Chóng mặt ở người trẻ

Chóng mặt là triệu chứng phổ biến và thường bị xem nhẹ ở người trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chóng mặt là dấu hiệu cảnh báo sớm những bệnh lý nguyên nhân từ thần kinh trung ương, do các vấn đề về mạch máu não, u não hay tim mạch. Bài viết này giúp bạn hiểu về nguyên nhân, nguy cơ tiềm ẩn và khi nào cần đi khám sớm để tránh hậu quả lâu dài.

1. Chóng mặt là gì? 

Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, hoa mắt, choáng váng hoặc như sắp ngất xỉu. Tình trạng này thường liên quan đến các vấn đề ở tai trong, dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây số VIII) hoặc não.

Tiền đình là một phần của hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai (mỗi bên một cái), có nhiệm vụ duy trì thăng bằng cho cơ thể, điều khiển tư thế, phối hợp nhịp nhàng giữa đầu, thân mình, tay chân và mắt khi vận động.
Dây thần kinh số 8 (tiền đình – ốc tai) bắt nguồn từ vùng cầu não, đi qua xương đá và lỗ ống tai trong. Đây là “đường truyền tín hiệu” giúp não bộ nhận biết và điều khiển sự thăng bằng thông qua hệ thống tiền đình.
Khi có rối loạn ở tai trong (viêm, tổn thương), dây thần kinh tiền đình (bị chèn ép, viêm) hoặc vùng não xử lý thông tin này (thiếu máu, u não), tín hiệu truyền đến não bị sai lệch, khiến cơ thể không định hướng được không gian, từ đó gây chóng mặt.

Các triệu chứng có thể đi kèm chóng mặt như ù tai, giảm thính lực, nôn ói hoặc đau đầu. Ở người trẻ, chóng mặt có thể xảy ra thoáng qua hoặc lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập và công việc.

2. Nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt ở người trẻ

– Rối loạn tiền đình ngoại biên
Bao gồm các bệnh như chóng mặt tư thế kịch phát lành tính do các hạt sỏi tai bị bong ra và di chuyển tự do trong các ống bán khuyên của tai trong hoặc bệnh Meniere có thể gây ra các cơn chóng mặt cùng với ù tai và giảm thính lực.

– Căng thẳng, rối loạn lo âu – Stress & Anxiety
Chóng mặt là triệu chứng thường gặp trong các cơn hoảng loạn hoặc rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Nghiên cứu cho thấy 25-30% người chóng mặt mạn tính có liên quan đến yếu tố tâm lý.

– Hạ huyết áp tư thế (Orthostatic Hypotension)
Khi thay đổi tư thế đột ngột, huyết áp tụt nhanh gây chóng mặt, choáng váng. Nguyên nhân thường gặp ở người trẻ là thiếu nước, giảm thể tích tuần hoàn hoặc dùng thuốc lợi tiểu.

– Thiếu máu, thiếu sắt
Người trẻ, đặc biệt là nữ giới, thiếu sắt do chế độ ăn hoặc kinh nguyệt kéo dài dẫn đến thiếu máu, gây chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh.

– Một số nguyên nhân nguy hiểm như đột quỵ, u não hoặc sự xung đột thần kinh số VIII và mạch máu não cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi.

3. Điều trị
Việc lựa chọn phương pháp điều trị chóng mặt phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chóng mặt.
– Thuốc: Một số loại thuốc có thể được chỉ định để giảm các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, … cần có sự chỉ định của bác sĩ.
– Phương pháp vật lý trị liệu: Giúp củng cố hệ thống tiền đình, biện pháp này giúp rèn luyện các giác quan khác của bạn để bù đắp cho hệ thống tiền đình, nhằm làm giảm chứng chóng mặt.
– Nghiệm pháp Epley: Phương pháp này giúp di chuyển các hạt sỏi tai bị lạc chỗ trong ống bán khuyên về đúng vị trí trong tai trong, nơi chúng có thể được cơ thể hấp thụ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các động tác đầu theo trình tự để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Tóm lại chóng mặt ở người trẻ không đơn giản chỉ là do mệt mỏi, thiếu ngủ hay làm việc quá sức. Đây có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý nghiêm trọng. Chính vì vậy, đừng chủ quan, hãy đi khám ngay nếu bạn gặp các dấu hiệu sau:

  • Chóng mặt xảy ra lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều giờ
  • Cảm giác quay cuồng dữ dội, không thể đứng vững
  • Chóng mặt kèm theo buồn nôn, nôn ói
  • Kèm mất thính lực, ù tai hoặc đau đầu dữ dội
  • Có dấu hiệu tê yếu tay chân, nhìn mờ, nói khó
  • Đang có bệnh lý nền như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn tiền đình…

Lắng nghe cơ thể và đi khám sớm là cách tốt nhất để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo

  1. HL Muncie, SM Sirmans, E James. Dizziness: approach to evaluation and management. American family physician, 2017 ;95(3):154-162.
  2. Smith, L. J., Pyke, W., Fowler, R., Matthes, B., Emma de Goederen, & Shanmuga Surenthiran. (2023). Impact and experiences of vestibular disorders and psychological distress: Qualitative findings from patients, family members and healthcare professionals. Health Expectations, 27(1). https://doi.org/10.1111/hex.13906.
  3. Smith, L. J., Pyke, W., Fowler, R., Matthes, B., Emma de Goederen, & Shanmuga Surenthiran. (2023). Impact and experiences of vestibular disorders and psychological distress: Qualitative findings from patients, family members and healthcare professionals. Health Expectations, 27(1). https://doi.org/10.1111/hex.13906.