Tiền đái tháo đường- phát hiện và phòng ngừa

Việt Nam chúng ta nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương theo phân loại của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation – IDF), nơi chiếm đến 1/3 số người mắc tiền đái tháo đường trên toàn cầu. Theo số liệu ước tính mới nhất của tổ chức nói trên, năm 2019 cả thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 bị rối loạn dung nạp glucose – một dạng tiền đái tháo đường (tương ứng với 7.5%). Riêng Việt Nam vào cùng thời điểm năm 2019, có khoảng 3.8 triệu bệnh nhân đái tháo đường, trong khi số ca tiền đái tháo đường lại lên đến 5.3 triệu (chiếm 8.6% dân số), nghĩa là gấp 1.4 lần. Dự đoán đến năm 2045, gần 7.9 triệu người được chẩn đoán tiền đái tháo đường, tương đương tỉ lệ khoảng 9.2% dân số.

1. Định nghĩa:

Tiền đái tháo đường (prediabetes) là tình trạng bệnh lý khi nồng độ đường huyết (glucose trong máu) của bạn cao hơn bình thường nhưng chưa đạt đến tiêu chí đủ để chẩn đoán đái tháo đường. Nói cách khác, đây có thể được xem là giai đoạn sớm và trung gian chuyển tiếp từ bình thường sang đái tháo đường thực sự.

2. Các yếu tố nguy cơ:

Theo Hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2020, đưa ra các nhóm đói tượng nguy cơ cao cần tầm soát tiền đái tháo đường bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có các thành viên bị đái tháo đường (bố, mẹ, ông, bà).
  • Tiền sử đái tháo đường thai kỳ
  • Tuổi > 40 tuổi
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Chế độ dinh dưỡng kém trong thời kỳ mang thai
  • Lối sống tĩnh tại: hạn chế hoạt động thể lực hoặc lười vận động khi bạn càng ít vận động, nguy cơ mắc tiền đái tháo đường càng cao.
  • Thừa cân: Thừa cân là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tiền đái tháo đường. Đặc biệt, những người có chỉ số BMI trên 35 sẽ rất dễ mắc bệnh.
  • Rối loạn lipid máu
  • Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim.
  • Phụ nữ mang thai có thừa cân, đã được chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, đều có nguy cơ cao phát triển đái tháo đường thai kỳ (GDM). Ngoài ra, trước đây đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc thuộc nhóm dân tộc nhất định, có nguy cơ gia tăng phát triển đái tháo đường thai kỳ.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Hội chứng này xuất hiện ở nữ với các triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt không đều, rậm lông và béo phì. Hội chứng này làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường;
  • Chủng tộc: Mặc dù vẫn chưa có lý do rõ ràng, những người thuộc các chủng tộc nhất định – bao gồm người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, gốc Ấn Độ và gốc châu Á – có nhiều khả năng xuất hiện bệnh tiền đái tháo đường.
  • Giấc ngủ: Ngưng thở khi ngủ là rối loạn giấc ngủ, trong đó, người bệnh sẽ ngưng thở nhiều lần trong khi ngủ, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém. Những người làm việc thay đổi ca ngày hoặc ca đêm có thể gặp những vấn đề về giấc ngủ. Các vấn đề về ngủ cũng có thể có tăng nguy cơ đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường loại 2.
  • Biểu hiện lâm sàng đề kháng insulin: béo phì nặng hay có dấu gai đen

3. Xét nghiệm chẩn đoán

Hiện nay có 3 xét nghiệm hay dùng để chẩn đoántiền đái tháo đường:

  • Xét nghiệm A1C (hay còn được gọi HbA1C)

Xét nghiệm này đo lường tỷ lệ đường trong máu của người bệnh trong vòng 2-3 tháng. Nồng độ HbA1C bình thường dưới 5,7%. Nồng độ HbA1C giữa 5,7-6,4% được coi là tiền đái tháo đường. Trên 6,5% qua hai lần xét nghiệm thì được chẩn đoán đái tháo đường.

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu sau một đêm không ăn gì. Mức đường huyết 100-125 mg/dL (5,6-6,9 mmol/L) được coi là tiền đái tháo đường.

  • Dung nạp glucose qua đường uống 75g với 2 mẫu

Xét nghiệm này yêu cầu người bệnh phải nhịn đói qua đêm ít nhất 8h đến 10h. Trước khi đo, người bệnh sẽ uống một ly nước đường và chờ cho đường đi vào máu. Sau đó 2h uống thì bác sĩ sẽ lấy máu để đo lượng đường. Mức đường huyết 140-199 mg/dl (7,8-11,0 mmol/l) được coi là tiền đái tháo đường.

Đối với tất cả các xét nghiệm, nồng độ đường càng cao thì nguy cơ phát triển thành bệnh đái tháo đường càng lớn.

4. Phòng ngừa:

Điều tối quan trọng với người tiền đái tháo đường là duy trì cân nặng hợp lý và cắt giảm lượng mỡ, tinh bột, đường trong khẩu phần ăn.

4.1     Phải lên kế hoạch để có chế độ ăn uống hợp lý:

  • Giảm đường, tinh bột và chất ngọt, thay thế bằng chất đạm từ thịt, cá, trứng và rau xanh, hoa quả.
  • Nên lựa chọn những loại ngũ cốc còn nguyên màng cám, gạo không nên xát kỹ. Không nên ăn quá no, có thể chia nhỏ các bữa ăn và nhai thật kỹ
  • Tăng cường ăn cá, tối thiểu 2 bữa/tuần
  • Hạn chế thức ăn giàu mỡ động vật, nội tạng động vật
  • Tăng cường khẩu phần rau, hoa quả trong các bữa ăn
  • Hạn chế ăn mặn, nước ngọt có gas, bánh kẹo
  • Hạn chế tối đa những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…

4.2     Tập luyện thể thao đúng và hợp phù hợp mình

  • Hàng ngày, người tiền tiểu đường có thể đi bộ hoặc tập 1 môn thể dục nào đó với thời lượng khoảng 30- 60 phút mỗi ngày, và không nên nghỉ quá 2 ngày trong 1 tuần.
  • Để nhớ và duy trì được thói quen này, bạn nên nghỉ ngơi sau ăn khoảng 30-45 phút, sau đó đi bộ xung quanh khoảng 15-20 phút. Vậy tổng giờ hoạt động trong ngày sau 3 bữa chính sẽ được đảm bảo.
  • Với những bạn trẻ làm công việc văn phòng nên hạn chế việc sử dụng thang máy, thay vào đó nên chọn đi cầu thang bộ và tránh ngồi quá lâu. Mỗi 1 tiếng nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng trong phòng làm việc để làm tăng sự nhạy cảm của insulin.

4.3      Sử dụng sản phẩm hỗ trợ kiểm soát chỉ số đường huyết nhanh chóng

Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc để điều trị tình trạng rối loạn glucose khi đói nhằm ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Thuốc được thử nghiệm gồm metformin, acarbose, thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II.

Những người mắc tiền đái tháo đường thường ít phát hiện ra bệnh nếu chỉ dựa vào dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi và khám định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời tránh nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Tài liệu tham khảo

  1.  American Diabetes Association (2020). Diabetes Care, 43(Suppl. 1).
  2.  https://www.futurederm.com/obesity-related-acanthosis-nigricans/
  3.  Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường (2020). Bộ Y tế