Tiền đái tháo đường là gì?
Được định nghĩa là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường, bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói, rối loạn dung nạp glucose hoặc tăng HbA1c.
Ngày nay, tỉ lệ người mắc tiền đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với đái tháo đường và ở một con số đáng báo động. Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, cứ 13 người trưởng thành có 1 người mắc rối loạn dung nạp glucose. Tuy nhiên trên thực tế, con số này có thể cao hơn rất nhiều, theo dữ liệu từ NHANES, hiện nay số người tiền đái tháo đường trên toàn thế giới lên đến 950 triệu người và có thể chiếm gần một nửa dân số thế giới vào năm 2045, bệnh có xu hướng trẻ hóa khi 1/3 con số này nằm trong độ tuổi từ 20 đến 39 tuổi. Tại Việt Nam, số bệnh nhân mắc tiền đái tháo đường cũng ở mức rất cao, năm 2019, con số này là 5,3 triệu người và có thể lên đến 7,9 triệu người vào năm 2040.
Tại sao phải điều trị tiền đái tháo đường?
Có đến 70% bệnh nhân tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường nếu không điều trị. Khoảng 11% bệnh nhân tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm và con số này lên đến 50% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm dựa trên các yếu tố nguy cơ liên quan và điều trị thích hợp, bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể hồi phục, giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tổn thương thận, mắt, thần kinh ở nhóm bệnh nhân tiền đái tháo đường là cao hơn so với nhóm không mắc bệnh và điều trị tiền đái tháo đường cũng được xem là biện pháp hiệu quả nhất trong việc giảm các biến chứng nêu trên, đặc biệt là các biến cố tim mạch.
Những đối tượng nào cần được tầm soát và điều trị tiền đái tháo đường?
Theo Hướng dẫn chẩn đoán Tiền đái tháo đường 2020 – Bộ Y tế Việt Nam, những đối tượng nên được khám tầm soát Tiền đái tháo đường gồm:
- Người lớn tăng cân hoặc béo phì (BMI >= 23 kg/ m2) và có >= 1 yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân trực hệ mắc đái tháo đường
- Có tiền sử mắc bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp/ rối loạn lipid máu
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
- Ít hoạt động thể lực
- Có tình trạng kháng insulin với các biểu hiện trên lâm sàng như: béo phì nặng, dấu gai đen,…
- Người lớn từ 45 tuổi.
Những đối tượng trên được khuyến cáo nên xét nghiệm tầm soát tiền đái tháo đường mỗi 1-3 năm hoặc có thể ngắn hơn tùy theo yếu tố nguy cơ nhiều hay ít ở mỗi bệnh nhân. Đối với phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, nên xét nghiệm lặp lại ít nhất mỗi 3 năm dù không có các yếu tố nguy cơ khác.
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường 2020- Bộ Y tế Việt Nam.
- International Diabetes Federation, IDF Diabetes Atlas 9th Edition, 2019.
- Tabak AG et al. Lancet. 2012; 379 (9833): 2279-90.
- Yuli Huang, Xiaoyan Cai, Weiyi Mai et al, “Asociation between prediabetes and risk of cardiovascular disease and all cause mortality: systematic review and meta-analysis”, BMJ 2016; 355:i5953.