Chế độ luyện tập thể dục cho bệnh nhân đái tháo đường

Chế độ luyện tập thể dục trong bệnh đái tháo đường rất quan trọng vì nó là một phần trong quá trình điều trị đái tháo đường, giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng.

Việc thay đổi chế độ luyện tập thể dục phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường cũng góp phần điều trị béo phì, tăng huyết áp, tăng cholesterol, từ đó, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai.

 

1. Nguyên tắc tập luyện thể dục

  1. Tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh, bệnh lý tim mạch, mắt, thận kèm theo.
  2. Được bác sỹ tư vấn kỹ lưỡng về chế độ luyện tập phù hợp.
  3. Cá nhân hóa trong chế độ luyện tập thể dục.

2. Lợi ích khi tập luyện thể dục ở bệnh nhân đái tháo đường 

– Làm giảm nồng độ đường máu trong và sau khi tập, cải thiện đường máu trong quá trình điều trị đái tháo đường.

– Làm tăng nhạy cảm với insulin máu và tăng tác dụng của insulin, do đó nhu cầu bổ sung insulin sẽ giảm đi.

– Làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch thông qua những ảnh hưởng có lợi lên mỡ máu và huyết áp. Tuy nhiên để đạt được điều này, bệnh nhân cần duy trì cường độ luyện tập tích cực như chạy ít nhất 14,5-19km/tuần và tăng dần lên đến khoảng 64km/tuần. Tập luyện với cường độ nhẹ hơn sẽ ít hoặc không có tác dụng làm thay đổi các loại mỡ máu.

– Tập thể dục đều đặn có thể làm giảm trung bình 5-10mmHg huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tác dụng này rõ hơn ở các bệnh nhân có tăng huyết áp mức độ nhẹ hoặc vừa.

– Làm giảm trọng lượng cơ thể, loại bỏ bớt lượng mỡ thừa ở các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thừa cân hoặc béo phì. Tập thể dục sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu phối hợp cùng với chế độ ăn giảm vừa phải calo nhưng sẽ không có tác dụng nếu như bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn kiêng rất ít calo (600-800kcal/ngày).

– Tập luyện thể dục thường xuyên giúp cải thiện các chức năng tim mạch của người bệnh như làm giảm nhịp tim lúc nghỉ (tim phải hoạt động ít hơn), làm tăng khả năng co bóp tống máu của tim…, tăng cường sức khỏe nói chung, tăng khả năng lao động chân tay cũng như sự phối hợp động tác của người bệnh.

Ngoài ra, tập thể dục đều đặn còn mang lại cho người bệnh cảm giác thoải mái và một cuộc sống có chất lượng cao.

3. Những nguy cơ có thể gặp khi luyện tập thể dục không đúng cách

– Thường gặp và nguy hiểm nhất là hạ đường máu xuống quá thấp, xảy ra ở các bệnh nhân được điều trị insulin hoặc thuốc uống hạ đường máu loại sulfamide, bệnh nhân quá kiêng khem, người lớn tuổi… Cũng thường có các biểu hiện đói, run tay chân, vã mồ hôi hoặc hôn mê… giống như hạ đường máu do điều trị insulin hoặc thuốc sulfamide quá liều.

– Ngược lại, một số bệnh nhân khi tập nặng lại có thể bị tăng đường máu (do tăng các hocmon nội sinh như glucagon, catecholamine, cortison…) kéo dài trong vòng một vài giờ sau khi tập xong. Các bệnh nhân đái tháo đường typ 1 có tăng đường máu kiểu này dễ bị rơi vào tình trạng nhiễm toan ceton.

– Khi tập thể dục nặng có thể làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch như gây cơn đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim), thậm chí gây nhồi máu cơ tim,đột quỵ cho người bệnh đái tháo đường.

– Một số bệnh nhân bị loạn nhịp tim, khi tập thể dục tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim nguy hiểm cùng với nhồi máu cơ tim nặng là thủ phạm gây đột tử ở không ít bệnh nhân đái tháo đường.

– Tập thể dục cũng có thể làm nặng thêm các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường như:

  • Gây xuất huyết đáy mắt hoặc làm bong võng mạc ở những người đã có biến chứng đáy mắt giai đoạn 3 (có tăng sinh mạch máu). Hậu quả là gây mù hoàn toàn.
  • Làm tăng mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm nặng thêm bệnh lý thận do đái tháo đường.
  • Với những người béo hoặc lớn tuổithoái hóa khớp (như khớp gối), tăng cường vận động thể lực có thể làm tổn thương khớp trầm trọng hơn.
  • Ngoài ra các nguy cơ gây tổn thương mô mềm hoặc tổn thương bàn chân cũng tăng lên, nhất là khi bệnh nhân đi giày dép chật, đi chân đất hoặc đã có biến chứng thần kinh gây giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân.
  • Các bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh tự động không nên tăng mức vận động vì tim và hệ tuần hoàn không tăng hoạt động tương ứng hoặc do bị tụt huyết áp tư thế, nhất là khi bệnh nhân bị ra nhiều mồ hôi, mất nước trong quá trình tập luyện.

4. Thời điểm phù hợp và một số khuyến cáo khi luyện tập thể dục
4.1 Thời điểm luyện tập

Để tránh các nguy cơ như hạ đường máu, tăng huyết áp phản ứng, thời điểm luyện tập được khuyến cáo là buổi chiều – tối (tập vận động và luyện sức cơ) và tập nhẹ nhàng sau các bữa ăn (đi bộ nhẹ nhàng).

4.2 Một số khuyến cáo
Trước khi luyện tập, người bệnh nên nhận lời khuyên từ các bác sỹ chuyên khoa về các vấn đề sau:

– Các biến chứng có thể gặp nhất là các biến chứng mạn tính của đái tháo đường.

– Chú ý khám tim mạch để phát hiện các bệnh nhân có thiếu máu cơ tim, thiếu máu cơ tim im lặng (ECG stress test), đánh giá nguy cơ tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp tư thế trong khi tập luyện.

–  Soi đáy mắt.

– Khám thần kinh: thần kinh tự động, thần kinh ngoại biên, bệnh lý bàn chân ĐTĐ.

– Khám các tổn thương cơ xương khớp.

– Làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, phát hiện đạm trong nước tiểu,…

5. Hướng dẫn chọn lựa phương pháp tập luyện thích hợp

– Đối với người bệnh béo phì trẻ tuổi không có biến chứng, không có tổn thương cơ xương khớp nên thực hành chế độ luyện tập giảm năng lượng như: đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, tennis, cầu lông, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, yoga,…

– Đối với người bệnh có vấn đề về cơ xương khớp có thể cân nhắc lựa chọn: bơi lội, đạp xe đạp, yoga, khí công (bát đoạn cẩm, ngủ cầm hí, dịch chân kinh…), thái cực dưỡng sinh,…

– Đối với người bệnh trung niên hoặc cao tuổi có bệnh lý tim mạch như xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nên thực hiện chế độ luyện tập để dưỡng sinh: yoga, thái cực dưỡng sinh, khí công (bát đoạn cẩm, ngủ cầm hí, dịch chân kinh,…). Việc tập thể dục sẽ không khuyến cáo nếu như mang lại nhiều nguy cơ biến chứng hơn cho bệnh nhân.

– Đối với người bệnh có tổn thương thần kinh ngoại biên (bàn chân đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh…), việc tập thể dục cần chú ý để không gây trầm trọng thêm các bệnh lý hiện có. Luyện tập bằng các phương pháp như bơi lội, yoga, khí công, thái cực trường sinh đạo, thể dục nhịp điệu. Tuy nhiên các phương pháp này không khuyến cáo ở bệnh nhân có  tổn thương thần kinh ngoại biên nặng.

– Nếu có biến chứng thần kinh tự động tim mạch, hạ huyết áp tư thế thường xuyên, khuyến cáo không nên luyện tập những động tác liên quan đến tư thế như thể dục nhịp điệu, chạy bộ, bơi lội. Nên chơi các môn thể thao như yoga, khí công, thái cực dưỡng sinh.

– Nếu người bệnh có nhiều biến chứng phức tạp, việc tập thể dục mang ý nghĩa dưỡng sinh và vật lý trị liệu, không nên đặt nặng vấn đề thể dục nhằm mục đích giảm cân ở đối tượng này.

Hiện nay, có nhiều phương pháp tập thể dục cho bệnh nhân đái tháo đường, tuy nhiên tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh lý, các biến chứng đi kèm…có thể lựa chọn một số môn phù hợp dựa theo sự tư vấn của bác sỹ điều trị trong quá trình thăm khám.

6. Một số lưu ý trong quá trình luyện tập

– Việc tập thể dục nên bắt đầu từ từ, sau đó mới tăng dần khối lượng vận động. Không nên theo đuổi những mục tiêu quá cao và phi thực tế.

– Cường độ tập: Về nguyên tắc, nên hạn chế cường độ tập sao cho không để huyết áp tâm thu vượt quá 180mmHg, cường độ thích hợp ở mức 50-70% cường độ có khả năng đạt được bài tập thể dục nhịp điệu tối đa. Dựa theo theo công thức: tần số tim = 0,5 x (nhịp tim tối đa – nhịp tim lúc nghỉ) + nhịp tim lúc nghỉ.

Ví dụ: một bệnh nhân đái tháo đường có nhịp tim lúc nghỉ là 80, nhịp tim tối đa lúc tập là 140 thì chỉ nên tập cho đến khi nhịp tim lên đến = 0,5 (đến 0,7) x (140 – 80) + 80 = 110 – 122 lần/phút.

– Tần suất tập: Ðể có thể đạt được những lợi ích về tim mạch hoặc kiểm soát đường máu tốt hơn, bệnh nhân cần tập ít nhất 3 ngày/tuần hoặc tập cách nhật. Để đạt được mục đích giảm cân, cần tập ít nhất 5 ngày/tuần.

– Kiểm tra bàn chân hàng ngày và sau mỗi lần tập xem có bị các nốt phồng da, vết rách hoặc nhiễm trùng ở bàn chân không. Không nên tập trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh và khi đường máu rất cao.

– Tránh hạ/tăng đường máu hơn khi tập luyện:

+ Ăn một bữa khoảng 1-3 tiếng trước khi tập hoặc tập sau bữa ăn 1-3 tiếng.

+ Nếu tập nặng hoặc kéo dài thì sau mỗi 30 phút cần ăn thêm một bữa nhẹ carbohydrate.

+ Ðo đường máu nhiều lần, tốt nhất là cả trước, trong và sau khi tập. Trường hợp với đường máu trước khi tập:

Nếu < 100mg/dl (< 5,5mmol/l): Cần ăn một bữa nhẹ trước khi tập

Nếu = 100-200mg/dl (5,5-11,1mmol/l): Có thể tập bình thường.

– Uống thuốc hạ huyết áp trước khi bạn tập thể dục ít nhất 30p nếu đang điều trị tăng huyết áp.

Kết hợp việc luyện tập thể dục, chế độ ăn uống cùng tầm soát định kỳ để có thể kiểm soát tình hình bệnh trong điều trị đái tháo đường.