Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu người mắc chứng mất trí nhớ, với gần 60% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Mỗi năm, có gần 10 triệu trường hợp mới, cứ 3 giây là có một trường hợp sa sút trí tuệ phát hiện mới. Tổng số người bị sa sút trí tuệ (SSTT) được dự đoán sẽ đạt 82 triệu người vào năm 2030 và 152 triệu người vào năm 2050.
Tỷ lệ ước tính số người từ 60 tuổi trở lên bị sa sút trí tuệ từ 5 – 8 %. Sa sút trí tuệ là một trong những nguyên nhân chính gây ra khuyết tật và sự phụ thuộc ở những người lớn tuổi trên toàn thế giới.
1. Sa sút trí tuệ là gì ?
Sa sút trí tuệ là một hội chứng thường có tính chất mạn tính hoặc tiến triển trong đó tình trạng nhận thức suy giảm vượt quá những rối loạn lão hóa thông thường. Nó ảnh hưởng đến 6 chức năng thần kinh nhận thức bao gồm: Chức năng điều hành, thị giác không gian, khả năng học tập – trí nhớ, sự tập trung chú ý, ngôn ngữ, tốc độ xử lý thông tin và hoạt động xã hội.
Sa sút trí tuệ xuất hiện sau giai đoạn suy giảm thần kinh nhận thức mức độ nhẹ (MCI: Mild cognitive Impairment), khởi phát sau các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa như: Đái tháo đường, Suy giáp, Rối loạn lipid máu, hoặc sau các bệnh lý tim mạch như: Tăng huyết áp, Suy tim, Xơ vữa mạch mách não, sau đột quỵ hoặc sau các sang thương não. SSTT bao gồm các thể như sau: Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thái dương, Hội chứng Parkinson Plus…
Sa sút trí tuệ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng phụ thuộc của người bệnh đến người thân trong gia đình. SSTT ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế không chỉ đối với những người mắc bệnh mà còn đối với người chăm sóc, gia đình và xã hội nói chung.
2. Sa sút trí tuệ biểu hiện như thế nào?
Sa sút trí tuệ phụ thuộc vào đặc điểm bệnh lý nền hiện mắc của bệnh nhân. Ví dụ như: Đối tượng nghiện rượu, bệnh lý tim mạch, chuyển hóa… mà biểu hiện của các triệu chứng khác nhau, bao gồm 3 giai đoạn:
2.1. Sa sút trí tuệ mức độ nhẹ:
Giai đoạn đầu biểu hiện bằng các rối loạn về trí nhớ, diễn tiến từ từ và thường bị bỏ qua với các triệu chứng hay gặp bao gồm:
- Hay quên, nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, thậm chí chỉ cách nhau vài phút.
- Hay đi tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ để chúng ở đâu.
- Quên các từ ngữ thường dùng nên phải diễn đạt theo kiểu vòng vo (ví dụ: Cái mũ thì nói là cái mà để đội lên đầu).
- Quên thời gian, quên những nơi quen thuộc.
- Giảm khả năng nhận xét, đánh giá.
- Thụ động( thờ ơ, cách lý xã hội)
2.2. Sa sút trí tuệ giai đoạn trung bình:
Các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn.
- Quên đi những sự kiện gần đây và quên tên của mọi người
- Bị lạc ở nhà
- Gặp khó khăn trong giao tiếp
- Phụ thuộc một phần trong chăm sóc cá nhân: Tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân
- Thay đổi hành vi như đi lang thang & đặt câu hỏi lặp đi lặp lại.
- Mất kiềm chế ( hành vi tình dục bất thường hoặc nói năng lung tung).
Phụ thuộc gần như hoàn toàn trong hoạt động sống và không vận động biểu hiện nặng nề hơn:
- Mất định hướng không gian, thời gian.
- Gặp khó khăn trong việc nhận ra người thân và bạn bè.
- Không tự chăm sóc được bản thân, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác trong hoạt động thường ngày như ăn uống, đại tiểu tiện, tắm rửa.
- Đi lại gặp khó khăn như đi bộ.
- Kích động về lời nói (25%), hành động (30%)
- Hoang tưởng (30 – 60%): mất trộm, không chung thuỷ
- Mất ngủ, rối loạn chu kỳ thức- ngủ
3. Các dạng sa sút trí tuệ thường gặp:
Có nhiều hình thức sa sút trí tuệ khác nhau. Bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất chiếm từ 60% – 70% trường hợp.
Các dạng chủ yếu khác bao gồm chứng SSTT mạch máu, SSTT thể Lewy ( Tập hợp Protein bất thường phát triển bên trong tế bào thần kinh) và SSTT trán thái dương, SSTT thể Lewy Bodies… Ranh giới giữa các dạng sa sút trí tuệ khác nhau thường gặp SSTT thể hỗn hợp(Alzheimer + SSTT mạch máu)
4. Điều trị và chăm sóc khi bị sa sút trí tuệ:
4.1.Điều trị SSTT:
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Chỉ có thể kiểm soát cho tiến trình SSTT tiến triển chậm lại, ngăn ngừa biến chứng. Phối hợp với vận động liệu pháp tăng cường hoạt động trí nhớ, vận động thể thao, thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và tình trạng bệnh kèm phối hợp.
4.2. Mục tiêu chăm sóc:
- Chẩn đoán sớm để quản lý can thiệp điều trị hạn chế tiến triển bệnh nặng nề hơn.
- Tăng cường rèn luyện về vận động liệu pháp dinh dưỡng, tăng cường các hoạt động xã hội.
- Xác định và điều trị bệnh lý nền đi kèm như: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Suy nhược, Xơ vữa mạch máu…
- Phát hiện và điều trị sớm triệu chứng hành vi và tâm lý ở giai đoạn MCI.
- Cung cấp thông tin và hỗ trợ lâu dài cho người trực tiếp chăm sóc.
- Sa sút trí tuệ ảnh hưởng ảnh hưởng gì tới gia đình & xã hội ?
5.1 Ảnh hưởng tới kinh tế xã hội:
Theo Tổ chức Y tế thế giới tổng chi phí ước tính cho việc điều trị SSTT là 818 tỷ USD, tương đương 1,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn thế giới. Tỷ lệ GDP dao động từ 0,2% ở các nước thu nhập thấp và trung bình đến 1,4% ở các nước thu nhập cao.
5.2 Ảnh hưởng tới gia đình và người trực tiếp chăm sóc:
Theo nghiên cứu ACCORD cứ mỗi hai người thân chăm sóc bệnh nhân SSTT thì có một người bị SSTT trong tương lai.
SSTT tác động trực tiếp tới gia đình người bệnh và người trực tiếp chăm sóc. Áp lực về thể chất, tình cảm và tài chính có thể gây ra căng thẳng lớn cho gia đình, người chăm sóc. Điều này rất cần được xã hội, nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều hơn.
6. 10 Dấu hiệu nhận biết Sa sút trí tuệ cần gặp bác sỹ chuyên khoa:
- Khó khăn trong thực hiện các công việc thông thường
- Khó khăn trong giao tiếp
- Để quên đồ vật
- Triệu chứng quên tiến triển từng ngày
- Khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề
- Phải nghỉ việc hoặc không tham gia các hoạt động xã hội
- Nhầm lẫn thời gian và địa điểm
- Thay đổi tính cách
- Thay đổi khí sắc hoặc hành vi
- Giảm khả năng tư duy logic & xử lý thông tin
Đề nghị khám bệnh và tầm soát sớm khi có biểu hiện suy giảm nhẹ về trí nhớ như quên đồ vật, quên các sự kiện, và ngôn ngữ như nói lặp từ, quên từ…
7. Phòng ngừa Sa sút trí tuệ như thế nào ?
Các nghiên cứu cho thấy có thể giảm nguy cơ SSTT bằng cách:
7.1 Chế độ dinh dưỡng:
- Duy trì chế độ ăn ít béo, giàu chất xơ, trái cây tươi (đỏ, xanh tía), rau xanh có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. và ngũ cốc thô.
- Hạn chế lượng muối ăn không quá 6 gram muối mỗi ngày ( 1 muỗng café muối đầy)
- Tránh thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như dầu dừa, dầu cọ, thịt nhiều mỡ….
- Bổ sung thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá mòi, cá thu, hải sản…
- Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để duy trì tuần hoàn não
- Không hút thuốc lá, tránh sử dụng nhiều rượu, bia. Giới hạn rượu dùng ở nam là 3 – 4 đơn vị rượu( một đơn vị rượu dùng ở nam bằng ½ lon bia, hoặc 1 ly rượu vang nhỏ), ở nữ là 2-3 đơn vị rượu.
7.2 Chế độ luyện tập & kiểm soát các bệnh lý kèm theo:
- Luyện tập thể dục thường xuyên
- Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, giảm kích thước vòng bụng
- Duy trì huyết áp, Cholesterol, đường máu ở mức ổn định & các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Trầm cảm, ít tiếp xúc với cộng đồng và những người sống độc thân.
7.3 Tinh thần khỏe mạnh:
- Ngủ đủ giấc
- Giữ tinh thần lạc quan, yêu thương bản thân
- Tạo và duy trì các mối quan hệ xã hội
- Hãy tự thưởng cho bản thân
- Tập luyện trí não bằng các trò chơi ô chữ, Sudoku, ghép hình, chơi cờ..
- Tính toán cộng trừ, đếm số ngược
- Duy trì việc đọc ví dụ như: Đọc sách báo, đọc biển quảng cáo…
- Hạn chế căng thẳng lo âu vì đây là yếu tố đẩy nhanh tiến trình suy thoái não gây SSTT
8. Quản lý não để tăng cường trí nhớ:
8.1 Liệt kê:
Liệt kê những việc cần làm tùy theo sự cần thiết và tầm quan trọng trong 4 ô kẻ. Hoàn thành việc cần thiết và quan trọng trước.
8.2 Tính toán: Thực hiện cộng trừ chữ số nào chẳng hạn như số taxi, số xe…
8.3 Đọc: Đọc sách báo, đọc bảng quảng cáo ở trạm xe bus, trên tòa nhà, bài báo trên tạp chí
8.4 Đếm ngược: Bắt đầu đếm với số thập phân chẳng hạn 50.49.48.47.46 cho tới 1, đọc to, viết ra giấy. Sau đó chuyển sang 100 và 1000 nếu có thể.
8.5 Trò chơi não: Chơi ô chữ,chơi bài, chơi cờ, chơi ghép hình….
8.6 Lấy đồ vật trong bóng tối: Thử một cách bất thường hoạt động sống hàng ngày bằng cách đặt vật vào một nơi mà không bật đèn lên.
8.7 Sử dụng bàn tay thứ 2 của bạn: Viết bằng tay không thuận
8.8 Duy trì việc học: Mở rộng sự hiệu biết bằng cách tìm hiểu thêm 1 vấn đề nào đó mà mình thích.
8.9 Kết nối mới với cũ: Tập nhớ những sự vật hiện tại với quá khứ.
Hiện nay tại Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family thường xuyên tổ chức đánh giá SSTT cho bệnh nhân trên 55 tuổi vào các buổi chiều từ 13h30 -17h các ngày trong tuần. Để được tưvấn #Miễn_phí về các vấn đề liên quan đến Sa sút trí tuệ & Đánh giá SSTT qua thang điểm nhận thức thần kinh.
Vui lòng liên hệ:TRUNG TÂM NỘI TIẾT – ĐÁI THÁO ĐƯỜNG FAMILY, BỆNH VIỆN ĐA KHOA GIA ĐÌNH.
Địachỉ: 73 Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng
Hotline: 0944 225 115
Tổng đài đặt lịch hẹn: 19002250.