một lối sống tích cực và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

  1. WHO Guidelines on physical activity and sedentary behaviour
  2. Pacific physical activity Guidelines for adults
  3. ACSM’s Guidelines for Exercise Testing and Prescription 10th edition