Ngày nay, sa sút trí tuệ đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng được quan tâm nhiều trên toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Toàn thế giới hiện có khoảng 50 triệu người sa sút trí tuệ, với khoảng 60% tập trung ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình. Mỗi năm, có gần 10 triệu ca mắc mới. Tổng số người mắc sa sút trí tuệ được dự đoán sẽ lên tới 82 triệu vào năm 2030 và 152 triệu vào năm 2050.
Tuổi tác luôn được biết đến như là một yếu tố ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, tuy nhiên sa sút trí tuệ không chỉ đơn thuần là một phần của quá trình lão hóa. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối quan hệ giữa sự phát triển suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ với lối sống và các yếu tố nguy cơ liên quan; như: lười hoạt động thể chất, hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng rượu bia quá mức,… Một số bệnh lý có liên quan đến nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ, bao gồm: tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, béo phì và trầm cảm,… Như vậy, có thể nhận thấy rằng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ có thể được phòng ngừa và làm chậm tiến triển bằng cách kiểm soát các yếu tố lối sống và quản lý tốt các bệnh kèm.
1/ Những khuyến cáo về thay đổi lối sống để dự phòng sa sút trí tuệ
Hướng dẫn giảm thiểu nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO 2019) đưa ra các khuyến cáo về thay đổi lối sống và quản lý các nguy cơ để dự phòng sa sút trí tuệ như sau:
a. Tăng cường hoạt động thể chất
Một lối sống năng động có liên quan đến sự khỏe mạnh của não bộ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người hoạt động thể chất, đặc biệt là ở mức độ cao, có nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ thấp hơn so với những người ít hoạt động. Hoạt động thể chất tác động có lợi lên: sức bền tim mạch, giảm thiểu tăng huyết áp, giảm tình trạng đề kháng insulin, giảm cholesterol cũng như nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, chống viêm,…
b. Cai thuốc lá
Mỗi năm có hơn 7 triệu người tử vong do hút thuốc lá và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá có thể dẫn tới ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD),… Khuyến khích cai thuốc lá trên những bệnh nhân có hút thuốc, ngoài tác động tích cực tới tình trạng suy giảm nhận thức còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
c. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Duy trì một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng được khuyến nghị cho tất cả các bệnh nhân. Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin B, E,… nên được thực hiện khi bệnh nhân có thiếu hụt và theo sự hướng dẫn của bác sỹ. Sa sút trí tuệ có thể gây ảnh hưởng tới khả năng chuẩn bị bữa ăn, tình trạng kém ngon miệng, kém ăn, bỏ bữa hoặc quên bữa ăn,… Do đó, vai trò của gia đình và người thân trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân là rất quan trọng.
d. Sử dụng bia, rượu điều độ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa sử dụng rượu bia quá độ với suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Người sử dụng nhiều hơn 21 đơn vị cồn/tuần có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn.
Sử dụng bia, rượu điều độ được định nghĩa là dưới 2 đơn vị cồn đối với nam giới và 1 đơn vị cồn đối với nữ giới trong một ngày. Tránh uống bia, rượu tới mức có hại tức là nhiều hơn 5 đơn vị/ lần (hoặc 15 đơn vị/tuần) đối với nam giới và 4 đơn vị/lần (hoặc 8 đơn vị/tuần) đối với nữ giới.
e. Tập luyện để cải thiện chức năng nhận thức
Khuyến khích các hoạt động rèn luyện cho não bộ, nhằm cải thiện chức năng nhận thức trên bệnh nhân sa sút trí tuệ như: chức năng điều hành, trí nhớ, ngôn ngữ, chức năng tập trung chú ý, thị giác không gian và hoạt động xã hội.
f. Tham gia các hoạt động xã hội
Chưa có đủ bằng chứng về mối liên hệ giữa tham gia hoạt động xã hội và sự cải thiện sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, tham gia xã hội có tác động tốt tới sức khỏe và khả năng hòa nhập của người bệnh sa sút trí tuệ.
g. Quản lý cân nặng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa thừa cân, béo phì và sa sút trí tuệ. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, đặc biệt là vòng bụng lớn, có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn so với những người bình thường. Thừa cân, béo phì được xem là một yếu tố nguy cơ độc lập với sa sút trí tuệ, không phụ thuộc vào các bệnh lý đồng mắc như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Giảm cân có thể là biện pháp hỗ trợ tích cực ở những bệnh nhân có thừa cân, béo phì. Giảm cân đúng là khi duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp và thói quen hoạt động thể lực đều đặn, tránh lối sống tĩnh tại.
h. Quản lý bệnh lý kèm
Quản lý tốt các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, trầm cảm, suy giảm thính lực… là một trong những yếu tố cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân sa sút trí tuệ.
2/ Tăng cường hoạt động thể lực ở bệnh nhân sa sút trí tuệ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO 2019) đưa ra khuyến cáo ở mức độ mạnh với việc hoạt động thể chất để phòng ngừa suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
Lối sống tĩnh tại được định nghĩa là một người chỉ tham gia vào những hoạt động mà mức tiêu hao năng lượng dưới 1,5 lần so với tiêu hao năng lượng khi nằm nghỉ ngơi. Viện Y học Mỹ chia mức hoạt động hằng ngày thành 4 mức: tĩnh tại/ lười vận động; hoạt động nhẹ; năng động; rất năng động dựa vào sự chênh lệch năng lượng của các hoạt động trong ngày so với lúc nghỉ ngơi. Các nghiên cứu đã chỉ ra, người duy trì hoạt động ở mức năng động trở lên ít có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ hơn so với những người lười vận động.
a. Hình thức tập luyện
Các loại hình hoạt động thể lực có thể thực hiện cho người lớn trên 65 tuổi để duy trì lối sống hoạt động như sau:
• Hoạt động giải trí và thư giãn: đi bộ, đạp xe, khiêu vũ, tập dưỡng sinh, yoga,…
• Hoạt động nghề nghiệp: nếu người bệnh vẫn đang làm việc.
• Làm việc nhà: dọn dẹp, lau dọn, rửa bát, giặt đồ, cắt cỏ, làm vườn,…
• Hoạt động thể thao: cầu lông, bóng bàn, tennis, bơi lội,…
b. Thời gian và cường độ tập luyện
• Thời gian tập nên đạt 150 phút/ tuần với cường độ trung bình hoặc 75 phút/ tuần với cường độ cao.
• Cường độ tập trung bình và cao đối với mỗi người sẽ khác nhau. Để xác định chính xác khả năng tập luyện, người bệnh phải được đánh giá toàn diện bằng các bài test trong các phòng hướng dẫn chuyên sâu. Hoặc đơn giản hơn, tham khảo ý kiến từ bác sĩ để được ước lượng khả năng tập luyện trên mỗi người.
• Nếu khó khăn khi bắt đầu, có thể thực hiện từng đợt tập 10 phút, tích lũy 30 phút/ ngày cũng đem lại hiệu quả tương đương với tập luyện liên tục.
c. Trình tự của một buổi tập
• Giai đoạn khởi động: làm ấm người bằng các động tác nhẹ nhàng trong 5-10 phút
• Bài tập chính: thực hiện trong khoảng 10-30 phút
• Bài tập kéo dãn: thực hiện sau các bài tập chính giúp các khớp xương và dây chằng co dãn tốt hơn.
• Giai đoạn hạ nhiệt: vận động nhẹ để giảm nhiệt độ cơ thể từ từ, quay về trạng thái ban đầu.
d. Những lưu ý khi tập luyện cho bệnh nhân sa sút trí tuệ
• Người lớn tuổi khi bắt đầu tập luyện, cần được kiểm tra, đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra trong lúc tập luyện như: chấn thương, nguy cơ tim mạch, đột quỵ,…
• Kiểm tra môi trường tập luyện, sàn nhà, nhiệt độ, thông gió,… Người bệnh sa sút trí tuệ có thể khó khăn trong việc nhận biết những môi trường bất lợi, do đó cần được người thân giám sát trong lúc tập luyện.
• Bên cạnh những hình thức luyện tập được đề cập phía trên, khuyến khích thực hiện các bài tập cơ để tăng cường khối cơ, gia tăng sự vững chắc của các khớp xương. Nên tập 2-3 lần/ tuần cho các nhóm cơ chính như: cơ cánh tay, cơ đùi, cơ vai, cơ lưng, cơ bụng.
• Các bộ môn như yoga, taichi, dưỡng sinh, thái cực quyền,… sẽ giúp người lớn tuổi cải thiện trạng thái thăng bằng của cơ thể, dự phòng trường hợp té ngã.
• Ở giai đoạn sớm và giai đoạn giữa của bệnh, khuyến khích người bệnh hoạt động, đi lại, duy trì làm việc nhà, tập một bộ môn như yoga, khí công, đạp xe, bơi lội,…
• Ở giai đoạn muộn, một số người bệnh sa sút trí tuệ có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc không muốn hoạt động nhiều. Vì vậy, nên áp dụng một số bài tập vận động tại giường, nhờ sự hỗ trợ của người thân trong việc di chuyển, duy trì thói quen đi lại để đảm bảo chức năng vận động của cơ thể.
3/ Thế nào là một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân sa sút trí tuệ?
Bệnh lý sa sút trí tuệ gây ra những ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh nhận thức như: khả năng tập trung chú ý, chức năng điều hành, ngôn ngữ, trí nhớ, thị giác, các hoạt động xã hội,…gây ra những trở ngại cho hoạt động ăn uống hàng ngày của người bệnh.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể quên một vài thực phẩm khi đi mua sắm, làm giảm chất lượng bữa ăn, quên công thức nấu ăn và chế biến làm mất cảm giác ngon miệng. Giai đoạn tiến triển của bệnh có thể ảnh hưởng đến vị giác, cảm giác thèm ăn, giảm chú ý và tập trung vào bữa ăn. Đặc biệt ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể quên bữa ăn, quên uống nước, mất nhận biết đối với thức ăn. Những vấn đề trên dẫn tới nguy cơ suy dinh dưỡng cao trên người bệnh sa sút trí tuệ, mặc dù một số người bắt đầu với một thể trạng thừa cân, béo phì. Do đó, cần phải chú ý đến từng giai đoạn bệnh và đảm bảo chất lượng bữa ăn cho bệnh nhân.
a/ Khuyến cáo về chăm sóc dinh dưỡng
• Người bệnh sa sút trí tuệ nên được đánh giá tình trạng dinh dưỡng ngay khi phát hiện ra tình trạng bệnh của mình. Việc đánh giá sẽ giúp phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì hoặc tình trạng thiếu hụt các vitamin và dưỡng chất cần thiết như vitamin nhóm B, vitamin E,…
• Theo dõi sự thay đổi cân nặng của người bệnh theo từng tháng hoặc bất kỳ lúc nào có thay đổi cân nặng không theo chủ ý.
• Tạo bầu không khí dễ chịu trong các bữa ăn, nên ăn cũng gia đình, người thân có vai trò giám sát việc ăn uống của người bệnh và hỗ trợ khi cần thiết.
• Cung cấp thực phẩm phong phú, lành mạnh và theo sở thích của người bệnh.
• Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin D, omega-3 phải được bác sỹ chỉ định, khi bệnh nhân có dấu hiệu của thiếu hụt.
• Những bệnh nhân nặng, giai đoạn muộn, khó khăn trong việc tự ăn uống có thể được hỗ trợ dinh dưỡng đường tiêu hóa hoặc tĩnh mạch theo chỉ định của bác sỹ.
b/ Thế nào là một chế độ dinh dưỡng lành mạnh?
• Tăng cường và ăn phong phú trái cây, rau, các loại đậu (ví dụ: đậu lăng, đậu xanh, đậu lạc,…), các loại hạt (hạt ốc chó, hạnh nhân, mắc ca,…) và ngũ cốc nguyên hạt (hạt ngô, kê, yến mạch, gạo lứt,…). Trong rau và trái cây có chứa nhiều chất xơ và hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Quá trình oxy hóa sản sinh ra các gốc tự do có hại, các chất chống oxy hóa như vitamin A, vitamin E, omega-3 và selen có nhiều trong các loại quả mọng (dâu tây, cherry, việt quất, cà chua,…), các loại hạt, dầu oliu,… sẽ giúp chống lại tác hại của các gốc tự do lên các tế bào thần kinh.
• Sử dụng tối thiểu 400 gam trái cây và rau quả mỗi ngày. Lưu ý: khoai tây, khoai lang, sắn và các loại củ chứa tinh bột khác không được xếp vào loại rau quả.
• Ưu tiên lựa chọn cá, thịt gia cầm so với thịt đỏ. Chất béo trong cá chứa rất nhiều omega-3 như DHA và EPA, là một chất giúp phòng chống quá trình oxy hóa. Trong thịt đỏ, thịt động vật nhai lại (bò, dê, cừu,…) có chứa hàm lượng chất béo chuyển hóa (một loại chất béo có hại) lớn hơn so với thịt trắng.
• Hạn chế đường tự do (đường trắng, sữa đặc, si rô, đường bổ sung trong bánh kẹo, nước ngọt,…) dưới 10% tổng năng lượng ăn vào, lý tưởng là dưới 5%, tương đương với 25 gram (5 muỗng cà phê đường) cho một người khỏe mạnh tiêu thụ khoảng 2000 calo mỗi ngày.
• Ít hơn 30% tổng năng lượng ăn vào từ chất béo. Nên sử dụng chất béo không bão hòa (có trong cá, bơ, các loại hạt, hướng dương, hạt cải và dầu ô liu). Hạn chế chất béo bão hòa (có trong thịt mỡ, bơ, dầu cọ, dầu dừa, kem, pho mát, bơ sữa và mỡ lợn) dưới 10% tổng năng lượng ăn vào mỗi ngày. Tránh chất béo chuyển hóa xấu trong các sản phẩm công nghiệp (thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thức ăn chiên bằng dầu bẩn, đồ hộp, bơ thực vật,…)
• Ít hơn 5 gram muối (tương đương 1 thìa cà phê) mỗi ngày và sử dụng muối i-ốt.
c/ Những lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ
• Lựa chọn thức ăn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm và dựa trên sở thích của người bệnh. Không nên ép buộc người bệnh ăn những món mà họ không thích.
• Duy trì thói quen uống nước, nhắc nhở người bệnh uống nước, đánh giá tình trạng uống nước của bệnh nhân bằng cách quan sát da, môi, lượng đi tiểu,… để tránh tình trạng thiếu nước. Bệnh nhân thường quên việc uống nước, do đó cần phải được chú ý từ người nhà.
• Ở giai đoạn đầu, khi người bệnh bắt đầu quên mua thực phẩm, gia vị, người nhà nên theo dõi và nhắc nhở, sử dụng giấy đánh dấu khi đi chợ, ghi các công thức nấu ăn để giúp người bệnh dễ dàng sử dụng.
• Khi bệnh nhân có dấu hiệu quên bữa ăn, chán ăn, vai trò của người nhà cần phải được nhấn mạnh hơn nữa. Tạo bầu không khí vui vẻ trong bữa ăn, tránh để bệnh nhân ăn một mình, kiên nhẫn chờ đợi bữa ăn kết thúc.
• Khi bệnh ở giai đoạn nặng, người thân cần giúp bệnh nhân nhận biết được đâu là thức ăn để tránh những trường hợp ăn nhầm, nuốt phải đồ vật. Kiểm tra nhiệt độ và độ cứng của thức ăn để tránh những tai biến khi ăn. Không sử dụng chén dĩa có màu sắc dễ lẫn với thức ăn. Chế biến và trình bày hấp dẫn để tạo hứng thú ăn uống cho bệnh nhân.
• Trường hợp bệnh nhân giảm khả năng ăn uống, sụt cân kéo dài, cần được sự hỗ trợ từ bác sĩ để quyết định các hình thức dinh dưỡng bổ sung như các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng, đặt ống nuôi dạ dày, hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch,…
Sa sút trí tuệ không chỉ đơn thuần là sự lão hóa của tuổi già, suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi còn có thể là hậu quả của các bệnh lý mà nếu phát hiện, can thiệp sớm có thể cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Duy trì thói quen hoạt động thể chất, cai thuốc lá, ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia quá mức, giữ gìn vóc dáng cơ thể, rèn luyện não bộ và đặc biệt quản lý tốt các bệnh lý kèm theo là những yếu tố có thể dự phòng và ngăn ngừa tiến triển của sa sút trí tuệ.
“Hãy quan tâm tới bộ não của bạn và người thân ngay từ bây giờ để nâng cao chất lượng tuổi già”
Bs. Lê Thanh Nhàn
Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family
Tài liệu tham khảo
- WHO (2019). WHO Guidelines of Risk reduction of Cognitive decline and Dementia.
- Prof Gill Livingston et al. (2020). Dementia prevention, intervention, and care: 2020 report of the Lancet Commission, The Lancet, July 30, 2020. doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30367-6
- Dorothee Volkert at el. (2015). ESPEN guidelines on nutrition in dementia. Clinical Nutrition, September 10, 2015. doi.org/10.1016/j.clnu.2015.09.004
- USDA, HHS (2020). Dietary Guidelines for Americans 2020-2025.
- WHO (2010). WHO’s Global recommendations on physical activity for health. (http://www.who.int/dietphysicalactivity/publications/9789241599979/en/)