Sự liên quan giữa vị trí nhân giáp và nguy cơ ác tính của nhân giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, nằm ở phần trước cổ, ngang các đốt sống C5- D1. Theo giải phẫu tuyến giáp gồm có 2 thùy bên nối với nhau bởi eo ở giữa, mỗi thùy giáp lại được chia thành các cực (cực trên, cực giữa và cực dưới) [1]. Theo đó các nhân tuyến giáp cũng được định khu theo vị trí giải phẫu, ví dụ như nhân thùy phải tuyến giáp, nhân thùy trái tuyến giáp, nhân vùng eo tuyến giáp,… [2]. Người ta nhận thấy rằng, một số bệnh lý như ung thư dạ dày có mối liên quan chặt chẽ giữa vị trí khối u và nguy cơ ác tính. Vậy ở bệnh lý nhân tuyến giáp, mối quan hệ này là như thế nào?

Hình 1. Tuyến giáp và các thùy của tuyến giáp [2].

Năm 2016, Zhang Fan cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 219 bệnh nhân có tổn thương dạng khối tại tuyến giáp, được chỉ định siêu âm phân loại theo phân độ TIRARD, chọc hút tề bào bằng kim nhỏ (FNA) và giải phẫu bệnh để xác định chẩn đoán, sau khi loại bỏ các tổn thương không có chẩn đoán rõ ràng thì còn lại 188 nhân giáp, được chia thành 3 nhóm, thùy phải, thùy trái và eo giáp; trong đó các nhân giáp ở hai thùy lại được chia thành 3 nhóm nhỏ khác, ở cực trên, cực giữa và cực dưới tuyến giáp. Có 14/188 nhân giáp ác tính, trong đó nhóm ở cực trên tuyến giáp chiếm gấp 4 lần so với các vị trí còn lại (p= 0.03) [4].

Gần như vào cùng thời điểm đó, vào năm 2018 Valeria cùng cộng sự đã công bố nghiên cứu sau gần 3 năm (từ tháng 11/ 2015 đến tháng 5/2018) khảo sát 832 nhân giáp với các chỉ định và mục tiêu nghiên cứu tương tự. Sau khi loại trừ các trường hợp không thể theo dõi được, thì còn lại 557 nhân giáp với 40 nhân giáp ác tính, được chia thành 3 nhóm dựa theo vị trí giải phẫu tuyến giáp là thùy phải, thùy trái và eo, thì nhận thấy không có sự khác biệt về nguy cơ ác tính của nhân giáp ở 2 thùy và eo (p= 0.05). Tuy nhiên, cũng với nguồn dữ liệu này, nhóm tác giả tiếp tục chia các nhân giáp thành 3 nhóm theo chiều dọc của thùy tuyến giáp, đó là cực trên, cực giữa và cực dưới; sau khi loại trừ các nhân giáp ở vùng eo cũng như ở toàn bộ thùy giáp thì còn lại 227 nhân giáp, với 12 trường hợp ung thư tuyến giáp, đã ghi nhận được rằng tỉ lệ ác tính cao hơn đối với các nhân giáp ở cực giữa, chiếm tỉ lệ 58,3% (p=0.006) [5].

Cho đến nay so với những nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa các đặc điểm của nhân giáp như kích thước, tính chất nhân, tình trạng tưới máu, vi vôi hóa… với nguy cơ ung thư giá,  thì vẫn còn  số lượng ít cũng như quy mô nhỏ các nghiên cứu khảo sát mối liên quan giữa vị trí nhân giáp và khả năng lành tính hay ác tính của nhân giáp đó. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nhân giáp ở cực trên và cực giữa tuyến giáp có nguy cơ ác tính cao hơn, điều này đặt ra thêm một mối quan tâm cho người làm lâm sàng trong quá trình đánh giá các đặc tính của nhân giáp trên siêu âm, cũng như kỳ vọng trong tương lai chúng ta sẽ tiến hành các nghiên cứu với quy mô lớn hơn để đánh giá liệu rằng vị trí nhân giáp có trở thành một yếu tố góp phần thêm nữa trong việc dự đoán nguy cơ ác tính của nhân giáp hay không.

Tài liệu tham khảo:

1. Frank H. Netter (2017), Atlas of Human Anatomy E-Book, 7 Edition, Elsevier Health Sciences

2. A. A.Parsa, H. Gharib (2017), History and Examination for Thyroid Nodules. Thyroid Nodules, 13-18.

3. Zhang F, Oluwo O, Castillo FB, et al. (2019) “Thyroid nodule location on ultrasonography as a predictor of malignancy”. Endocr Pract, 25,13-137.

4. Valeria Ramundo1, Livia Lamartina1, Rosa Falcone, et al (2019) “Is thyroid nodule location associated with malignancy risk?”.  Ultrasonogrraphy; 38: 231- 235.

Tác giả: BS. Phạm Nguyễn Tuyền Linh – Trung tâm NT- ĐTĐ Family