Phát hiện bệnh tiểu đường bằng chỉ số đường huyết

Biến chứng của bệnh tiểu đường được đánh giá là mối lo ngại không chỉ đối với bệnh nhân mà còn đối với toàn xã hội. Do vậy, sẽ rất nhiều người tự đặt câu hỏi: Liệu mình có bị tiểu đường không? Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bị tiểu đường? Hãy cùng giải đáp thắc mắc bằng bài viết dưới đây.

Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index), là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường. Theo đó, chỉ số GI của một thực phẩm được phân loại: thấp, trung bình hoặc cao.

Thực phẩm có chỉ số GI cao thường chứa loại đường glucose hấp thu nhanh. Điều đó có nghĩa là sau khi ăn các thực phẩm loại này, mức đường glucose trong máu sẽ tăng vọt lên rất nhanh nhưng cũng giảm nhanh ngay sau đó. Trong khi đó, các thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ tốt hơn vì mức đường huyết được tăng lên từ từ, đều đặn và cũng giảm xuống một cách chậm rãi, giúp giữ được nguồn năng lượng ổn định, có lợi hơn cho sức khỏe và trí não.

Với bệnh nhân tiểu đường, việc dùng các loại thức ăn chỉ số đường huyết thấp sẽ làm cho lượng đường huyết dễ kiểm soát hơn vì sẽ tăng từ từ sau khi ăn chứ không tăng vọt một cách đột ngột. Ngoài ra, thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp còn cải thiện chuyển hóa lipid, đặc biệt đối với bệnh tiểu đường týp 2.

Cụ thể, chỉ số đường huyết an toàn theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) là:

–  Trước bữa ăn: 90 – 130mg/dl (5,0-7,2mmol/l);

–  Sau bữa ăn 1-2 giờ: <180mg/dl (10mmol/l);

–  Trước lúc đi ngủ: 110 – 150mg/dl (6,0 – 8,3mmol/l).

Tuy nhiên, để biết có bị tiểu đường hay không, cần phải làm nghiệm pháp tăng đường huyết hoặc xét nghiệm chỉ số HbA1C. Chỉ số này nhằm kiểm soát lượng đường huyết ở người tiểu đường mà không phụ thuộc lúc no hay đói với mức bình thường là 5,4 – 6,2%, nếu trên 7% là có tiểu đường. Cứ tăng 1% có nghĩa đường huyết tăng 30mg.

Hãy luôn quan tâm, để ý đến cơ thể của mình bởi bất cứ thay đổi nào ở cơ thể cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên để bạn phát hiện bệnh kịp thời. Những triệu chứng như ăn nhiều nhưng lại sụt cân nhanh chóng; uống nhiều vì cơ thể lúc nào cũng thấy khát và tiểu nhiều là dấu hiệu cực kỳ quan trọng để phát hiện ra bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh là do các thế hệ trước đã bị hoặc bị buồng trứng đa nang, phụ nữ sinh con to trên 4kg hay người bị cao huyết áp, béo phì,…

Do đó, hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như chế độ ăn ít tinh bột và lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như ăn nhiều rau xanh, củ quả chín ít ngọt (táo, lê), lạc, vừng… Điều quan trọng là hãy nhớ, mỗi 3-6 tháng, phải định kỳ khám sức khỏe để đánh giá lại tình trạng bệnh. Nếu đã thực hiện chế độ ăn và tập luyện mà không hiệu quả thì cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.