Rối loạn giấc ngủ (RLGN) ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Mất ngủ làm cho cơ thể không được nghỉ ngơi sẽ tác động xấu đến sức khỏe người bệnh, gây ra các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, chuyển hóa …, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống hằng ngày của người bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ:
– Rối loạn giấc ngủ do bệnh nội khoa gây ra: Rất nhiều bệnh có thể đưa đến tình trạng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là những bệnh lý như bệnh viêm khớp, loét dạ dày tá tràng, u tiền liệt tuyến, tiểu đường, cường giáp, tăng huyết áp, parkinson, Alzheimer, tai biến mạch máu não…
– Rối loạn giấc ngủ do thuốc và những chất kích thích: Cafe, thuốc lá, amphetamine, cocaine, lạm dụng rượu…
– Rối loạn giấc ngủ do bệnh lý tâm thần: Các rối loạn tâm thần đều có thể đưa đến rối loạn giấc ngủ, từ 30 đến 60% trường hợp mất ngủ có nguyên nhân từ các rối loạn tâm thần như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, hưng cảm, trạng thái hoang tưởng, lú lẫn…
– Rối loạn giấc ngủ nguyên phát: Là rối loạn giấc ngủ không gây nên bởi một rối loạn tâm thần khác, một bệnh lý nội khoa hoặc sử dụng chất.
Rối loạn giấc ngủ nguyên phát thường biểu hiện dưới những hình thức sau:
– Mất ngủ: Ngủ không dủ thời gian, chất lượng giấc ngủ không tốt. Người bệnh khi ngủ dậy cảm thấy sức khỏe, thể chất và tinh thần không hồi phục, cảm giác uể oải, mệt mỏi, còn buồn ngủ.
– Ngủ nhiều: Người bệnh có biểu hiện ngủ li bì khó thức dậy, ngủ gật trong ngày, giảm hiệu suất làm việc, khó tập trung chú ý, bồn chồn dễ cáu giận, mệt mỏi.
– Rối loạn trong giấc ngủ: Là những hiện tượng bất thường xảy ra bất chợt trong khi ngủ. Các biểu hiện như:
+ Mộng du: Người bệnh rời khỏi giường và đi đi lại lại. Lúc tỉnh dậy, người bệnh thường không nhớ được những gì đã xảy ra.
+ Cơn khiếp sợ trong khi ngủ: Người bệnh ngồi dậy hay dứng dậy trong giấc ngủ đêm kèm theo la hét một cách hoảng loạn.
+ Ác mộng: Những giấc mơ đầy lo âu và sợ hải, chủ đề như đe dọa đến sự tồn tại, an toàn của người bệnh.
– Rối loạn nhịp thức ngủ: Có liên quan với sự thay đổi chỗ ngủ. Người bệnh thường không thể ngủ khi họ muốn ngủ, mặc dù họ có thể ngủ ở những khoảng thời gian khác. Những rối loạn này không tạo ra chứng mất ngủ hoặc ngủ nhiều mặc dù lời phàn nàn đầu tiên của người bệnh thường là sự mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
Điều trị:
Điều trị Rối loạn giấc ngủ thường sử dụng hai phương pháp: Tâm lý trị liệu và dùng thuốc, nhằm mục đích cải thiện giấc ngủ và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Bệnh điều trị lâu dài, bác sỹ cần sự hợp tác của người bệnh để không lệ thuộc vào thuốc và sớm ổn định.
BS.CKI. Nguyễn Công Phượng
Chuyên khoa Nội – Tâm thần kinh
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường FAMILY