Làm thế nào để phát hiện bệnh động mạch vành

Để xác định xem có dấu hiệu đau ngực của bạn có phải là do bệnh mạch vành hay không, bác sĩ của bạn có thể phải tiến hành một số thăm dò cơ bản.

Điện tâm đồ

Nếu bạn không bị nhồi máu cơ tim trước đó, điện tâm đồ ghi ngoài cơn đau thường là bình thường. Chỉ khi điện tâm đồ được ghi ở trong cơn đau thì mới có các biểu hiện bất thường cho thấy biểu hiện của thiếu máu cơ tim và vị trí vùng cơ bị thiếu máu. Điện tâm đồ có thể cho thấy sẹo của vùng cơ tim bị nhồi máu trước đó.

Siêu âm- Doppler tim

Siêu âm cho thấy các buồng tim, thành tim, và các van tim và chức năng của chúng trong chu chyển tim. Có thể nhìn thấy sẹo của vùng nhồi máu: vùng cơ tim mất hoặc giảm khả năng co bóp. Tuy nhiên, siêu âm tim không cho thấy hình ảnh trực tiếp của động mạch vành.

Nghiệm pháp gắng sức

Nghiệm pháp gắng sức là nghiệm pháp mà điện tâm đồ được ghi trong khi bạn gắng sức ( bằng thảm chạy hay xe đạp lực kế). Mức độ gắng sức được tăng lên từ từ đến khi tần số tim của bạn đạt đến tần số tim tối đa theo lý thuyết ( tần số tim tối đa theo lý thuyết = 220 – tuổi cảu bạn), hay đến khi xuất hiện đau ngực hoặc có biểu hiện bất thường trên điện tâm đồ. Nghiệm pháp gắng sức đôi khi không thực hiện được ở những người quá lớn tuổi hay người tàn tật.

Siêu âm tim gắng sức

Siêu âm tim gắng sức bao gồm phân tích sự đáp ứng của thất trái trong điều kiện phải làm việc nhiều hơn. Để làm được điều đó, một loại thuốc đặc biệt được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch để làm tăng tần số tim. Nếu động mạch vành bình thường, sự co bóp của tâm thất trở nên mạch hơn và đồng đều. Nếu động mạch vành bị hẹp, sự co bóp của vùng cơ tim tương ứng đó sẽ giảm đi. Một vùng cơ tim bị giảm hoặc mất vận động, nếu khôi phục được khả năng co bóp bình thường với một liều thuốc nhất định sẽ chứng tỏ “ khả năng sống” của vùng cơ tim đó.

Ghi điện tâm đồ 24 giờ ( Holter điện đồ)

Một máy ghi điện tâm đồ nhỏ được gắn trên người bạn. Bạn có thể đi lại và làm việc bình thường. Máy sẽ tự động ghi lại hoạt động của tim bạn liên tục trong 24 giờ. Bác sĩ sẽ phân tích các hình ảnh điện tâm đồ được ghi lại trên máy xem bạn có bị rối loạn nhịp tim hay bị bệnh động mạch vành hay không.

Chụp cắt lớp động mạch vành ( Multislices CT scanner)

Máy chụp cắt lớp có tốc độ rất nhanh cho phép chụp được hình ảnh động mạch vành của bạn. Máy sẽ tự động dựng lại hình ảnh hệ động mạch vành của bạn theo không gian 3 chiều. Bác sĩ sẽ phân tích các hình ảnh cắt lớp hệ động mạch vành của bạn xem có bị vôi hóa, bị hẹp, tắc hay không.

Xạ hình tim

Để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ phải tiêm vào tĩnh mạch một chất đồng vị phóng xạ có khả năng tự gắn vào cơ tim khỏe mạnh ở giai đoạn cuối của trắc nghiệm gắng sức. Sau đó, bạn được đặt dưới một máy đo hoạt tính phóng xạ và hình ảnh của cơ tim của bạn sẽ được ghi lại, đó là xạ hình cơ tim. Hình thứ hai được ghi sau đó vài giờ, trong khi nghỉ ngơi.

Vùng cơ tim thiếu oxy do nhánh động mạch vành tương ứng bị hẹp hay tắc sẽ không được gắn các chất đồng vị phóng xạ và tạo ra một “ khuyết xạ” trên hình ảnh xạ hình cơ tim ngay sau khi gắng suecs. Trên hình ảnh chụp khi nghỉ ngơi, hình “khuyết xạ” sẽ hiện diện nếu như bạn bị nhồi máu cơ tim.

Chụp cộng hưởng từ ( MRI)

Chụp cộng hưởng từ tim là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong đánh giá bệnh mạch vành và là tiểu chuẩn vàng trong đánh giá chức năng tim. Chụp cộng hưởng từ với chất đối từ rất có giá trị trong đánh giá mức độ tưới máu của hệ thống động mạch vành sau nhồi máu cơ tim.

Tính hiệu ở vùng cơ tim có mạch máu bị tắc sẽ giảm hơn so với vùng cơ tim bình thường. Việc đánh giá các thay đổi này sẽ giúp phát hiện vùng cơ tim bị nhồi máu, vùng cơ tim còn sống hay đã chết và đánh giá diện tích vùng cơ tim đó.

Chụp động mạch vành

Chụp động mạch vành sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh động mạch vành, đánh giá chính xác mức độ tổn thương của hệ động mạch vành và giúp lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất: điều trị nội khoa, can thiệp động mạch vành qua da hay mổ bắc cầu nối chủ – vành.